VnReview
Hà Nội

Khi thị trường ứng dụng gọi xe trở thành nơi “xay” CEO

Thêm một lần nữa, với sự từ nhiệm của ông Trần Thanh Hải - CEO beGroup, thị trường này cho thấy đã trở thành nơi "xay" CEO. Thị trường nóng, ghế CEO càng nóng, thì những cuộc rời đi chỉ có buồn chứ khó mà vui được…

ông Trần Thanh Hải CEO beGroup

Ông Trần Thanh Hải vừa rời ghế CEO của beGroup

Một trong những CEO ngắn ngủi của một doanh nghiệp vận hành ứng dụng gọi xe chính là bà Lê Diệp Kiều Trang của Go-Viet. Bà Trang tại vị CEO mà chưa chắc đã được yên vị và yên tâm, chỉ khoảng 5 tháng.

Người tiền nhiệm của bà Trang là ông Nguyễn Vũ Đức, chấp chính ở ghế nóng CEO cũng chưa được đầy năm. Ông Đức cùng cấp phó của mình là bà Linh Nguyễn ra đi cùng lúc trong một sự "lùm xùm" với ban lãnh đạo Go-Jek (Indonesia). Go-Jek thường được truyền thông là bên hậu thuẫn cho Go-Viet, nhưng đó chỉ là thứ lập luận che giấu chứ thực chất Go-Viet là công ty con của Go-Jek.

Ông Đức và bà Linh cùng rời vị trí với khoản bồi thường được cho là 800.000USD. Ban lãnh đạo Go-Jek đã đi nước cờ là thà thế còn hơn để cho tiếp tục tại vị vì những thông tin công bố sau đó khiến dư luận cũng đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của Go-Viet thời ông Đức bà Linh tại vị.

Cụ thể chi tiết gây chú ý đối với các nhà quan sát khi đó chính là vào thời điểm Grab công bố đã đầu tư vào thị trường Việt Nam 100 triệu USD thì Go-Jek cũng công bố thông tin tương tự ngay sau khi ông Đức rời đi. Thế nhưng người ta dễ dàng thấy rằng về hiệu quả thì Grab bỏ xa Go-Viet một trời một vực.

Những cuộc thay tướng ở các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam ngoài những thông tin rò rỉ cùng với những nhận định, đánh giá về vị trí CEO còn cho thấy sự ác liệt về cạnh tranh trên thị trường này, và càng trở nên khắc nghiệt đối với những chiếc ghế nóng CEO.

Nếu xét thuần túy về việc thay tướng thì việc này cũng đã diễn ra tại Grab khi ông Nguyễn Tuấn Anh phải rời ghế CEO để "thăng tiến" lên ghế chủ tịch và tiếp theo là chuyển lĩnh vực sang làm CEO của nhánh Grab Financial. Cũng có những lời bàn tán về sự thay đổi này song vì Grab đang trong thế thành công cho nên lời xì xào cũng nhanh chóng lắng xuống. Và quan trọng là ông Tuấn Anh không bị "xay" bởi giai đoạn ông làm CEO của Grab gọi xe có thể nói là thành công và để lại được nhiều dấu ấn.

Vào khoảng thời gian bà Lê Diệp Kiều Trang rời ghế CEO Go-Viet thì ông Nguyễn Xuân Trường - CEO của ứng dụng gọi xe AhaMove - cũng rời vị trí. Tất nhiên sự ra đi của ông Trường không tạo nên dư luận bàn tán như trường hợp ông Đức, bà Trang và mới nhất là trường hợp từ nhiệm CEO beGroup của ông Trần Thanh Hải.

Ông Hải từ nhiệm chỉ sau hơn một tháng từ thời điểm email bị rò rỉ được cho là do chính ông gửi trong nội bộ quyết định tạm dừng triển khai dự án BeFood gọi đồ ăn để tập trung nguồn lực vào mảng dịch vụ cốt lõi là gọi xe chở khách.

Sau một năm chính thức khai trương dịch vụ, Be được cho là đã vươn lên vị trí thứ hai về dịch vụ gọi xe, vượt qua Go-Viet. Tuy nhiên cùng với "thắng lợi" này thì việc Be phải tạm thời từ bỏ tham vọng lấn sân sang thị trường dịch vụ gọi đồ ăn cũng cho thấy ứng dụng này đang có vấn đề của mình. Theo thông tin rò rỉ từ nội bộ của Be, ứng dụng này đang gặp khó về gọi vốn để tiếp tục đẩy mạnh các mảng dịch vụ cùng với vấn đề quản trị bộ máy cũng đang trở thành một áp lực không nhỏ. Như vậy, thứ hạng số 2 của Be so với Go-Viet có thể duy trì được trong lâu dài hay không khó có thể nói trước.

Sau khi thay tướng, cả Go-Viet và Be đều đang bất đắc dĩ phải sử dụng CEO tạm quyền bằng cách cất nhắc người trong nội bộ. Với Go-Viet, họ phải làm việc này tới hai lần cùng là một người là ông Phùng Tuấn Đức, đóng vai trò "thợ hàn".

Sự bất ổn về nhân sự cao cấp thượng tầng của Go-Viet và Be như một điều không cầu mà được với Grab. Grab đã mạnh lại càng trở nên mạnh hơn khi các đối thủ của mình gặp bất lợi hay khó khăn về nhân sự cao cấp. Khi Go-Viet và Be sa lầy trong vấn đề nhân sự cao cấp thì những ứng dụng còn lại như FastGo, VATO hay Baemin… dù có được bộ máy hoàn chỉnh thì Grab cũng không có gì phải quá lo.

Thị trường gọi đồ ăn được dự báo sẽ đạt qui mô 2 tỉ USD vào năm 2025 còn thị trường gọi xe chở khách sẽ đạt qui mô 4 tỉ USD vào cùng năm này. Qui mô thị trường 6 tỉ USD trong tương lai tất nhiên khiến nhiều ứng dụng và nhà đầu tư của họ thèm khát và phải toan tính để chiếm "khẩu phần sư tử". Song rõ ràng hai "chiếc bánh" này không phải chỉ có vị ngọt ngào và càng không phải dành cho tất cả các bên. Hay nói đúng hơn, mỗi bên phải học cách chiếm lấy nó như thế nào để đạt hiệu quả nhất.

Thế nhưng tới thời điểm hiện tại, khi thương trường này "chưa im tiếng súng" thì đã có những CEO sáng giá phải lần lượt rời ghế nóng. Có thể họ đã không giữ được chiếc ghế của mình. Song cũng có thể họ đã buông nó để cho nhẹ gánh những áp lực, toan tính trong tâm thế mệt mỏi của một kẻ bị "đày ải" hơn là cảm thấy thích thú.

Nhưng cũng có thể, có ai đó phải buộc phải rời ghế vì buộc phải chịu trách nhiệm?

Dạ Thảo

Chủ đề khác