VnReview
Hà Nội

“Chiến địa” ví điện tử: Không sợ “ông lớn”, chỉ lo luật định

Thông tin từ hãng Reuters cho biết Ant Financial – một công ty con của Alibaba – đã mua lại cổ phần của ví điện tử eMonkey thuộc công ty M-Pay Trade của Việt Nam đang thu hút khá nhiều sự quan tâm. Góc độ đang thu hút dư luận của thương vụ này là Alibaba mua lại eMonkey chỉ để dùng cho việc thanh toán trên Lazada hay sẽ lấn rộng ra thị trường?;

Trên thực tế, eMonkey đã được sử dụng làm phương tiện thanh toán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Lazada.vn từ khá lâu nay với tên gọi tắt là ví điện tử eM. Việc hợp tác ở mức độ như thế nào chưa bao giờ được hai bên công bố rõ. Tuy nhiên, sau khi thông tin được Reuters tiết lộ, một người làm việc tại một ví điện tử qua trao đổi với tôi đã bày tỏ sự không ngạc nhiên, và cho rằng từ hợp tác cho đến mua lại cổ phần là rất gần.

thị trường ví điện tử việt nam

Tính đến thương vụ Alibaba mua cổ phần eMonkey được Reuters đưa tin, là trường hợp thứ ba một doanh nghiệp nước ngoài mua lại (hoặc nói theo cách giảm nhẹ là "hợp tác") cổ phần của một ví điện từ trong nước. Grab với Moca, Shopee với AirPay, và giờ là Lazada với eMonkey. Cả ba ví điện tử Việt trong mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài hiện cũng mới chỉ được dùng làm phương tiện thanh toán chủ yếu cho trang thương mại điện tử hoặc ứng dụng đặt xe là chủ yếu. Riêng với Grab,  ví Moca được sử dụng rộng rãi hơn một chút khi được áp dụng làm phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài Grab như tiền điện nước, Internet, điện thoại.v.v…

Thời gian qua, cứ mỗi lần một ví điện tử nào đó của doanh nghiệp Việt có hợp tác hoặc bán lại cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài thì thường kéo theo dư luận rằng các "ông lớn" quốc tế sẽ và sắp "nuốt chửng" tới nơi các ví điện tử khác trên thị trường Việt. Tuy nhiên trên thực tế vấn đề không đơn giản như vậy. Grab đã đầu tư rất nhiều để quảng bá và phát triển người dùng Moca nhưng tới thời điểm này cũng chưa thể vượt qua được MoMo. AirPay hiện cũng chỉ được người dùng sử dụng hạn chế thanh toán cho các khoản mua sắm trên Shopee. eM cũng thế, dù sắp tới có thể được Alibaba đầu tư mạnh hơn song cũng không dễ gì chiếm lĩnh được thị phần mong muốn một cách dễ dàng.

Thị trường ví điện tử đang có khoảng 30 ứng dụng được cấp phép hoạt động, khá là chật chội và cạnh tranh khá quyết liệt. Tuy nhiên, với những ví như MoMo, Zalo Pay, Viettel Pay, VNPT Pay…, họ không quá lo lắng trước sự gia nhập thị trường của các "ông lớn" như Grab hay Alibaba.

Nỗi lo lớn nhất đối với các ví điện tử Việt hiện nay chính là dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP). Dự thảo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam soạn thảo đang đưa ra hạn mức sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp fintech Việt Nam là không được quá 49%. Không lo sợ các "ông lớn" nhưng các doanh nghiệp sở hữu và vận hành ví điện tử Việt lo lắng về hạn mức 49% có thể "trói chân buộc tay" họ.

Đơn giản là, các start-up Việt sau khi xây dựng ứng dụng ví điện tử cần phải gọi rất nhiều vốn để tiếp tục phát triển khách hàng, người dùng. Quá trình này sẽ đi cùng với rất nhiều chi phí. Ông Nguyễn Bá Diệp – Phó chủ tịch Công ty M_Services vận hành ví điện tử MoMo – từng chia sẻ rằng, để xây dựng và phát triển được một ví điện tử tại thị trường Việt Nam với qui mô khoảng 10 triệu người dùng trong bối cảnh hiện nay phải cần tới 200 triệu USD.

Một khoản tiền lớn như thế, các đối tác đầu tư tại Việt Nam không những chưa sẵn sàng mà cũng ít có nhà đầu tư nào trường vốn và bền bỉ chịu "lỗ trong kế hoạch" một cách lâu dài. Chính vì thế, nguồn vốn đầu tư cho các start-up về fintech hiện nay đa phần trông chờ vào các nhà đầu tư nước ngoài, với lượng vốn dồi dào và thời gian lâu dài. Muốn có được nguồn vốn như thế, con số hạn mức 49% có thể trở thành một chiếc "vòng kim cô" đầy trói buộc, có thể sẽ dẫn đến tình trạng đến một thời điểm nào đó các ví điện tử Việt không thể gọi được thêm vốn hoạt động khi "room vốn ngoại" đã chạm ngưỡng 49%, trong khi nguồn vốn trong nước thì không đáp ứng, công việc vận hành và kinh doanh ví điện tử có thể chỉ còn cầm chừng hoặc thậm chí đình đốn.

Theo tiết lộ của một số ví điện tử, hiện các ví trong tốp có lượng người dùng nhiều dường như rất khó "tránh được" thực tế là vốn đầu tư ngoại đã hoặc có thể sắp tới vượt ngưỡng 49%. Thậm chí, tình trạng hoạt động tốt lên hay tệ dần của các ví còn tỉ lệ thuận với tỉ lệ góp vốn đầu tư của nước ngoài. Những ví èo uột trong việc gọi vốn từ nước ngoài thường tồn tại một cách yếu ớt trên thị trường mà rất khó phát triển mạnh. Moca là một trường hợp điển hình. Trước khi hợp tác với Grab, Moca hoạt động èo uột. Sau khi được bán lại cho Grab, Moca được bơm vào nhiều tiền để khuếch trương hoạt động và mới được người dùng sử dụng nhiều hơn so với trước.

Dạ Thảo

Chủ đề khác