VnReview
Hà Nội

Đằng sau quyết định tạm dừng tham vọng gọi đồ ăn trực tuyến của Be

Nội dung một email rò rỉ được cho rằng từ ông Trần Thanh Hải – CEO của Be – gửi nhân viên trong đó đề cập tạm ngưng triển khai dịch vụ beFood và beFulfilment để tập trung vào mảng gọi xe (Ride-hailing). Mảng dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến dù thị trường chưa quá lớn nhưng đến nay đã "thiêu đốt" không ít tên tuổi.

Không chỉ tạm dừng mà còn bỏ cuộc chơi

Việc tạm dừng "cuộc chơi" của Be lại gợi nhớ về thời điểm cuối năm 2018 khi Lala của Scommerce tuyên bố ngừng hẳn dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến (Food Delivery) để tập trung vào mảng dịch vụ cốt lõi là giao hàng. Có thể nói, Lala đã thấy trước được vấn đề và dừng khá sớm. Cùng thực hiện trên một ứng dụng tích hợp nhiều dịch vụ, nhưng qui trình triển khai của dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến có tính phức tạp hơn so với dịch vụ di chuyển chở người hay giao hàng bởi còn phải kết nối qua một đối tác là các nhà hàng, quán ăn.

Theo con số do hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor đưa ra, thị trường gọi đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 38 triệu USD. Cho dù đó là giá trị thuần (các ứng dụng thu về, không tính phần giá trị của các chuỗi cung cấp món ăn và thức uống) đi nữa thì cũng chưa phải là lớn, thậm chí còn khá nhỏ, thế nhưng sự cạnh tranh thì đã khốc liệt với những tên tuổi lớn như Grab, Go-Viet, Now tham gia thị trường.

Có lẽ đó cũng chính là nguyên nhân Vietnammm phải dừng "cuộc chơi" bằng cách bán lại cho Baemin đến từ Hàn Quốc bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ giữa năm 2019. Xét về tiềm lực tài chính thì hiện khó ai có thể qua được Grab hay Go-Jek (công ty mẹ của Go-Viet), tuy nhiên từ ngày chuyển chủ sang Baemin, ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến này có sự hiện diện nhiều hơn trên đường phố (qua sắc áo) và tại các hàng quán…

Quan sát thêm trên thị trường để đặt câu hỏi: Vì sao FastGo, VATO đã cung cấp dịch vụ gọi xe trước cả Be khá lâu mà chưa tham gia vào mảng gọi đồ ăn trực tuyến? Hay như MyGo của Viettel, với tuyên bố là đã đạt hơn 100.000 đối tác tài xế, thế nhưng cũng chỉ đang tập trung vào mảng di chuyển?

Điều dễ thấy thứ nhất là, càng mở rộng dịch vụ thì cũng có nghĩa là dàn trải ra "mặt trận" rộng hơn, nguồn lực bị phân tán có thể dẫn đến hệ lụy là bị dàn mỏng và căng sức sẽ để lộ ra nhiều điểm yếu.; Thứ hai, tiềm lực tài chính hay vốn đầu tư là có hạn, cùng lúc phải chi để phát triển nhiều mảng dịch vụ và đều phải "đốt tiền" thì sẽ gặp khó khăn hơn. Thứ ba, say sưa chạy theo việc mở rộng dịch vụ vượt quá năng lực hiện tại sẽ khiến chất lượng dịch vụ nói chung bị ảnh hưởng.

Be có lí khi tạm ngừng tham vọng

Tạm ngừng không có nghĩa là ngừng hẳn. Trong quyết định tạm ngừng triển khai dịch vụ beFood, có dư luận cho rằng Be gặp khó về nguồn tiền đầu tư vì sẽ phải "đốt" thêm nhiều hơn vào mảng gọi đồ ăn trực tuyến sau các dịch vụ gọi xe và giao hàng. Tuy nhiên nếu xem xét kĩ quá trình phát triển vừa qua của Be có thể thấy quyết định tạm ngừng "cuộc chơi" là có lí.

Theo nghiên cứu của ABI Research, trong 6 tháng đầu năm 2019, số chuyến xe Be thực hiện là 31 triệu cuốc, trong khi Go-Viet chỉ đạt 21 triệu cuốc. Be vươn lên vị trí thứ hai mảng gọi xe chỉ xếp sau Grab với 16% thị phần, trong khi Go-Viet chỉ đạt 10% thị phần, còn Grab quá mạnh với 73% thị phần.

Trong bối cảnh vừa vươn lên vị trí thứ hai như thế cách biệt với Go-Viet chưa quá lớn (6%) trong khi còn thua Grab quá xa (đến 57%), nếu Be không tập trung nguồn lực từ tài chính, chất xám vào sản phẩm và quản trị, thì hoàn toàn có thể bị Go-Viet vượt mặt trở lại và lại khó thu hẹp được khoảng cách với Grab.

Song từ một góc nhìn khác, việc tham gia vào mặt trận gọi đồ ăn trực tuyến rất dễ khiến Be hở sườn để cho FastGo và MyGo thọc ngang gây nhiều khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường trong khi ở mảng gọi thức ăn khó có thể lay chuyển được các vị trí đang khá vững chắc của Go-Viet và Now chứ chưa nói đến vị trí gần như tuyệt đối của Grab (chiếm đến trên 80% thị phần).

Một "chiếc bánh" 38 triệu USD chưa quá lớn ngay cả vào năm 2020 nếu thiếu định hướng về sự tập trung mà lao vào không khéo lại thành "tham bát bỏ mâm". "Mâm" ở đây chính là mảng gọi xe có giá trị thị trường đã đạt mức 500 triệu USD vào năm 2018 và năm 2019 dự kiến đạt 1,1 tỉ USD.

Sự "bẻ lái" của CEO Trần Thanh Hải có nét rất gần với cách tính toán và xử lí của Thế Giới Di Động vào thời điểm tuyên bố ngừng tập trung đầu tư vào mảng bán lẻ dược phẩm. Cuối năm 2017, Thế Giới Di Động công bố mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành An Khang. Tuy nhiên đến giữa năm 2018, Thế Giới Di Động đã cho biết tạm ngừng đầu tư vào chuỗi nhà thuốc này để củng cố hai chuỗi Thegioididong.com, Điện Máy Xanh đang dần tiến tới bão hòa và tập trung nguồn lực đẩy mạnh chuỗi Bách Hóa Xanh với dư địa tăng trưởng còn rất lớn.

Và trên thực tế cho tới thời điểm này, Bách Hóa Xanh đang trên đường trở thành "con gà đẻ trứng vàng" cho Thế Giới Di Động. Trong khi đó, mảng bán lẻ dược phẩm vẫn được Thế Giới Di Động giữ lại để thăm dò thị trường và chờ đợi thời cơ.

Tôi cho rằng, để đi đến được quyết định như vậy phải có sự tỉnh táo, từ đó mới có thể sáng suốt và khôn ngoan để biết dừng lại lúc nào và thúc đẩy những mảng miếng nào cần thiết hơn.

Dạ Thảo

Chủ đề khác