VnReview
Hà Nội

Đại dịch “cuộc gọi rác”!

Hai năm trước đến Mỹ, sau khi tôi vừa kích hoạt SIM mới mua tại siêu thị Walmart chừng nửa giờ thì bắt đầu nhận được những cuộc gọi đến. Không phải là cuộc gọi từ người quen mà hầu hết là các cuộc gọi giới thiệu, quảng bá dịch vụ, sản phẩm, mời vay hay mở thẻ tín dụng.v.v… Khi đó, tại Việt Nam, người dùng điện thoại mới quen với khái niện "tin nhắc rác" chứ chưa quen với "cuộc gọi rác".

Đại dịch quấy nhiễu người dùng

Nay thì, cuộc gọi "rác" đã trở nên phổ biến tại Việt Nam, hàng ngày làm đau đầu không ít người, tập trung nhiều nhất vào các dịch vụ rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh…

Theo thông tin được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong; phiên chất vấn tại Quốc hội mới đây, thống kê của các nhà mạng cho thấy hàng tháng có khoảng 10.000 số thuê bao thực hiện hàng triệu cuộc gọi "rác" gây phiền nhiễu đến hàng triệu người. Có nhiều người, mỗi ngày nhận đến hàng chục cuộc gọi "rác" mà đa phần là mời mua nhà đất, căn hộ…

Nỗi khổ của người dùng là cho dù thấy số lạ nhưng cũng phải bấm nhận cuộc gọi vì e nếu không nghe sẽ bỏ lỡ một thông tin công việc nào đó từ những số điện thoại mới mà mình chưa lưu vào danh bạ. Chỉ sau khi xác định được là cuộc gọi "rác" thì mới lưu số điện thoại đó vào "danh sách đen" để ngăn chặn về sau. Chính vì thế, ít nhất đối với mỗi cuộc gọi hay tin nhắn xuất phát từ SIM số "rác", người dùng phải chịu làm nạn nhân của việc bị quấy nhiễu ít nhất một lần thì mới có thể nhận biết được để ngăn chặn. Song SIM số "rác" hiện nay lên đến hàng triệu, dẹp không xuể, chính vì thế sự quấy nhiễu cũng lên tới mức khủng khiếp.

Các nhà mạng tại Việt Nam hiện nay chưa có con số thống kê chính thức một cách khả dĩ về tình trạng cuộc gọi "rác" hàng ngày, hàng tháng, giữa ngày thường và cuối tuần, tỉ lệ cuộc gọi "rác" tập trung ở mỗi lĩnh vực tiêu biểu… Người dùng điện thoại càng thấy bực bội, khó chịu hơn trong những trường hợp bị đối tượng thực hiện cuộc gọi "rác" bằng phương thức cuộc gọi tự động (Autocall/Robocall), tức là sau khi nhận cuộc gọi chúng ta được nghe những lời quảng cáo được ghi âm sẵn và cứ thế phát ra. Đây được cho là một tình trạng "dã man" của những đối tượng thực hiện cuộc gọi "rác" khiến rất nhiều người dùng điện thoại điên tiết.

cuộc gọi rác

Cần sớm có giải pháp!

Mỹ là một trong những quốc gia có tình trạng cuộc gọi "rác" bùng phát mạnh mẽ nhất. Bình quân vào thời điểm tháng 6/2019, cứ mỗi ngày tại Mỹ phát sinh khoảng 150 triệu cuộc gọi "rác". Chính vì tình trạng cuộc gọi "rác" hoành hành, Ủy ban Viễn thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã cho phép các nhà mạng triển khai những công cụ chặn tự động cuộc gọi "rác". Nhiều nhà mạng tại Mỹ như AT&T, T-Mobile, Verizon còn cung cấp gói dịch vụ ID người gọi. Thông qua dịch vụ này, người nghe sẽ biết được đối tượng thực hiện các cuộc gọi "rác" là ai, từ đó có cơ sở để khiếu kiện khi cần thiết và thu thập đủ chứng cứ.

Tại Việt Nam, năm 2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác với phạm vi điều chỉnh là tin nhắn "rác" và thư "rác" (spam email), nhưng chưa điều chỉnh về cuộc gọi "rác" vì tình trạng này mới bùng lên trong khoảng hai, ba năm trở lại đây.

Cuộc gọi "rác" tại Việt Nam hiện nay hầu hết là các cuộc gọi telesale (quảng cáo, bán hàng qua điện thoại). Gần đây, trong một dự thảo Nghị định về chống tin nhắn, email, cuộc gọi "rác" và quảng cáo qua các hình thức, Bộ TT&TT đã đề xuất qui định không được thực hiện telesale từ sau 20 giờ mỗi ngày.

Tuy nhiên từ thực tế, cần nhiều hơn các qui định chế tài trước tình trạng cuộc gọi "rác" đang hoành hành. Trong khi tin nhắn "rác" và thư "rác" đang bị chế tài, các đối tượng dần chuyển sang cuộc gọi "rác" để tránh được qui định hiện hành đồng thời phương thức này cũng có nhiều cơ hội hơn để nhân viên sale tương tác với người nghe/khách hàng.

Theo phân tích của luật sư Lê Ngọc Lam Điền (Văn phòng luật Li và đồng sự), trước các cuộc gọi "rác" là telesale người nghe có thể nhận hoặc từ chối, vì thế  không bị xem là cuộc gọi  quấy rối (vốn gây tổn hại tinh thần cho người nghe, hoặc có tính chất đe dọa…) để xử lí theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến (Điều 66, Khoản 3, điểm g).

Và ngay cả về mặt luật pháp, hiện cũng chưa có qui định cho phép các nhà mạng chặn tự động những cuộc gọi "rác". Nhà mạng hiện chỉ có thể dựa vào khiếu nại của người dùng khi bị các cuộc gọi "rác" gây phiền nhiễu để triển khai ngăn chặn có tính chất đơn lẻ.

Chính vì thế, để hạn chế, ngăn chặn tình trạng cuộc gọi "rác" hiện nay trước hết cần hoàn thiện hành lang pháp lí đối với vấn đề này. Song mấu chốt để quản lí là phải kiểm soát được tình trạng SIM "rác". Chính từ tình trạng SIM "rác" bùng phát dẫn đến nhiều hệ lụy khác như tin nhắn "rác", cuộc gọi "rác", các tin nhắn và cuộc gọi đe dọa, lừa đảo.v.v…

Dạ Thảo

Chủ đề khác