VnReview
Hà Nội

Go-Viet đang hụt hơi?

Cuối tháng 9/2019, thông tin từ Công ty nghiên cứu thị trường ABI đưa ra cho thấy, thứ hạng trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe tại Việt Nam đã có sự thay đổi khá ngoạn mục. Cụ thể, theo ABI, 6 tháng đầu năm ghi nhận có khoảng 200 triệu chuyến xe được đặt qua các ứng dụng trên di động như Grab, Be, Go-Viet…. Tuy nhiên, Go-Viet không còn là "ông lớn" xếp thứ hai nữa.

Go-Viet đang tiến triển "rùa bò"

Cụ thể, trong 200 triệu chuyến xe đã hoàn thành thông qua các ứng dụng, Grab chiếm 73% thị phần với 146 triệu cuốc xe. Be, với 31 triệu cuốc xe trong 6 tháng đầu năm 2019, chiếm 16% thị phần. Trong khi đó, sắc đỏ Go-Viet lâu nay luôn được biết đến là "anh hai" kèn cựa vị trí "anh cả đỏ" với Grab, chỉ hoàn thành 21 triệu cuốc xe chiếm 10% thị phần.

Tuy nhiên có điểm cần làm rõ từ những con số này. Nếu thống kê số cuốc xe của Be trước thời điểm tháng 7/2019, Be mới chỉ có dịch vụ xe máy chở khách BeBike và ôtô chở khách BeCar. Trong khi đó, Grab gồm có các dịch vụ di chuyển GrabCar, GrabTaxi, GrabBike, GrabExpress và GrabFood trên cùng một ứng dụng. Còn Go-Viet, mới chỉ cung cấp hai dịch vụ Go-Bike và Go-Food.

Vị trí đầu của Grab đang quá cách biệt so với Go-Viet và Be. Ở hai vị trí thứ hai và thứ ba, xét về mặt nào đó, gom tất cả vào cùng một rọ để so sánh cũng có sự khập khiễng nhất định. Sự so sánh sẽ hợp lí hơn trên cùng một loại hình dịch vụ, phân khúc. Đơn cử ở đây, Go-Viet và Be chỉ có một dịch vụ tương ứng là Go-Bike và BeBike trong thời điểm trước tháng 7/2019.

go viet

Song dù thế, việc tính gộp cho thấy Be vượt mặt được Go-Viet cũng đã là một thành tích đáng kể với ứng dụng Việt bởi trên thực tế Be mới chính thức cung cấp dịch vụ ra thị trường từ tháng 3/2019, tức sau Go-Viet khoảng 6 tháng. Như vậy, xét trong 6 tháng; đầu năm 2019, Be thực sự chỉ hoạt động chính thức mới được khoảng 4 tháng mà thôi.

Thế nhưng, tới tháng 9 vừa qua, Be đã cung cấp dịch vụ ở 7 tỉnh thành, thêm dịch vụ mới giao hàng. Be có kế hoạch sẽ cung cấp dịch vụ ra 22 tỉnh thành trong năm 2019 này. Trong khi đó, Go-Viet vẫn dậm chân tại chỗ với hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, và số dịch vụ sau hơn một năm cũng tiến triển chậm chạp chỉ với Go-Bike và Go-Food.

Nhân sự lãnh đạo bất ổn và thiếu minh bạch

Go-Viet đang cho thấy quá rõ vấn đề của nội bộ. CEO đời đầu của Go-Viet cùng với cấp phó của mình, chưa đầy một năm tính từ thời điểm chính thức khai trương dịch vụ đã phải nghỉ việc trong sự bất ngờ. Thời điểm hai vị này nghỉ việc cũng không cách xa với thời điểm Go-Jek công bố thông tin đã đầu tư vào Việt Nam gần 100 triệu USD.

Tuy nhiên con số 100 triệu USD đã ngay lập tức bị đặt ra nhiều dấu hỏi: Thứ nhất,  Go-Viet đã đầu tư vào những gì chẳng thấy được mấy mà đến 100 triệu USD? Khoản 100 triệu USD đổ vào khuyến mãi liệu có tương xứng với hiệu quả hay không khi nghiên cứu của ABI cho thấy kết quả như trên?

Cần biết rằng, thời điểm Go-Jek công bố thông tin đã đầu tư gần 100 triệu USD vào Việt Nam, phía Grab cũng công bố thông tin tương tự như vậy. Thế nhưng, ai cũng có thể thấy quá rõ, còn khoảng 100 triệu USD đầu tư nhưng Grab cho thấy đã làm được rất nhiều việc, cách xa một trời một vực so với Go-Viet.

Tháng 4/2019, thông tin bà Lê Diệp Kiều Trang về chấp chính ghế CEO tại Go-Viet (VnReview đã có bài đề cập). Tuy nhiên, thời gian bà Trang gắn bó với Go-Viet cũng quá ngắn, chỉ được vài tháng. Và "gã thợ hàn" Phùng Tuấn Đức – vốn là COO của Go-Viet, lại lần thứ hai tạm chấp chính chiếc ghế CEO sau khi bà Trang nghỉ việc.

Go-Viet đang bất ổn ở nhân sự lãnh đạo cao cấp đã quá rõ. Các dịch vụ mà họ từng công bố sẽ cung cấp như Go-Car hay ví điện tử, sau hơn một năm chính thức khai trương vẫn chưa thấy tín hiệu gì khả quan.

Có thể nói, Go-Viet và Go-Jek đang như "gà mắc tóc" không chỉ trong vấn đề nhân sự lãnh đạo Go-Viet mà cả vấn đề minh bạch hóa doanh nghiệp này.

Còn nhớ vào ngày 12/9/2018, tại Hà Nội, trong cuộc họp báo sau lễ khai trương, khi được hỏi về pháp nhân và cơ cấu vốn tại Go-Viet, CEO của công ty này thời điểm đó là ông Nguyễn Vũ Đức đã ngập ngừng trả lời khỏa lấp lộ rõ nhiều điểm không lôgíc. Ông Đức khi ấy cho rằng Go-Viet là công ty khởi nghiệp của Việt Nam, được Go-Jek "hậu thuẫn" từ kinh nghiệm, tài chính đến công nghệ nhưng lại không hề cho thấy rõ quyền lợi hay lợi ích gì, trong khi vốn của Go-Viet là công ty cổ phần của các tổ chức và cá nhân Việt Nam.

Tuy nhiên gần đây, thông tin được công bố trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng kí doanh nghiệp cho thấy rõ: Công ty TNHH thương mại công nghệ Go Viet với loại hình pháp lí là công ty TNHH một thành viên, có ông Thomas Kristian Husted (quốc tịch Mỹ) là người đại diện theo pháp luật từ ngày 16/3/2018 đến nay. Và còn một người đại diện theo pháp luật nữa là vị trí CEO của Go-Viet, đã trải qua vài lần thay đổi và hiện nay là ông Phùng Tuấn Đức.

Vậy bản chất Go-Viet là doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài? Tại sao không thể minh bạch? Phải chăng Go-Viet lấy danh nghĩa là một startup Việt để tranh thủ tình cảm của người tiêu dùng Việt Nam và tìm kiếm sự thuận lợi trong thủ tục xin phép?... 

Trên thực tế, các quyết định lớn, quan trọng hàng đầu đối với Go-Viet tại thị trường Việt Nam đều được ban hành từ Go-Jek. Và trải qua hai đời CEO nghỉ việc cũng đã cho thấy, việc định đoạt nhân sự cao cấp nhất của Go-Viet cũng từ Go-Jek, rồi tiền vốn kinh doanh cũng từ Go-Jek… Vậy tại sao không thể minh bạch Go-Viet là doanh nghiệp Việt hay doanh nghiệp nước ngoài đầu tư? Như trường hợp Grab, ngay từ đầu đã định vị rõ là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Ngay cả khi Go-Viet là doanh nghiệp nước ngoài nhưng cung cấp được dịch vụ chất lượng, giá cả cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam, thì người tiêu dùng vẫn chọn lựa và ủng hộ. Điển hình là trường hợp Grab.

Dạ Thảo

Chủ đề khác