VnReview
Hà Nội

Dùng lu đựng nước mưa chống ngập ở TP.HCM: Liệu có khả thi?

Giải quyết tình trạng ngập lụt khi triều cường hoặc trời mưa to đang là một trong những vấn đề rất khó ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Trong cuộc họp HĐND thành phố mới đây, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân đã đề nghị trang bị lu chứa nước cho người dân để chống ngập. Liệu đề xuất này có khả thi?

Rất nhiều dự án chống ngập trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã và đang được triển khai ở TP.HCM nhưng chưa thu được kết quả như mong đợi. Chính vì vậy, đề xuất mới trang bị cho người dânlu đựng nước mưa để chống ngập của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân tại kỳ họp HĐND thành phố mới đây nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Bà Xuân hiện tại đang là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cho biết đề xuất của mình không phải tự bà suy diễn mà được các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) nêu ra. Theo đó, các chuyên gia này cho rằng nếu TP.HCM vận động mỗi hộ gia đình trong điều kiện của mình xây 1 bể chứa nước 1m3 thì không những góp phần chống ngập mà còn giúp tiết kiệm nước sạch để tưới cây, rửa xe. Không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước khác cũng đã dùng giải pháp này để chống ngập.

Tuy vậy, điều kiện thực tế ở mỗi thành phố, mỗi nước là khác nhau. Chúng ta sẽ tính toán một cách cơ bản nhất để biết rằng liệu biện pháp mà PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đề xuất có khả thi?

TP.HCM hiện tại có diện tích 2.095,06 km2 với 8.637 triệu người sinh sống. Khu vực ngập lụt được xác định là ở trong 19 quận nội thành với tổng diện tích là 494,33 km2 và khoảng 7 triệu dân. Như vậy, nếu mỗi hộ dân trang bị 1 cái lu để chứa nước thì TP.HCM sẽ có khoảng hơn 1,7 triệu lu nước mới (chia trung bình mỗi hộ dân có 4 người). Khi đó, việc nghĩ xem đặt 1,7 triệu lu nước này ở đâu cũng sẽ phải đắn đo rất nhiều. Đó là chưa kể với 7 triệu dân nội thành thì không phải ai cũng sống trong nhà mặt đất mà một con số không nhỏ sống trong các chung cư cao tầng. Khi đó, việc đặt lu nước với những người ở chung cư lại có vấn đề và hiệu quả của việc này là không có.

Cùng với đó, thành phố Hồ Chí Minh ngập do mưa lớn chỉ là một phần. Nguyên nhân còn đến từ triều cường của hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai và sông Vàm Cỏ Đông cũng như hệ thống hạ tầng thoát nước cũ, nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu của đô thị. PGS.TS Hồng Xuân đề xuất rằng ‘Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa' có lẽ chưa tính đến những vấn đề nêu trên.

Ở khía cạnh lu (hoặc bể) để đựng nước mưa cũng là có vấn đề. Hiện tại TP.HCM có tổng lượng mưa khoảng 2.000 mm mỗi năm. Những ngày mưa lớn, gây ra ngập lụt thường có lượng mưa khoảng 100 mm/ngày. Như vậy, tổng lượng nước mưa ngày lụt trong các quận nội thành với lượng mưa giả định là 100 mm/ngày sẽ là khoảng gần 50 triệu m3. Với mỗi cái lu 1m3 thì tổng số nước có thể chứa được nếu mỗi gia đình trang bị 1 cái lu sẽ là khoảng 1,7 triệu m3. Như vậy, lượng nước mưa thu được từ lu sẽ chiếm khoảng 3,4% tổng lượng nước mưa. Đây là còn số đáng kể nhưng không quá lớn để có thể giải quyết ngập lụt do mưa.

Đó là chưa kể đến phần chi phí phải bỏ ra của dự án này. Với 1,7 triệu lu (hoặc bể nước) 1 m3 chúng ta có thể tốn tới 1.700 tỷ đồng (tính trung bình lu 1m3 có giá 1 triệu đồng). Một con số rất lớn. Đồng thời, để hứng được nước mưa thì sẽ còn cần đến hệ thống che hứng và gom nước cho lu. Chi phí dành cho việc này cũng rất lớn và có khi còn lớn hơn số tiền bỏ ra để mua lu.

Như vậy sẽ cần ít nhất; 3 – 4 nghìn tỷ để dự án dùng lu chứa nước này thành hiện thực. Cùng với đó thời gian thực hiện cũng không phải là ngắn do việc cung cấp đồng thời cùng lúc hàng triệu chiếc lu cho người dân là điều bất khả thi. Sau đó còn phải xây dựng hệ thống hứng nước, gom nước. Thời gian đó hoàn toàn có thể thực hiện được những dự án khoa học, tiên tiến, đúng quy hoạch hơn.

Không những vậy việc dùng lu chứa nước có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe và môi trường. Lu đựng nước có thể là nơi muỗi phát triển rất mạnh mẽ. 1,7 triệu chiếc lu nước nếu có thể chống ngập một phần thì cũng có thể sẽ là 1,7 triệu nơi nuôi muỗi trong TPHCM.

Trả lời báo chí, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc đề xuất giải pháp trang bị lu cho người dân chứa nước để chống ngập là không hiệu quả. Ông cho biết: ‘Vấn đề quan trọng là trong quy hoạch đô thị phải có không gian dành cho nước. Ở những không gian này có thể chứa hàng triệu mét khối nước thì mới có khả năng chống ngập, chứ mỗi cái lu chứa được bao nhiêu nước đâu?'.

T.T

Chủ đề khác