VnReview
Hà Nội

“Chiếc áo” cho… siêu ứng dụng

Từ vụ Zalo buộc phải xin giấy phép mạng xã hội đã đặt ra một vấn đề mới: Quản lí các siêu ứng dụng tại Việt Nam như thế nào? Siêu ứng dụng tại Việt Nam hiện nay không chỉ có Zalo mà còn Grab, Go-Viet, Now.vn, MoMo… đang hoạt động trong một "chiếc áo" cũ chưa kịp đổi mới.

Lỗi Zalo phải chịu

Khi Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM phát đi văn bản yêu cầu các bên liên quan thu hồi hai tên miền Zalo.me và Zalo.vn thì lỗi này đã được xác định tồn tại từ lâu, đã từng một lần bị Thanh tra Sở này xử lí vào năm 2018 với biện pháp là phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên được biết rằng, phía Zalo vẫn giữ quan điểm nền tảng này là một ứng dụng di động chứ không phải mạng xã hội, cho nên mới xảy ra tình trạng "chây ì" việc xin giấy phép hoạt động mạng xã hội, chứ thực tế việc xin giấy phép không phải là quá khó khăn.

Cũng trên thực tế, sau 7 năm hình thành và phát triển, Zalo đã có hơn 100 triệu người dùng, trong đó tại Việt Nam đạt 46,7 triệu người dùng chỉ đứng sau Facebook nhưng về dịch vụ cung cấp đã chứng minh được sự hữu ích từ tư cách là một ứng dụng OTT về truyền thông, đến dịch vụ tin tức, shop, ngân hàng, vận chuyển, đặt thức ăn, thanh toán và đặc biệt là kết nối với hành chính công tại hơn 30 tỉnh, thành hiện nay…

Tuy nhiên, theo Điều 3, Khoản 22 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2013 (sau khi Zalo ra đời 1 năm), "mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác". Chiếu theo qui định này, Zalo có chức năng hoạt động của một mạng xã hội, chí ít là thể hiện qua các dịch vụ trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh, trao đổi thông tin, tạo trang cá nhân.

Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM "bắt" đúng lỗi này của Zalo. Song, nhìn rộng ra nhiều siêu ứng dụng khác hoạt động tại Việt Nam hiện nay, nếu chiếu theo Điều 3, Khoản 22 Nghị định 72/2013/NĐ-CP để xém xét, cũng có thể bị "dính" lỗi này. Hay nói một cách tích cực hơn, cơ quan quản lí cần phải rà soát và đánh giá lại xem siêu ứng dụng nào còn thiếu những giấy phép gì thì thông báo để cho doanh nghiệp hoàn thiện. Chức năng của cơ quan quản lí, không phải chỉ nhằm bắt lỗi để phạt, mà trước hết cần nhắc nhở, và trên hết là cần thúc đẩy doanh nghiệp chấp hành các qui định hiện hành để bảo đảm hoạt động đúng pháp luật. Trên góc nhìn "chính phủ kiến tạo" như vậy, cơ quan quản lí "bắt lỗi" cũng trên tinh thần xây dựng nhằm giúp doanh nghiệp hoàn thiện và đi vào hoạt động ổn định.

Siêu ứng dụng trong "chiếc áo" chật

Các siêu ứng dụng đã và đang thể hiện được vai trò trong nền kinh tế số tại Việt Nam. Theo "Báo cáo e-Conomy SEA 2018" do Google và Temasek công bố, dung lượng thị trường kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt 33 tỉ USD vào năm 2025. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam thuộc tốp đầu các quốc gia có nền kinh tế số phát triển sôi động và năng động.

Nhưng trên hết, kinh tế số hay theo một cách gọi khác là kinh tế O2O (Online to Offline) đang hỗ trợ đắc lực đối với người dân, như giúp họ tiết giảm chi phí điện thoại; kích tăng doanh thu 3G/4G cho nhà mạng; thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn phương án di chuyển với ôtô, xe máy; tiện lợi cho người dùng đặt thức ăn, giao hàng.v.v… Tất cả những giá trị, lợi ích và tiện ích đó, hiện nay đều được các siêu ứng dụng cung cấp.

Thực tế từ trên thị trường đang đặt ra một bài toán cần lời giải là, với sự phát triển nhanh, mạnh và đầy năng động của mô hình siêu ứng dụng, mỗi dịch vụ/tiện ích được phát triển thêm trên nền tảng của ứng dụng đó nhằm phục vụ người dùng có thể sẽ gặp phải sự phiền hà mới là phải xin thêm giấy phép.

Hiện trạng là, nếu là ứng dụng về truyền thông, tin tức, game như Zalo… thì thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ TTTT; ứng dụng tài chính/thanh toán như MoMo lại được điều chỉnh bởi Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước; ứng dụng về di chuyển như Grab, Go-Viet, FastGo, Be, MyGo phải xin phép Bộ GTVT; ứng dụng về thương mại điện tử phải xin phép Bộ Công Thương… Mỗi "siêu ứng dụng" có thể cung cấp hàng chục dịch vụ ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau sẽ phải xin giấy phép cho từng dịch vụ đơn lẻ, khiến doanh nghiệp hao tốn nhiều nguồn lực và cũng gặp không ít mệt mỏi.;

Siêu ứng dụng có cần một …siêu giấy phép, hay một giấy phép đa ngành, liên ngành theo hướng tinh gọn nhất cũng là một cách cải cách thủ tục hành chính theo chủ trương của Nhà nước. Đó cũng là hướng gợi mở về phương thức quản lí trong nền kinh tế thời đại Công nghiệp 4.0 làm sao nhanh gọn, hợp lí và hữu hiệu nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp kinh doanh và người dân làm việc, sinh sống. Các siêu ứng dụng đang đến gần với cuộc sống, sinh hoạt và các nhu cầu thiết thực nhất của người dân hơn bao giờ hết. Vì vậy, "chiếc áo" cho siêu ứng dụng cũng cần được "nới" rộng.

Dạ Thảo

Chủ đề khác