VnReview
Hà Nội

Hà Nội 'sơn' taxi làm 5 màu liệu có chống được ùn tắc?

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, nổi bật có việc quy định màu sơn chung cho taxi hoạt động.

Xe taxi hoạt động ở Hà Nội sẽ chọn 1 trong 5 màu sơn

Theo điều 5 của dự thảo, xe taxi hoạt động ở Hà Nội phải đáp ứng được đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành: có đăng ký, đăng kiểm còn thời hạn; đáp ứng tiêu chuẩn khí thải; đảm bảo các quy định về: niêm yết trên phương tiện, phòng chống cháy nổ, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, phù hiệu, hộp đèn, đồng hồ tính cước, thiết bị in hóa đơn; niêm yết các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hướng dẫn thông tin hành khách; được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS; lắp đặt thiết bị thu phí tự động...

Cùng với đó, dự thảo cũng quy định các taxi hoạt động ở Hà Nội sẽ được thống nhất thiết kế chọn 1 trong 5 màu sơn cơ bản gồm: vàng, đỏ, trắng, xanh và ghi. Các doanh nghiệp kinh doanh taxi sẽ được chủ động chọn các màu đã quy định và đăng ký thương hiệu riêng của mình. Lộ trình thực hiện việc thống nhất màu sơn cho taxi như sau:

- Từ năm 2019 đến năm 2025 xe taxi thay mới, tăng thêm sẽ áp dụng màu sơn chung.
- Từ năm 2026, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Một điểm mới nữa của dự thảo là tại điều 9 quy định trong 1 tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian hoạt động trong vùng phục vụ đăng ký tối thiểu 70% thời gian hoạt động của tháng đó. Vùng phục vụ của taxi là khu vực xác định theo địa giới hành chính mà xe của các đơn vị taxi được đăng ký khai thác, gồm 2 vùng: vùng 1 và vùng 2. Trong đó, vùng 1 bao gồm địa giới hành chính tại các quận trên địa bàn thành phố và vùng 2 bao gồm địa giới hành chính tại các huyện thị xã trên địa bàn thành phố. Xe đăng ký hoạt động ở vùng 2 được đón, trả khách tại các vị trí không cấm dừng đổ; không được sử dụng các điểm đỗ công cộng trong vùng 1 và ngược lại.

Để quản lý tập trung, dự thảo mới cũng quy định sau 06 tháng kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực, các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội. Dữ liệu phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội được kết nối với hành khách, lái xe và đơn vị taxi thông các thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng).

Quy chế mới sẽ hạn chế được tắc đường?

Theo các chuyên gia, dự thảo mới của thành phố Hà Nội về taxi có thể sẽ là một giải pháp chống ùn tắc, tránh ô nhiễm môi trường cũng như giúp dễ dàng quản lý hoạt động taxi hơn. Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch hiệp hội taxi Hà Nội trả lời báo chí: 'Hơn 20 năm qua, loại hình vận tải hành khách taxi đã hoạt động tại Thủ đô, nhưng đến bây giờ mới ra được Quy chế quản lý taxi bởi trên thực tế trong suốt 4 năm qua sự gia tăng của các phương tiện taxi ồ ạt'.

Việc sơn màu xe taxi chung nhiều chuyên gia và người quản lý cho rằng nên làm. Lý giải về điểu này, ông Nguyễn Anh Quân - tổng giám đốc công ty CP quản lý G7 Taxi cho rằng việc quy định 5 màu sơn cho taxi Hà Nội là cần thiết và doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng đều thực hiện được. Điều này sẽ đẩy được taxi dù hoặc taxi ngoại tỉnh không được cấp phép hoạt động tại Hà Nội nhưng vẫn thường xuyên ở đây. Quy định đến năm 2026 mới bắt buộc hoàn thành như dự thảo quy chế cũng hợp lý bởi thời điểm đó, các xe cũ được đăng ký chạy taxi trước năm 2019 gần hết hạn và phần lớn các hãng cũng đã thanh lý hết. Còn mua xe mới và sơn màu theo quy chế thì chắc là vẫn còn hạn và các hãng taxi không ảnh hưởng. Được biết đến thời điểm hiện tại thì Hà Nội đang có khoảng hơn 15.000 xe taxi truyền thống hoạt động.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ quy định này chỉ áp dụng với taxi truyền thống, trong khi số lượng taxi hiện nay thấp hơn nhiều so với taxi công nghệ. Con số taxi công nghệ không có chiều hướng giảm mà đang ngày càng tăng lên.

Theo thiếu tướng Đào Thanh Hải, phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, số lượng taxi công nghệ hiện tại của Hà Nội đang hơn gấp đôi số lượng taxi truyền thống với;31.000 ô tô Grab và 15.000 xe taxi (con số này bị giảm xuống so với 22.000 xe cách đây vài năm). 

Như vậy, nếu quy chế quản lý taxi truyền thống này được xem như một phần giải pháp chống ùn tắc thì nó là chính sách nửa vời và gia tăng sự bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Thực tế cho thấy cách đây 4 năm có 26 tuyến phố cấm taxi nhưng vẫn không giải quyết được ùn tắc. Điều này một phần đến từ việc các taxi công nghệ không có dấu hiệu nào nhận biết để quản lý, xử phạt nếu vi phạm nên tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, 4 năm qua xe taxi công nghệ không có nhận diện nào, dẫn đến các cơ quan quản lý, cảnh sát giao thông, thanh trao giao thông không xử lý được loại hình phương tiện này. Theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2025 chỉ có hơn 25.000 xe taxi nhưng đến nay đã khoảng 50.000 chiếc (cộng cả taxi công nghệ và taxi truyền thống).

Hiện tại, Bộ giao thông vận tải mới đưa ra lấy ý kiến lần thứ 11 dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô thay thế nghị định 86 cũ. Trong đó có quy định việc các taxi công nghệ phải gắn hộp đèn cố định (mào) trên nóc xe để nhận diện. Dù đã rất nhiều lần đề xuất rồi gỡ nhưng 11 bản dự thảo này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả các ban ngành.

Ngoài ra, việc dự thảo quy chế quy định các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội cần phải làm rõ và đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các hãng về giá cả, thương hiệu, chất lượng dịch vụ... Bởi các yếu tố vừa nêu trên của các hãng là khác nhau nên áp dụng phần mềm dùng chung mà không chứng minh được sự cấp thiết thì chưa chắc sự đồng thuận đã cao.

Không chỉ vậy, việc dự thảo quy định về tổng thời gian hoạt động của taxi phải đạt tối thiểu 70% ở khu vực đăng ký cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi lẽ, taxi là dịch vụ vận tải công cộng phục vụ khách hàng đi từ vùng này sang vùng khác rất thường xuyên. Chính điều đó nếu không quy định kỹ lưỡng hơn về điều này thì các doanh nghiệp kinh doanh taxi sẽ gặp khó khăn trong kế hoạch hoạt động của mình.

T.T

Chủ đề khác