VnReview
Hà Nội

Asanzo, sự thật dần được rõ hơn…

Khi Asanzo tổ chức cuộc họp báo tại Hà Nội hồi giữa tháng 9 với chủ đề "chúng tôi được minh oan", nhiều người đã cho rằng sự vội vã công bố một chiều đó không có giá trị gì ngoài việc để truyền thông "khua chiêng gióng trống"…

Khi đó, Asanzo mới có được văn bản và sự đồng thuận quan điểm từ VCCI là sản phẩm công ty này lắp ráp tại Việt Nam ghi "sản xuất tại Việt Nam", "Chế tạo tại Việt Nam", "Nước sản xuất Việt Nam", "sản xuất bởi Việt Nam" đúng qui định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.

Nhưng sau nhận định có lợi cho Asanzo từ VCCI, với các nhận định tiếp nối từ những cơ quan chức năng khác gần đây, Asanzo đang trong vòng nguy hiểm khi bị chỉ ra rằng đã trốn thuế, có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa, lừa dối khách hàng.

tổng cục hải quan asanzo

Đại diện Tổng cục Hải quan trao đổi thông tin tại cuộc họp các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo ngày 28/10/2019.

Về nhận định Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa, nhận định giữa VCCI và các cơ quan chức năng trong cuộc họp ngày 28/10/2019 tại Hà Nội gần như khác biệt đến 180 độ. Sự khác biệt này, chắc chắn sẽ xảy ra tranh luận thậm chí là sự giằng co giữa các quan điểm và cách vận dụng và giải thích pháp luật.

Song về cáo buộc trốn thuế, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra, tiến trình sắp tới có lẽ không dễ thở đối với CEO Phạm Văn Tam của doanh nghiệp này. Chính ông Tam chứ không ai khác đã chủ trương tổ chức buổi họp báo "chúng tôi được minh oan", nghĩa là tự cho rằng Asanzo đã bị oan. Nhưng ngay sau cuộc họp báo đó, Asanzo đã bị "gậy ông đập lưng ông". Cụ thể là Công ty Sharp Việt Nam đã có văn bản tố lên các cơ quan chức năng và tận Bộ Công an cho rằng Asanzo giả mạo giấy tờ để "chứng minh" sản phẩm của công ty này được phía Sharp chuyển giao "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản". Bị dư luận chất vấn về vấn đề này, Asanzo đến nay vẫn chưa trả lời được, chưa hề đưa ra được bằng chứng thuyết phục là mình không giả mạo các giấy tờ đó.

Và tiếp đến, trong cuộc họp ngày 28/10/2019, Tổng cục Hải quan và đại diện một số cơ quan chức năng khác cho rằng Asanzo đã lừa dối khách hàng khi quảng cáo sản phẩm được lắp ráp theo qui trình chất lượng "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản". Trong khi kì thực, dây chuyền lắp ráp của Asanzo rất là đơn giản, được liệt vào dạng/cấp độ "gia công giản đơn" chứ không hề có qui trình chất lượng "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" nào trong đó. Có lẽ chính vì vậy, Sharp Việt Nam mới phản ứng mạnh mẽ đến thế nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu của mình.

Về danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao", Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định không nhận được và không xử lý bất kỳ hồ sơ nào đăng ký chuyển giao công nghệ liên quan đến Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Công ty Asanzo có vi phạm về quy định gia công, chế biến đơn giản (quy định tại Nghị định 31), nên hàng hóa có thể coi là không có xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu.

Khi báo Tuổi Trẻ có loạt phóng sự điều tra về Asanzo thì công ty này còn đôi co phản đối. Với những nhận định bước đầu từ các cơ quan chức năng được thông tin đến ngày 28/10, dựa trên căn cứ thực tế tại nhà máy, trên các sản phẩm, văn bản chứng từ.v.v…, Asanzo có lẽ khó mà chối được.

Trên thực tế, nếu Asanzo bị oan mà được minh oan thì cũng là điều tích cực trong xã hội. Song việc Asanzo tự cho rằng mình bị oan rồi lại cũng tự cho rằng mình được minh oan sẽ dẫn đến những hệ lụy khác. Trước hết là cái nhìn của người tiêu dùng về thương hiệu này, đặc biệt là về các tính toán và xử lí vấn đề của ông CEO Phạm Văn Tam, qua đó niềm tin người tiêu dùng đối với Asanzo sẽ chỉ có giảm thêm chứ khó mà khôi phục lại được.;

Đã là nhận định bước đầu thì tất yếu sẽ có kết luận cuối cùng từ các cơ quan chức năng, trước hết là các bộ ngành. Sau đó, khi hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra được thực hiện hoàn tất, sẽ còn có kết luận điều tra từ đó tiến trình pháp lí sẽ còn tiếp diễn…

Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra. Nhưng trong trường hợp Asanzo, cái cách người đứng đầu công ty này phản ứng, đã khiến cho "cây kim" kia càng nhanh lộ ra hơn.

Cần thống nhất quan điểm rằng doanh nghiệp nói chung cần được bảo vệ. Doanh nghiệp có những nghiên cứu và sáng tạo ra các giải pháp công nghệ từ chính đội ngũ chất xám Việt thì càng nên được trân trọng và ủng hộ, nếu bị oan thì cần phải được minh oan. Nhưng không có doanh nghiệp nào được phép sử dụng các chiêu bài nhằm lừa dối người tiêu dùng về chuẩn mực chất lượng sản phẩm của họ.

Với Asanzo, tiến trình đã đến bước này thì không thể quay lui và cũng không thể dừng lại. Chỉ có thể một con đường là tiếp tục làm rõ đúng sai, trắng đen, công tội. Có oan cần được rửa và có tội cần phải chịu. Điều đó cũng giúp mang lại sự công bằng cho bao doanh nghiệp Việt đang có những đầu tư nghiêm túc, bền vững về chất xám để có những sản phẩm công nghệ "made in Vietnam" thực sự với hàm lượng chất xám Việt cao chứ không phải "hàng Tàu đội lốt Việt".

Dạ Thảo

Chủ đề khác