VnReview
Hà Nội

Mất 30 tỉ USD, Huawei còn gì để 'bạo miệng' nói vượt qua lệnh cấm?

Giới quan sát dự đoán rằng cuộc gặp Trump – Tập bên lề G20 tại Nhật Bản cuối tháng 6/2019 sẽ khó dàn xếp ổn thỏa được thương chiến giữa hai bên.

Sếp Huawei: Chúng tôi thừa sức giải quyết vấn đề mà chẳng cần phải trông chờ vào chính phủ

CEO Huawei khẳng định mất 30 tỷ USD doanh thu do lệnh cấm của Mỹ chẳng nhằm nhò gì

Về phía Huawei, tập đoàn số 1 Trung Quốc này đã xác định dù thương chiến có được dàn xếp được ổn thỏa hay không, họ cũng cần có một chiến lược dài hạn để tránh phụ thuộc vào các tập đoàn Mỹ.

Mất 30 tỉ USD chưa thể "chết lâm sàng"

Trong những ngày đầu từ thời điểm (21/5) khi Bộ Thương mại Mỹ ban lệnh cấm và tiếp đó là động thái dừng hợp tác của các công ty, tập đoàn Mỹ cung cấp linh kiện, giải pháp, dịch vụ cho Huawei, không ít nhận định cho rằng có thể Huawei đang dần đi đến cái "chết lâm sàng".

Lệnh cấm của Chính phủ Mỹ đối với Huawei đã và đang dẫn đến những hệ lụy và hậu quả nghiêm trọng đối với tập đoàn này. Huawei liền phải tạm lùi tiến trình trở thành hãng smartphone số 1 thế giới mà trước đó đã tuyên bố là sẽ soán ngôi của Samsung trong khoảng 2 năm tới.;

Nhà sáng lập Huawei là Nhậm Chính Phi mới đây cũng đã không giấu giếm rằng lệnh cấm sẽ khiến Huawei mất đi 30 tỉ USD doanh thu trong hai năm 2019-2020 từ việc sụt giảm doanh số bán thiết bị mạng viễn thông và smartphone (giảm đến 40-50% đặc biệt ở thị trường hải ngoại). Tuy nhiên, ông Nhậm cho rằng Huawei sẽ bắt đầu hồi phục trở lại từ năm 2021.

Huawei

Việc mất đi doanh thu 30 tỉ USD trong 2 năm thì tính ra mỗi năm khoảng 15 tỉ USD. Năm 2018, Huawei đã đạt tổng doanh thu hơn 100 tỉ USD. Vậy suy ra, mỗi năm trong giai đoạn 2019-2020 Huawei sụt giảm đi từ 13-15% doanh thu. Đây là một tỉ lệ sụt giảm khá lớn đối với bất cứ doanh nghiệp nào trong kinh doanh nếu do nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp như quản trị yếu kém, cạnh tranh sa sút, bất ổn nội bộ…

Tuy nhiên, với một doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu do lệnh cấm từ bên ngoài, với nhiều cái nhìn khác nhau về động cơ cho rằng không hẳn chỉ vì yếu tố an ninh quốc gia như trường hợp Huawei, tỉ lệ giảm 15% mỗi năm trong giai đoạn trên không phải là quá nghiêm trọng. Hay nói cách khác, cho dù Chính phủ Mỹ muốn "triệt đường sống" của Huawei như phía Trung Quốc nhận định thì điều đó hiện nay vẫn chưa thể xảy ra. Muốn xảy ra, Mỹ phải lôi kéo được cả cả Châu Âu, Châu Á, Nam Mỹ và Châu Phi nghe theo - là điều không thể thành hiện thực.

Ngoài ra, Huawei cũng còn có một thị trường nội địa với khoảng 1,4 tỉ dân và các quốc gia liên minh hoặc vốn dĩ có mối quan hệ chính trị, kinh tế, đầu tư tốt đẹp với Trung Quốc.

Huawei cũng có "bửu bối"?

Cho tới thời điểm này, Huawei luôn cho rằng các cáo buộc của Mỹ và một số nước Châu Âu là vô căn cứ. Một vài chuyên gia bảo mật tôi có dịp trao đổi về vấn đề này thì cho rằng, khả năng là Mỹ đã thu thập được bằng chứng Huawei mở cửa hậu trong các thiết bị mạng viễn thông để thu thập dữ liệu cho Chính phủ Trung Quốc. Song nếu Mỹ chứng minh điều đó thì chẳng khác nào "vạch áo cho người xem lưng" về phương thức xâm nhập để lần ra bằng chứng mà có thể là cách làm bất chính.

Trên thực tế, Huawei đã có những sự chuẩn bị nhất định cho tình huống bị trừng phạt. Từ một tập đoàn với doanh thu chủ yếu đến từ thiết bị mạng viễn thông, khoảng 5 năm trở lại đây Huawei đã dần lớn mạnh trong lĩnh vực sản xuất smartphone và đến thời điểm cuối năm 2018 đã vươn lên trở thành hãng điện thoại lớn thứ 2 thế giới.

Đồng thời, Huawei cũng mở rộng hệ sinh thái và mạng lưới tự chủ về linh kiện khi xây dựng Cty con chuyên nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip Hisilicon, hệ điều hành HongMeng OS cho điện thoại, mua dự trữ trước các gói bản quyền công nghệ từ các hãng của Mỹ và Châu Âu…

Song dù thế Huawei vẫn khó tránh được bị tổn thương nặng nề do lệnh cấm của Mỹ. Lệnh cấm của Chính phủ Mỹ ngoài lí do là an ninh quốc gia lại được nhìn nhận rất khác nhau từ các quốc gia, trong đó yếu tố chính được cho rằng thúc đẩy lệnh cấm được ban hành chính là nhằm gây áp lực lên thương chiến với Trung Quốc, và hơn cả là vì quyền lợi "nước Mỹ trên hết" của tổng thống Trump.

Trong khi Huawei bị Mỹ trừng phạt thì tập đoàn này lại được nhân viên đồng lòng và người tiêu dùng Trung Quốc ủng hộ hơn trước vì họ cho rằng Chính phủ Mỹ đang cố ngăn cản bước tiến công nghệ của Huawei nói riêng và Trung Quốc nói chung. Bằng chứng là người tiêu dùng Trung Quốc còn kháo nhau từ bỏ iPhone để quay sang sử dụng smartphone Huawei để ủng hộ. Vì vậy, Huawei có thể mất đi từ 40-50% thị phần ở hải ngoại song họ có thể lấy được thêm thị phần ở thị trường Trung Quốc, khiến các thương hiệu đồng hương như OPPO, Vivo, Xiaomi… phải đẩy mạnh thị trường nước ngoài để bù đắp lại thị phần bị Huawei lấn lướt ở đại lục.

Các nhà quan sát quốc tế cho rằng Huawei có "bửu bối" để trả đũa lại Mỹ chính là trên dưới 60.000 bằng sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ viễn thông, mạng viễn thông, smartphone và đặc biệt là 5G. Mặc dù nhà sáng lập Nhậm Chính Phi tuyên bố rằng sẽ không dùng bằng sáng chế làm vũ khí trả đũa chống lại sự phát triển của xã hội loài người nhưng với động thái mới nhất yêu cầu nhà mạng Verizon của Mỹ trả số tiền bản quyền 1 tỉ USD cho hơn 230 bằng sáng chế đã cho thấy một bước đi khá rõ nét của Huawei là bắt đầu thu đúng và thu đủ phí bản quyền từ các công ty Mỹ để bù đắp cho việc sụt giảm doanh số và lợi nhuận do lệnh cấm.

Với các doanh nghiệp niêm yết, thông tin sụt giảm 30 tỉ USD doanh thu đủ để thổi bay hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ USD giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vì giới đầu tư có thể bán tống bán tháo cổ phiếu khiến doanh nghiệp bất ổn, lung lay, thậm chí sụp đổ.

Song xét ở góc độ này, Huawei lại đang gặp "may" vì doanh nghiệp này chưa lên sàn niêm yết, nhờ đó được trú ẩn trong một "vịnh kín gió" tránh được áp lực thảm khốc từ thị trường chứng khoán.

Dạ Thảo

Chủ đề khác