VnReview
Hà Nội

Taxi truyền thống muốn chuyển thành taxi công nghệ: Đường sống hay đường cùng?

Hiệp hội taxi Hà Nội đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng đề được giải đáp về việc chuyển đổi mô hình kinh doanh vận chuyển sang taxi công nghệ nhằm để hưởng lợi về thuế và một số điều kiện khác như đối với mô hình kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ Grab.

Hưởng lợi ưu đãi rồi sao nữa?...

Có thể nói, ý định (chứ chưa phải đã quyết định) tìm hiểu vấn đề chuyển đổi sang mô hình taxi công nghệ của Hiệp hội taxi Hà Nội có một mục tiêu rất rõ ràng: Để hưởng các ưu đãi về thuế, các điều kiện kinh doanh được cho là dễ thở hơn so với mô hình taxi truyền thống.

Đơn cử, mức thuế suất giá trị gia tăng hiện áp dụng đối với Grab (trước đây có cả Uber) là 3% doanh thu cùng với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 2% doanh thu. Bên cạnh đó, Grab hay Uber trước đây còn có trách nhiệm thu hộ thuế từ đối tác tài xế giúp cho Nhà nước với mức 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân. Đây là phương thức thuế khoán và những cty như Grab cho dù kinh doanh lãi hay lỗ cũng phải đóng một khi đã phát sinh doanh thu.

Trong khi đó, doanh nghiệp taxi truyền thống hiện đang phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức 20% trên lợi nhuận và mức thuế giá trị gia tăng là 10% hóa đơn tiền cước của khách hàng.

Hai phương thức thu thuế rất khác nhau vì thế cũng rất khó so sánh bên nào thiệt hơn hay bên nào được ưu đãi nhiều hơn. Có dư luận cho rằng taxi truyền thống đang phải chịu mức thuế suất cao hơn cho nên khoản thuế phải đóng nhiều hơn. Đây là một cách nhìn chưa toàn diện. Bởi nếu so sánh thì cũng chỉ có thể nhận định được trên cùng một phương thức thu, cụ thể là Grab cũng phải đóng thuế theo phương thức giống như các hãng taxi truyền thống hoặc ngược lại.

Taxi truyền thống muốn chuyển thành taxi công nghệ

Chuyển đổi rồi có cạnh tranh nổi với Grab?

Sau khi có thông tin Hiệp hội Taxi Hà Nội muốn chuyển đổi sang mô hình hoạt động taxi công nghệ thì trong một động thái rất "cao thượng" Grab đã có những phát ngôn "hoan nghênh" đồng thời còn đề cập rằng "Luật Doanh nghiệp và các qui định hiện hành đảm bảo quyền cơ bản của tất cả các doanh nghiệp là được phép lựa chọn bất kỳ mô hình kinh doanh nào phù hợp nhất và tạo ra nhiều lợi ích nhất cho thị trường, xã hội".

Cứ cho là các hãng taxi thành viên của Hiệp hội Taxi Hà Nội chuyển đổi sang mô hình taxi công nghệ được hưởng lợi về thuế so với hiện nay đi nữa, song việc này liệu có giải quyết được tận gốc vấn đề cạnh tranh và tồn tại?

Việc taxi truyền thống chuyển đổi mô hình để được hưởng lợi về thuế không có nghĩa sẽ biến họ từ lỗ thành lãi ngay hay từ lãi ít trở thành lãi nhiều, từ yếu thế chuyển thành mạnh hơn đối thủ… Điều quan trọng nhất vẫn là khả năng cạnh tranh, việc cung cấp dịch vụ chất lượng, thái độ phục vụ tốt và có lợi thế về giá để thu hút người tiêu dùng.

Taxi truyền thống sẽ phải chuyển đổi mô hình một cách hoàn toàn để được tính thuế theo phương thức giống như của Grab. Tuy nhiên khi đó, vô hình chung họ bỏ trống "trận địa" là thị trường chính yếu của mình, và những khách hàng ở phân khúc này có thể chạy sang Grab và các ứng dụng đặt xe khác. Đó là thế mạnh, là sở trường giúp mang lại nguồn thu lớn nhất nhưng họ lại từ bỏ để chuyển sang sở đoản là mô hình hoạt động taxi công nghệ kém hơn từ nền tảng công nghệ ứng dụng, tư duy điều hành kinh doanh, vốn liếng, cách mở rộng dịch vụ và thị trường.v.v…

Điều đã quá rõ ràng trong kinh doanh là nếu từ bỏ sở trường để dùng sở đoản đấu với sở trường của đối thủ - nghĩa là thế yếu của mình là thế mạnh của người ta – thì khả năng thất bại là rất cao.

Có thể nói, cuộc đua trên thị trường ứng dụng đặt xe và về sau mở rộng sang tính năng ứng dụng đặt đồ ăn, giao hàng.v.v… đang cạnh tranh khốc liệt mang tính kim tiền. Nói cách khác, cuộc đấu này sự thắng thua đang phụ thuộc khá nhiều vào việc "đốt tiền" như thế nào. Những năm qua, Grab và Uber đã "lỗ trong kế hoạch đầu tư" từ hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng chỉ cốt để thu hút người dùng. Các hãng taxi truyền thống vừa và nhỏ chuyển sang mô hình công nghệ chắc chắn không thể chịu nhiệt được cuộc đấu kim tiền như vậy, hay nói thẳng là không có nhiều tiền như thế để "đốt" và đấu.

Mà đâu chỉ có Grab, còn đó cả Go-Viet với Go-Jek hậu thuẫn chính là hai start-up "siêu kì lân" tại khu vực Đông Nam Á hiện nay.

VATO là một điển hình sau hai lần "thay tên đổi họ" từ FaceCar thành VIVU và từ VIVU thành VATO đến giờ đã gần như mất tăm vì cũng không thể đấu nổi với Grab, Go-Viet hay cả Be.

Như vậy mới hiểu vì sao Grab vui vẻ "hoan nghênh" các hãng taxi truyền thống chuyển đổi sang mô hình taxi công nghệ. Bởi ở đó, Grab đang mạnh nhất và sẵn sàng dùng các ưu thế (mà quan trọng nhất là tiền) để "nghiền nát" những "lính mới tò te" nhập cuộc vốn dĩ xa lạ với các nền tảng công nghệ ứng dụng gọi xe. Vậy thì chuyển đổi mô hình để được hưởng lợi về thuế và một số điều kiện nhưng quan trọng là con đường phát triển lại mờ mịt nếu không muốn nói là đi vào con đường chết.

Dạ Thảo

Chủ đề khác