VnReview
Hà Nội

Thách thức lớn đầu tiên với CEO Lê Diệp Kiều Trang của Go-Viet

Vụ việc hàng loạt tài xế Go-Bike của Go-Viet tắt ứng dụng, hủy chuyến để đình công phản đối chính sách thưởng mới của Go-Viet đã trở thành thách thức lớn đầu tiên đối với tân CEO Lê Diệp Kiều Trang tại thị trường Việt Nam.

Cách tính mới dựa trên nhu cầu của tài xế?

Cũng khá lâu rồi, cộng đồng tài xế xe ôm công nghệ nói chung và tài xế Go-Bike nói riêng mới xảy ra một cuộc phản đối tập trung và qui mô như vụ việc diễn ra ngày 18/7 vừa qua.

Nguyên nhân phản đối đã được báo chí và các phương tiện truyền thông đề cập nhiều: Trước thời điểm ngày 18/7, tài xế Go-Bike được hưởng chính sách thưởng trị giá 30.000-90.000-180.000 đồng tương ứng với số điểm là 10-18-28. Vào giờ không cao điểm, mỗi chuyến tài xế Go-Bike nhận và thực hiện cuốc xe được tính 1 điểm. Với giờ cao điểm từ 6-9 giờ sáng và từ 17-20 giờ chiều tối, mỗi cuốc xe được tính 2 điểm.

Từ ngày 18/7, Go-Viet đưa ra chính sách mới áp dụng cách tính điểm trên mỗi cuốc xe được nhân đôi so với trước, nhìn chung là không có thay đổi gì nhiều. Tuy nhiên, về số điểm và/để được tiền thưởng thì có thay đổi mà giới tài xế cho rằng bị "bóc lột" và "thiệt thòi" hơn so với trước: Họ phải đạt 40-64-80 điểm để được nhận mức tiền thưởng lần lượt là 40.000-120.000-240.000 đồng.

Đơn cử so sánh ở mức điểm thứ nhất (10 và 40), tài xế chạy ở khung thời gian không cao điểm thì phải tăng tới 100% (tức gấp đôi) số chuyến nhưng mức thưởng chỉ tăng có 33,33%. Tương tự ở mức điểm thứ hai, số chuyến phải tăng đến 77,77% nhưng mức tiền thưởng chỉ tăng 33,33%. Còn ở mức điểm thứ ba, số chuyến tăng 42,85% nhưng mức tiền thưởng chỉ tăng 33,33%.

Nhìn chung, mức tăng tiền thưởng có tỉ lệ 33,33% không tương đồng với mức tăng số chuyến xe. Chính vì thế, giới tài xế thấy bị bớt đi quyền lợi, đi đến bức xúc phản ứng, không đồng tình nên đã tắt ứng dụng, hủy chuyến và đình công.

Thách thức lớn đầu tiên...

Từ khi bà Lê Diệp Kiều Trang chấp chính vị trí CEO của Go-Viet đến nay đã hơn 3 tháng. Đây có lẽ là lần đầu tiên bà đưa ra những thay đổi chính sách đối với đối tác tài xế rõ ràng nhất nhưng cũng gây phản ứng dữ dội nhất.

Khi tôi ghé vào tiệm bánh mì nổi tiếng H.H trên đường Lê Thị Riêng (Quận 1, TP.HCM), hỏi chuyện một tài xế Go-Bike ngay trong ngày xảy ra đình công, anh ta buông lời một cách rất đỗi tự nhiên: "Cái bà tổng giám đốc mới lên quậy quá". Trong đội quân chạy xe ôm công nghệ cho các ứng dụng như Grab, Go-Viet, Be, FastGo hay mới ra mắt là MyGo, không ít người là sinh viên, có học vấn tương đối. Song đa phần vẫn là dân lao động, những người hồi giờ không có công ăn việc làm ổn định, học vấn ở cấp phổ thông. Họ, nhìn vào lợi ích một cách thực tế chứ không "xa xỉ" hướng đến những hoài bão hay khát vọng gì lớn lao. Họ rất khác với những "công nhân cổ cồn trắng" mà bà Lê Diệp Kiều Trang quản lí và sử dụng thời còn làm giám đốc Misfit tại Việt Nam với đa phần là kĩ sư tin học, lập trình viên, những người đã tốt nghiệp đại học và thậm chí có trình độ học vấn cao hơn.

Mặt khác, làm giám đốc một doanh nghiệp với đội ngũ nhân sự "cổ cồn trắng" chủ yếu làm nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ có những trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm hoàn toàn khác với vị trí CEO một công ty kinh tế số O2O (online to offline) trong bối cảnh sự cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra tại thị trường Việt Nam. Các ứng dụng không chỉ đổ tiền núi ra để chiêu nạp tài xế, mà để giữ chân đối tác và khách hàng cũng phải liên tục "đốt tiền", "cắt máu"... Khi Go-Viet áp dụng chính sách thưởng mới, thông tin này nhanh chóng được các CLB tài xế xe ôm công nghệ đưa lên so sánh với các ứng dụng khác trên những website, diễn đàn, nhóm Facebook... để làm rõ cái được hơn và cái thua thiệt về quyền lợi cho tài xế.

Tân CEO Go-Viet có lẽ đang trong giai đoạn điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách, kiện toàn bộ máy nhân sự với hàng loạt rao tuyển các vị trí ngay trên trang Facebook cá nhân của mình. Bà Trang cùng với chồng mình là Sonny Vũ từng được mệnh danh là "cặp đôi vàng tại thung lũng Silicon". Nhưng với vị trí bà đang đảm nhiệm, có lẽ biệt hiệu trên sẽ không hẳn tạo ra được một giá trị giúp ích mà ngược lại có thể còn mang đến một áp lực không nhỏ.

... nhưng chưa phải cuối cùng

Có thể nói, sự điều chỉnh, thay đổi chính sách thưởng đối với đối tác tài xế của Go-Viet được áp dụng từ ngày 18/7/2019 đã mang đến những bất lợi ngay tức thì đối với bản thân ứng dụng gọi xe này.

Thứ nhất là nhiều tài xế xe ôm ôm luôn cả bức xúc chạy qua Grab. Thứ hai, sự phản đối của tài xế đối với Go-Viet diễn ra ngay thời điểm MyGo vừa chính thức ra mắt và cũng đang ra sức chiêu nạp đối tác tài xế về với mình bằng những chính sách thưởng cho tài xế mới gia nhập. Thứ ba, Be vẫn đang trong cao trào đẩy mạnh sự hiện diện cung cấp dịch vụ BeBike và cũng đã hiện thực hóa dịch vụ giao hàng.

Thị trường ứng dụng gọi xe xét từ tháng 3/2019 trở lại đây cũng là khoảng thời gian bà Lê Diệp Kiều Trang ngồi vào "ghế nóng" CEO Go-Viet, cho thấy một sự chật chội hơn trước, cạnh tranh còn quyết liệt hơn cả... sự quyết liệt trước đây.

Xét về "vai vế" dựa trên tiềm lực và vị thế, "Big Four" trên thị trường hiện nay là Grab, Go-Viet, Be và MyGo. Go-Viet vẫn chưa thể cung cấp hai dịch vụ là Go-Car và ví điện tử để dần đa dạng hóa hệ sinh thái dịch vụ và tiện ích của mình trong khi Grab, MyGo đã có một hệ sinh thái, dịch vụ tiện ích mở rộng hơn nhiều cho dù ở khu vực Đông Nam Á, Go-Jek (hậu thuẫn cho Go-Viet) có tầm vóc được xếp vào nhóm cạnh tranh trực diện với Grab.;

Trước sự gia tăng hoạt động của Be và sự gia nhập thị trường với tốc độ nhanh chóng của MyGo, áp lực lên Go-Viet sẽ gây ra khó khăn hơn so với Grab vì vị thế của hai ứng dụng trên thị trường Việt Nam đang cách biệt nhau khá xa.

Dạ Thảo

Chủ đề khác