VnReview
Hà Nội

Vì sao các CLB châu Âu mua Công Phượng, Văn Hậu để cho ngồi ghế dự bị?

Từ ngày sang châu Âu thi đấu, Công Phượng mới có 20 phút thi đấu chính thức cho đội 1 của CLB Sint-Truidense (Bỉ) còn Văn Hậu mới có 4 phút ở CLB Heerenveen của Hà Lan.

Hồi tháng Bảy năm nay, bầu Đức trong buổi lễ Công Phượng ký hợp đồng thi đấu 1 năm cho Sint-Truidense đã nói cầu thủ Việt ra nước ngoài thi đấu chưa ai thành công cả. Những gì xảy ra sau đó với Công Phượng cũng không ngoại lệ khi sau 6 tháng thi đấu ở giải VĐQG Bỉ, anh mới có 20 phút vào sân cho đội 1 và sau đó là chuỗi ngày ngồi trên ghế dự bị hoặc xuống đội trẻ. Trước đó, Công Phượng cũng đã từng sang Nhật, Hàn Quốc thi đấu, nhưng cũng hiếm khi được ra sân.

Sắp tới đây, tiền đạo người Nghệ An sẽ chia tay châu Âu để về đầu quân cho CLB Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc quãng thời gian chẳng mấy vui vẻ tại 'lục địa già'.

Vì sao CLB ở châu Âu mượn Công Phượng, Văn Hậu?

Công Phượng, Văn Hậu không phải là những cầu thủ Việt Nam đầu tiên sang nước ngoài thử sức khi trước họ còn có những Lê Công Vinh, Lê Huỳnh Đức, Lương Xuân Trường... Tuy nhiên, họ là những người được kỳ vọng và chú ý bởi những bản hợp đồng từ châu Âu mang tính chuyên nghiệp cũng như ít có 'mùi' thương mại.

Đầu tiên, để được sang Sint-Truidense hay Heerenveen - những CLB đang thi đấu ở các giải VĐQG hàng đầu châu Âu thì Công Phượng hay Văn Hậu đều là những cầu thủ Việt có tài và sở hữu tiềm năng để phát triển. Các CLB chuyên nghiệp ở 'lục địa già' thường sẽ có đội ngũ tuyển trạch và hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ rất tốt để tìm kiếm tài năng trên khắp thế giới. Khi biết được một gương mặt tiềm năng nào đó thì dù ở bất kỳ nơi đâu, họ cũng sẽ tìm đến, đặt vấn đề để thu nhập cầu thủ đó về CLB của mình. Điều này sẽ giúp CLB có một lớp cầu thủ sở hữu nền tảng tốt, luôn khao khát được đôn lên đội 1 và tiết kiệm được chi phí mua 'ngôi sao'.

Ông Takayuki Tateishi - CEO CLB Sint Trudense trả lời phỏng vấn báo chí khi đội bóng này mượn được Công Phượng cho biết: 'Bóng đá thế giới hiện nay thay đổi rất nhiều và nhanh. Các CLB của các quốc gia nhỏ đang tiến bộ rất nhanh. Tôi rất bất ngờ về sự phát triển của bóng đá Việt Nam, thể hiện qua Asian Cup vừa rồi. Đối với tôi, điều quan trọng là cầu thủ có năng lực hay không, chứ không phải là nền bóng đá có phát triển hay không. Nếu có tài, họ vẫn là đối tượng tôi nhắm đến'.

Như vậy, yếu tố đầu tiên để các CLB châu Âu mua hoặc mượn cầu thủ từ những quốc gia có nền bóng đá kém phát triển trước hết là người đó phải có tài năng và còn trẻ. Khi trẻ, cầu thủ sẽ còn khát khao để hoàn thiện bản thân và có ý chí nỗ lực để nâng cao năng lực nhằm mục tiêu được thi đấu nhiều hơn.

Thứ 2, đó là chi phí để có được sự phục vụ của các cầu thủ Việt Nam đối với các CLB châu Âu thấp. Bóng đá Việt Nam dù đã phát triển rất tốt trong vài năm gần đây nhưng nói chung vẫn ở 'vùng trũng' của thế giới. Các cầu thủ của chúng ta thường mong muốn ra nước ngoài để thử sức và thể hiện tài năng chứ hiện tại chưa thể yêu cầu được mức lương quá cao. Hợp đồng của họ thường được các CLB chủ quản cho CLB ở châu Âu mượn với thời hạn ngắn (6 tháng - 1 năm) rồi sau đó nếu đáp ứng được nhu cầu mới là hợp đồng mua lại có tính dài hạn hơn.

Thế nên, ngoài khoản tiền lương phải trả hàng tháng cho cầu thủ (thường ở mức tối thiểu cho cầu thủ nước ngoài thi đấu ở châu Âu) thì các CLB chuyên nghiệp ở châu Âu sẽ không phải trả phí chuyển nhượng. Điều này áp dụng cho cả trường hợp của Văn Hậu và Công Phượng khi hợp đồng của họ được CLB châu Âu mượn từ CLB chủ quản trong thời hạn 1 năm với điều khoản có thể mua đứt. Trong trường hợp muốn mua đứt, số tiền mà Sint Trudense hay Heerenveen phải trả cho Hoàng Anh Gia Lai hoặc CLB Hà Nội cũng không quá lớn. Giá trị chuyển nhượng của Văn Hậu hiện tại là 150.000 USD còn Công Phượng là 200.000 USD.

Thứ 3, đó là vấn đề về thương mại. Những năm gần đây, các CLB châu Âu thường rất chú ý đến việc phát triển thị trường tại các quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, khi mượn một cầu thủ từ Việt Nam về trong thời gian 1 năm, chắc chắn họ có tính đến vấn đề phát triển thương mại và thương hiệu.

Văn Hậu sau khi được ra sân 4 phút cho đội 1 của Heerenveen mới đây đã thành thật trả lời báo chí: 'Thời gian tới, khả năng đội có nhà tài trợ từ Việt Nam là rất cao. Tôi sẽ cố gắng hết mình bởi nếu được thi đấu nhiều hơn, điều đó sẽ mang hình ảnh Việt Nam lan tỏa với bạn bè quốc tế cũng như đem lại nhiều nhà tài trợ mới cho CLB'.

Như vậy, rõ ràng bản thân Văn Hậu cũng nhận thức rõ rằng hợp đồng của mình đến Heerenveen là để phát triển sự nghiệp cũng như thi đấu, đồng thời giúp đội bóng kéo nhà tài trợ.

Nhưng lại để họ ngồi dự bị?

Thậm chí Công Phượng còn mất vị trí ngồi trên ghế dự bị ở đội 1 trong một khoảng thời gian dài tại CLB Sint Trudense và phải xuống tập luyện cũng như thi đấu cho đội trẻ.

Lý do đầu tiên cho việc 'coi ghế dự bị là bạn' của Văn Hậu hay Công Phượng chính là việc chưa (hoặc không) thể hòa nhập được với nhịp độ thi đấu và yêu cầu chiến thuật của đội bóng. Các CLB ở những giải VĐQG hàng đầu châu Âu thực tế có trình độ cũng như đẳng cấp cao hơn hẳn các CLB của Việt Nam. Đồng thời, cường độ thi đấu của họ cũng cao hơn, tốc độ chơi bóng cũng nhanh hơn hẳn so với những gì mà Văn Hậu hay Công Phượng từng trải nghiệm trong nước. Để có thể thích ứng được lối chơi đó các cầu thủ đến từ Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung cần có một khoảng thời gian đủ lâu để làm quen.

Chỉ có những người đã chơi đỉnh cao lâu năm, nổi tiếng trước đó hoặc sinh trưởng và tập luyện từ nhỏ ở châu Âu như kiểu Son Heung-min của Hàn Quốc thì khi đến các CLB danh tiếng mới không bỡ ngỡ và có thể đá chính luôn. Còn lại, cầu thủ trẻ từ châu Á đến thì việc mất một khoảng thời gian dài để hòa nhập là điều đương nhiên. Ở đó, nếu không thích nghi được thì cầu thủ sẽ bị đào thải, còn nếu tiến triển tốt, đáp ứng được sự kỳ vọng trong tập luyện thì cầu thủ sẽ được trao cơ hội. Cựu cầu thủ Nguyễn Van Bakel, người góp công đưa Văn Hậu sang Hà Lan mới đây đã tiết lộ: 'Họ cho Văn Hậu 3 tháng đầu để làm quen nhịp độ thi đấu và 6 tuần để phục vụ các đội tuyển quốc gia. Sau đó, Heerenveen sẽ bắt đầu sử dụng cậu ấy. Với việc CLB đang sở hữu nhiều hậu vệ giỏi, riêng việc Hậu có những phút đầu tiên ra sân tại Hà Lan là tín hiệu đáng mừng'.

Lý do thứ 2 đến từ việc năng lực của cầu thủ Việt có thể không đáp ứng được yêu cầu của đội bóng hoặc không giỏi hơn cầu thủ đang đá chính ở CLB. Như trường hợp của Công Phượng ở Sint Truidense, CLB này trong danh sách đăng ký có đến 10 tiền đạo và anh chỉ là sự lựa chọn thứ 5 hoặc 6 gì đó. Đến 'Messi Hàn Quốc' - Lee Seung Woo khi gia nhập CLB của Bỉ cũng phải chịu cảnh ngồi dự bị rồi sinh ra chán nản, phá phách tại đây. Còn với Văn Hậu, anh cũng phải cạnh tranh vị trí hậu vệ trái ở Heerenveen với 2 - 3 cầu thủ. Họ đều là những người ăn tập ở châu Âu nhiều năm, có kinh nghiệm hơn cầu thủ quê Thái Bình ở môi trường thi đấu đỉnh cao. Như vậy, sang châu Âu thi đấu đều là những người có khả năng nhưng để được đá chính ở môi trường đỉnh cao thì cần phải phát huy tố chất để 'đá bay' được cầu thủ đang đá chính ở CLB đó. Các đội bóng ở châu Âu luôn tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt như vậy để khuyến khích mọi người phát triển cũng như giúp cầu thủ trẻ không ngừng vươn lên.

Công Phượng hay Văn Hậu đều ra đi với bản hợp đồng cho mượn 1 năm. Điều này có nghĩa các CLB ở châu Âu sẽ chỉ cần trả lương cho cầu thủ chứ không phải trả phí chuyển nhượng. Sau 1 năm đó, tùy vào năng lực cầu thủ rồi mới bàn tiếp chuyện tương lai. Đây có thể sẽ là 1 năm chỉ mang tính chất học hỏi kinh nghiệm của Công Phượng và Văn Hậu, cơ hội được ra sân hay không còn phụ thuộc vào sự cố gắng, nỗ lực và khả năng của họ có vượt trội hơn người chơi cùng vị trí đang đá cho đội 1 hay không. Đôi khi, cố gắng và nỗ lực tập luyện là chưa đủ bởi thực tế những cầu thủ Việt sang châu Âu có thể đã rất giỏi với chúng ta nhưng không quá nổi bật nếu đá ở môi trường đỉnh cao. Ngoài ra, họ còn thiệt thòi hơn người khác về mặt ngôn ngữ, thể chất, phong cách sống...

Thất bại của Công Phượng và phải về CLB Thành phố Hồ Chí Minh sau 6 tháng là một ví dụ điển hình để chúng ta không nên đặt kỳ vọng quá cao bởi những chuyến sang 'trời Âu' của cầu thủ Việt trong thời gian này. Nó sẽ tạo ra áp lực khủng khiếp và khiến các cầu thủ có thể bị tâm lý mỗi khi không được ra sân. Với họ, có lẽ lúc này điều quan trọng nhất khi sang châu Âu có lẽ là học hỏi được những điều gì mà thôi.;

HLV Lê Thụy Hải từng nói: 'Dù Công Phượng chưa đến mức là cầu thủ không thể thiếu của tuyển Việt Nam nhưng em ấy đang chơi bóng ở một nền bóng đá cao hơn rất nhiều với Việt Nam. Tôi tin Công Phượng tốt hơn so với những cầu thủ ở V.League hiện tại. Tuyển Việt Nam không có nhiều tiền đạo giỏi, những cầu thủ được chọn trên thực tế không có ai hơn Công Phượng'.

Pikachu Cute

Chủ đề khác