VnReview
Hà Nội

“Cuộc chiến” taxi truyền thống – taxi công nghệ: Tạm yên chuyện cái “mào”!

Dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP sau nhiều lần sửa đổi vì sự tranh cãi và quá khác biệt giữa hai nhóm lợi ích chính là taxi truyền thống và taxi công nghệ, cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết: Ngày 17/1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP để thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.

Dỡ bỏ "vòng kim cô" đeo "mào"

Trong suốt hơn 2 năm qua, vấn đề được tranh luận nổi bật và căng thẳng nhất về dự thảo qui định quản lí taxi chính là qui định taxi công nghệ có phải đeo "mào" hay không, nếu taxi công nghệ không phải đeo "mào" thì tại sao lại bắt taxi truyền thống đeo "mào", là bất bình đẳng, là thiên vị.v.v…

Chuyện cái "mào" của taxi đã ngốn hết thời gian tranh luận về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP suốt nhiều tháng trời, ngay đến bản dự thảo cuối cùng vấn đề này vẫn chưa thể ngã ngũ.

Chính vì thế, khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP được ban hành thay cho Nghị định 86/2014, trong đó vấn đề đeo "mào" bỗng dưng được hóa giải một cách… nhẹ tênh cũng là điều gây bất ngờ: Taxi truyền thống có thể chọn đeo "mào" hoặc dán phù hiệu "xe taxi" ở phía trong kính trước và kính sau với kích cỡ 6 x 20cm. Xe taxi công nghệ cũng thế, không cần phải đeo "mào" mà chỉ cần dán phù hiệu. Xe hợp đồng cũng chỉ cần dán phù hiệu, khác là phù hiệu mang dòng chữ "xe hợp đồng".

mào taxi

Sự hóa giải từ phía cơ quan tham mưu soạn thảo, nhẹ như không, thế mà phải khiến dư luận hàng năm trời cứ sôi sục, cứ như taxi truyền thống và taxi công nghệ sắp sống còn với nhau chỉ tại chuyện đeo "mào".

Nhưng sau khi vấn đề được hóa giải rồi, nhìn lại mới thấy: Nhẹ hay nặng là phụ thuộc rất lớn vào nhận thức, tư duy uyển chuyển, linh hoạt của cơ quan quản lí, cơ quan tham mưu mà trực tiếp là ban soạn thảo. Nếu cứ mang tư duy cứng nhắc và nặng nề ở chuyện cái "mào", vô hình chung đẩy thế đối đầu nhiều mặt giữa taxi truyền thống và công nghệ đi đến căng thẳng không đội trời chung. Còn nếu biết linh hoạt và uyển chuyển, vấn đề được hóa giải, các bên tập trung vào công việc kinh doanh mà cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành cũng chẳng bị sứt mẻ đi chút quyền hạn nào, doanh nghiệp và xã hội đỡ tốn kém hơi sức, tâm trí, thậm chí cả tiền bạc…

Ai lợi hơn ai?

Cần phải ghi nhận một bước thay đổi rất lớn của cơ quan quản lí nhà nước mà cao nhất là Chính phủ trong việc tháo dỡ những ràng buộc không cần thiết và tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng cho doanh nghiệp qua việc ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Với sự mở thoáng của qui định mới trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP như đã đề cập, cũng một cách gián tiếp khẳng định rằng, việc quản lí ngành hay cụ thể ở đây là ngành kinh doanh vận tải bằng taxi, hiệu quả hay không hoàn toàn không phụ thuộc vào việc phương tiện có gắn "mào" hay không gắn "mào". Vậy thì tại sao cứ bó buộc doanh nghiệp với qui định này?

Một khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã mở ra sự chủ động cho doanh nghiệp taxi truyền thống có quyền lựa chọn, cũng là một cách gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với quyết định của mình mà không thể đổ lỗi là vì không công bằng hay vì thiên vị nữa…

Trên thực tế, taxi công nghệ chỉ không muốn phải gắn "mào". Còn việc phải dán phù hiệu, taxi công nghệ không thể lảng tránh. Bởi ngay cả ở California (Mỹ), nơi là cái nôi của taxi công nghệ với hai thương hiệu Uber và Lift, theo quan sát của tôi, các phương tiện hành nghề này hiện nay đều đã phải dán phù hiệu trên kính xe.

Trong khi đó, điểm khiến phía taxi truyền thống không hài lòng là vì họ đang phải gắn "mào" song taxi công nghệ thì có thể lại được miễn, điều "không công bằng" này giờ đã được xử lí huề cả đôi đường.

Xét ở góc độ sát sườn so với mong muốn và nhu cầu mỗi bên, cả taxi truyền thống và công nghệ đều không bị thiệt gì, mà ngược lại là được đáp ứng theo đúng mong muốn của mình. Còn cơ quan quản lí, cũng chẳng vì thế mà bị mất đi uy quyền vì trong tương lai có thể… không còn cái "mào" taxi nữa.

Tuy nhiên, khi đã để cho taxi truyền thống có quyền chọn lựa hoặc đeo "mào" hoặc dán phù hiệu, chính taxi truyền thống cũng phải cân nhắc kĩ lưỡng thiệt hơn để tránh các hệ lụy ảnh hưởng đến kinh doanh.

Hành khách hiện nay để bắt taxi truyền thống thường gọi qua tổng đài. Nhưng cũng có một tỉ lệ lớn hành khách đón trực tiếp taxi truyền thống trên đường thông qua sự nhận diện hộp đèn "taxi" (mào) trên nóc xe. Trong trường hợp taxi truyền thống nếu từ bỏ việc gắn "mào" có thể sẽ gây ảnh hưởng tới việc nhận diện của hành khách.

Vì việc gắn phù hiệu trên kính xe trong khi hành khách đứng bên đường đón xe, góc nhìn rất không thuận tiện cho hành khách để nhìn thấy rõ phù hiệu "xe taxi" của taxi truyền thống.;

Trong khi với taxi công nghệ, việc dán (theo qui định) hay không dán phù hiệu "xe taxi" hoàn toàn không ảnh hưởng tới việc bắt khách, vì khách gọi xe qua ứng dụng trên smartphone chứ không phải đứng đón bên đường.

Dạ Thảo

Chủ đề khác