VnReview
Hà Nội

Truyền hình trả tiền, đang mòn mỏi vì tiền...

Trong động thái mới nhất nhằm xoa dịu dư luận đang cho rằng truyền hình OTT nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam trốn 3 loại thuế (thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng, thuế doanh thu dịch vụ quảng cáo), CEO của Netflix khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã có cuộc gặp lãnh đạo Bộ TT&TT.

Thực hiện nghĩa vụ thuế như thế nào?

Điểm đáng chú ý trong cuộc Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tiếp ông Kuek Yu-Chuang, CEO Netflix khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chính là việc đại diện Netflix cam kết sẽ tuân thủ pháp luật Việt Nam và đóng thuế theo đúng qui định của luật pháp Việt Nam.

Trên thực tế, để thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam một cách thuận lợi nhất, những "ông lớn" truyền hình OTT nước ngoài có hai cách: Một là hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trong nước để phát hành, khi đó doanh nghiệp phía Việt Nam sẽ đứng ra đóng các loại thuế từ nguồn thu phí thuê bao người dùng hoặc từ các khoản doanh thu khác. Tuy nhiên trong trường hợp này, doanh nghiệp Việt chỉ có thể đóng vai trò kinh doanh chứ khó có thể đóng vai trò kiểm soát về nội dung.

Cách thứ hai, Netflix mở chi nhánh tại Việt Nam. Khi ấy, nếu phát sinh doanh thu thì chi nhánh của Netflix phải thực hiện nghĩa vụ đóng các loại thuế theo qui định, song về mặt nội dung của kênh chương trình cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, cách hợp tác nữa là Netflix có thể phân phối chương trình qua nhà đài Việt Nam như cách một số công ty nước ngoài đang làm. Tuy nhiên cách này khiến Netflix phụ thuộc rất nhiều vào tập khách hàng của đối tác Việt Nam, mất thế chủ động và rất khó chủ động mở rộng kinh doanh.

Netflix cũng có thể vẫn giữ mô hình kinh doanh như hiện nay, có kiểm soát nội dung liên quan đến Việt Nam để tránh các đụng chạm đến pháp luật, đồng thời thực hiện việc đóng một số loại thuế. Tuy nhiên, cách này trên thực tế rất khó kiểm soát vì tính minh bạch không cao. Nhà nước Việt Nam không nắm rõ được số lượng thuê bao và doanh thu của Netflix từ thị trường Việt Nam (đây là dữ liệu mà những công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam gần như không bao giờ chịu chia sẻ), vì thế sẽ khó có cơ sở để biết được khoản thuế là bao nhiêu thì mới là đóng đúng và đóng đủ.

Truyền hình trả tiền, đang mòn mỏi vì tiền...

Truyền hình trả tiền... mòn mỏi vì tiền

Trong các vị lãnh đạo tại những doanh nghiệp truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện nay, ông Trần Văn Úy – CEO của SCTV, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam – là người đã hơn một lần bức xúc nói về sự cạnh tranh không công bằng giữa truyền hình trả tiền trong nước với các hãng truyền hình OTT từ nước ngoài như Netflix.

Trong một hội thảo tại Hà Nội, ông Úy chỉ ra rằng các hãng truyền hình OTT nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam không đóng 3 loại thuế: Thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng, thuế doanh thu từ dịch vụ quảng cáo (nếu có).

Và trước đó, tại một hội nghị về truyền hình trả tiền ở Đà Lạt vào năm 2018, vị CEO của SCTV cũng "giãi bày" khó khăn của các nhà đài truyền hình trả tiền trong nước: 80% chi phí làm nội dung phải sử dụng để mua bản quyền chương trình nước ngoài, vì thế khoản kinh phí còn lại để đầu tư làm chương trình mới rất hạn hẹp. Trong khi đó, doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước phải thực hiện nghiêm các loại thuế theo qui định của pháp luật, nội dung cũng phải chịu sự kiểm duyệt. Ngược lại, truyền hình OTT từ nước ngoài cung cấp vào thị trường Việt Nam đang "thoát" được những sự quản lí trên.

Tình hình thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện nay được ví là bị "nội công, ngoại kích". "Nội công" là việc các nhà đài cạnh tranh với nhau, đẩy giá cước thuê bao bình quân/tháng (chỉ số ARPU) xuống thấp chỉ còn khoảng 4USD/tháng trong khi mức bình quân trong khu vực dao động từ 10-30USD/tháng. Ngay cả Philippines, thị trường có mức ARPU thấp nhất trong số các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á trừ Việt Nam, thì cũng còn ở mức 9USD/tháng, gấp hơn 2 lần so với ARPU tại thị trường Việt Nam.

Thậm chí ở nhiều tỉnh, cước thuê bao truyền hình trả tiền bị đẩy xuống mức chỉ còn khoảng 20.000 đồng/thuê bao/tháng.

ARPU thấp tất nhiên sẽ bào mòn doanh thu. Doanh thu sẽ không đủ trang trải cho các chi phí trong doanh nghiệp thì lấy đâu ra kinh phí đủ để mua bản quyền truyền hình thể thao các giải bóng đá hàng đầu thế giới với mức tăng phi mã đã lên đến hàng chục triệu USD cho mỗi mùa (như giải Ngoại hạng Anh), hoặc lấy đâu ra tiền đáp ứng đủ cho việc đầu tư sản xuất chương trình một cách chất lượng và chuyên nghiệp. Muốn có tiền đầu tư phải vay ngân hàng, thì bao giờ mới thoát được nợ và lỗ...

Đây là một thực tế khá bi đát của ngành truyền hình trả tiền hiện nay. Cụ thể, năm 2018, tổng doanh thu của ngành truyền hình trả tiền đạt khoảng 8.000 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2017. Thế nhưng 6 tháng đầu năm 2019, lượng thuê bao tăng 5,5% nhưng doanh thu chỉ đạt 1.885 tỉ đồng, tức chỉ bằng 23,5% so với cả năm 2018, còn rất xa so với tỉ lệ 50%.

Trong bốn năm trở lại đây, doanh thu ngành truyền hình trả tiền ngày càng sụt giảm cho dù thuê bao liên tục tăng.;

Cước thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện nay đang được xem là khá rẻ ngay cả khi so với thu nhập bình quân chưa cao lắm của người dân Việt. Nếu so phí thuê bao tháng của dịch vụ Netflix với các nhà đài truyền hình trong nước, mức giá của Netflix đắt hơn gấp từ 2-4 lần. Thế nhưng, Netflix vẫn đang tăng trưởng thuê bao tại Việt Nam, với con số được cho rằng trên 300.000 thuê bao. Rõ ràng, ngoài lợi thế của kho phim đồ sộ, có chất lượng và đa dạng, các hãng truyền hình OTT như Netflix còn có thuận lợi là tiết giảm được rất nhiều chi phí tại thị trường Việt Nam trong khi nguồn thu thì đang lớn dần.

Dạ Thảo

Chủ đề khác