VnReview
Hà Nội

“Kì lân công nghệ”: Giấc mơ, hiện thực và sự tan biến…

Giới startup toàn cầu tuần qua đã chứng kiến cơn "địa chấn WeWork". Doanh nghiệp chia sẻ không gian làm việc chung này vốn được định giá 47 tỉ USD đã bị giới tài chính chứng khoán phố Wall đánh xuống chỉ còn 20 tỉ USD. Cú sốc WeWork đang đặt ra câu hỏi rằng phải chăng những giấc mơ "kì lân công nghệ" đã bị làm giá phi thực tế.

Định nghĩa lại startup công nghệ

Những hồ sơ, tài liệu chuẩn bị cho IPO của WeWork được hé lộ chính là đường dẫn startup này đi đến cuộc khủng hoảng giá trị doanh nghiệp hiện nay và khiến CEO Adam Neumann phải từ chức, IPO bị hoãn vô thời hạn.

WeWork đã thua lỗ lần lượt trong thời gian qua: 429 triệu USD (2016), 890 triệu USD (2017), 1,6 tỷ USD (2018) và 1,37 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2019. Tính chung, khoản lỗ trong ba năm rưỡi qua của WeWork gần 4,3 tỉ USD.

Wework thua lỗ

Cùng với những khoản lỗ, định nghĩa "doanh nghiệp công nghệ" của WeWork cũng bị phố Wall xem xét lại khi cho rằng bản chất không phải là như vậy, rằng WeWork chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới cho thuê bất động sản có nền tảng công nghệ tốt. Thế là hóa ra lâu nay, rất nhiều "startup công nghệ" chỉ là dùng công nghệ như một thứ trang sức, để đánh bóng tạo giá trị lớn hơn cho doanh nghiệp?

Nhìn rộng ra không chỉ có WeWork mà cả Uber, Lyft, Grab, Airbnb… Nói đúng hơn, đây là các doanh nghiệp kinh tế O2O (online to offline) thuộc nền kinh tế số. Việc định nghĩa lại các startup công nghệ có thể sẽ trở thành một cuộc phản biện lớn nhất trong lịch sử startup toàn cầu từ trước tới nay.

Song bản chất của vấn đề vẫn là đồng tiền. Cái danh "công nghệ" được khoác lên cho sự định giá trên trời khi được xem xét định giá lại chính là đưa nó về đúng với giá trị thực cộng với giá trị kì vọng trong tương lai. Nhưng một tương lai như thế nào khi những startup hàng đầu lâu nay như Uber, Lyft, Peloton, Slack… sau khi IPO đều thua lỗ nối tiếp thua lỗ đến sặc gạch. Công ty nào còn có nguồn tiền - điển hình như Uber - để tiếp tục "đốt" thì còn khả dĩ. Công ty nào cạn sạch nguồn tiền thì sẽ phải tiếp tục gọi vốn, mà gọi vốn trong thua lỗ triền miên thì đương nhiên không hề dễ dàng.

WeWork cho dù bị phố Wall hạ thấp giá trị thì vẫn đang là một startup "kì lân" (Unicorn - doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên) và thậm chí với trị giá 20 tỉ USD thì WeWork còn nghiễm nhiên là "siêu kì lân" (Super Unicorn). Giấc mơ "kì lân" của WeWork dù sao thì cũng đã thành hiện thực cho dù nó đang thua lỗ, mất giá và CEO mất chức. Nhưng nên nhớ rằng, đó cũng đang chỉ là một giấc mơ ngắn hạn bởi trên thực tế họ vẫn đang đối mặt với lỗ lã triền miên. Sự sống của các startup "kì lân" và "siêu kì lân" như vậy đang hoàn toàn phụ thuộc vào dòng tiền vốn. Giấc mơ chỉ thực sự trở thành hiện thực khi họ có lãi, nhưng bao giờ?…

Sự tan biến của giá trị doanh nghiệp...

Có ý kiến cho rằng từ Uber cho đến Lyft hay WeWork đã quá nóng vội trong việc IPO. Đó là bước tính toán sai lầm chăng bởi vì khi startup vẫn trong lỗ lã thì cũng ảnh hưởng tới giá trị IPO? Trên thực tế theo thống kê, các startup như Uber, Lyft, Peloton, Slack… sau khi IPO một thời gian đều rớt giá thê thảm khiến giá trị doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, giá cổ phiếu Uber mất khoảng 30%, Lyft mất tới 42%, Peloton mới IPO tuần trước nhưng giá cổ phiếu cũng đã mất tới 11% trong ngày giao dịch đầu tiên.

Tất nhiên sẽ có câu hỏi ngược lại là chờ đến khi có lãi mới IPO thì chờ đến bao giờ? Các nhà đầu tư chính là áp lực lớn nhất buộc ban lãnh đạo các startup phải nhượng bộ, phải tính toán IPO một cách sớm sủa nhất để những nhà đầu tư chiến lược có thể thu hồi vốn và hiện thực hóa lợi nhuận. Nhưng ở đời, người tính (cả ban lãnh đạo và các nhà đầu tư chiến lược) cũng không bằng thị trường tính. Giá trị các startup có thể được định giá vống lên (thể hiện rõ nhất ở mức giá tham chiếu khi IPO) nhưng cũng chỉ được một khoảng thời gian chứ khó có thể mãi mãi bởi qui luật thị trường sẽ tự định giá lại một cách hợp lí nhất.

Đề cập đến vấn đề này lại gợi nhớ trường hợp cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần tập đoàn Yeah1. Yeah1 là một công ty cổ phần ngành công nghệ truyền thông. Mức giá tham chiếu của cổ phiếu YEG ngày đầu tiên lên sàn cách đây hơn một năm là 250.000 đồng đã bị dư luận cho là quá "ảo". Song, từ ban lãnh đạo cho tới công ty chứng khoán tư vấn đều cho là hợp lí, và do chưa có tiền lệ doanh nghiệp cùng ngành để tham chiếu. Những ngày sau khi lên sàn, YEG tiếp tục bị làm giá đẩy lên mức trên 300.000 đồng. Vào lúc đỉnh cao về giá, vốn hóa Yeah1 đạt trên 9.000 tỉ đồng. Khi ấy có một giấc mơ đến với những lãnh đạo chủ chốt của Yeah1 là họ sẽ trở thành một "kì lân công nghệ" tiếp theo tại Việt Nam sau VNG.

Nhưng sự cố với YouTube đã lấy đi tất cả những ảo mộng cũng như giá trị ảo của cổ phiếu YEG. Giá cổ phiếu YEG "lau sàn" liên tục có lúc xuống dưới mức 50.000 đồng. Người ta khi ấy đặt câu hỏi rằng, thực sự Yeah1 có giá trị tài sản gì mà giá cổ phiếu lại trên trời và doanh nghiệp lại mơ mộng trở thành "kì lân".

Nguồn thu lớn nhất của Yeah1 là dựa vào nền tảng YouTube. Khi YouTube "cắt cầu", Yeah1 mất quá lớn. Cái giá của sự sống kí sinh chính là "vô gia cư" và không có nền tảng hay tài sản thực sự giá trị của riêng mình. Còn nếu hỏi ngược lại vì sao giá cổ phiếu của Google, Amazon còn cao hơn cả Apple ư? Đơn giản thôi, những thứ mà Yeah1 kí sinh lên Google chính là của Google, không ai có thể chỉ với một quyết định là có thể lấy đi của họ như YouTube đã làm với Yeah1.

Nhìn lại hơn một năm qua, Yeah1 đã quá tự tin với giấc mơ và hiện thực ngắn hạn mà họ có được. Họ đã quá tự tin vào một quyền lực nào đó từ Yeah1 Network có thể trở thành cỗ máy làm ra tiền bền vững mà quên đi kiếp kí sinh trên nền tảng YouTube. Đây chính là nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến cho giấc mơ "kì lân" của Yeah1 bay biến và rất khó trở lại lần nữa.

Nhưng trên hết là thị trường với qui luật điều tiết cân bằng của mình khó có thể chấp nhận một Yeah1 vống giá cổ phiếu lên mức "vua" thêm lần nữa.;

Dạ Thảo

Chủ đề khác