VnReview
Hà Nội

12.000 gián điệp, 12.000 sự đánh cắp, tổn thương…

Trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi và giáp Tết Canh Tý 2020, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) đã triệt phá vụ mua bán, cài đặt phần mềm gián điệp cho khoảng 12.000 người để theo dõi, nghe lén… Đối tượng cầm đầu là Trần Ngọc Đức, 30 tuổi, ở Lâm Đồng.

Phần mềm nghe lén, theo dõi, và thậm chí nhằm để đánh cắp dữ liệu, thông tin tài khoản ngân hàng.v.v… của người dùng không phải là vấn đề mới. Cách đây cả chục năm, những vụ mua bán phần mềm nghe lén đã rộ lên tại TP.HCM. Thậm chí, đối tượng còn trình diễn tại quán càphê cho các phóng viên báo chí đóng vai khách hàng đến xem. Nhưng sau đó, chỉ một vài vụ việc nhỏ lẻ bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lí.

Phải đến vụ Trần Ngọc Đức cầm đầu đường dây, mới được xem là vụ mua bán phần mềm nghe lén có qui mô lớn nhất từ trước tới nay. Qui mô trước hết là ở số lượng khách hàng mua hoặc bị cài đặt lén lên tới khoảng 12.000 người. Thứ hai là mạng lưới mua bán này trải ra ở nhiều tỉnh thành. Thứ ba, đối tượng cũng có đầy đủ các phương tiện làm ăn và xem ra có vẻ ăn nên làm ra.

Khoảng mười năm trước, tình trạng mua bán phần mềm nghe lén rộ lên từ những vụ các bà vợ muốn cài lén những phần mềm này vào điện thoại của chồng để theo dõi, chủ yếu là nhằm nắm bắt xem chồng "mèo mả gà đồng" với ai, ngoại tình với những người đàn bà nào…

Những năm về sau, phần mềm nghe lén được phát triển tính năng và giá trị sử dụng lên mức cao hơn, nhằm theo dõi đánh cắp dữ liệu, lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng, với mục đích cuối cùng là ăn cắp tiền.

Đối tượng bán, cài đặt lén phần mềm gián điệp như kẻ cầm đầu Trần Ngọc Đức hẳn nhiên là đã phạm tội "xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" theo Điều 289 Bộ luật Hình sự. Nhưng vấn đề đâu chỉ dừng lại ở đó. Suy cho cùng, đối tượng xâm nhập không chỉ là kẻ bán hay cài đặt lén những phần mềm này vào máy của khách hàng; thủ phạm còn có những bà vợ, ông chồng sử dụng phần mềm gián điệp để theo dõi, nghe lén người thân, những đối tác theo dõi nhau...

Con số thủ phạm hoặc là nạn nhân lên tới 12.000 người chứ không ít…

Trong 12.000 người đó, có bao nhiêu là những bà vợ hay ghen, mất niềm tin vào những đấng ông chồng đang bị tình nghi ngoại tình hay ít nhất một đôi lần có dấu hiệu "ăn vụng" nhưng "chùi mép" không kĩ?

Trong 12.000 người đó, có bao nhiêu kẻ nhỏ nhen, tiểu nhân, xấu xa thích và chuyên đi theo dõi người khác?

Trong 12.000 người đó, tất nhiên là có không ít kẻ giấu mặt là những tên ăn cắp, những kẻ chuyên theo dõi và rình rập để lấy đi dữ liệu và tiền nong của những khổ chủ, theo dõi đối thủ nhằm cạnh tranh không lành mạnh hoặc hạ bệ nhau.

Cho dù từ động cơ và mục đích thế nào, những đối tượng có hành vi như vậy đều là những kẻ vi phạm. Ngay cả dù là hành vi của những bà vợ theo dõi chồng mình có ngoại tình hay không, hay những ông chồng vì ghen tuông vợ mình mà cài phần mềm gián điệp vào điện thoại vợ để theo dõi.

Nhưng đằng sau những ghen tuông và nghi ngờ của những bà vợ và ông chồng, đằng sau những kẻ trộm, thì cũng đầy dẫy sự tổn thương một khi khổ chủ phát hiện bên cạnh mình luôn có người thân, bạn bè nghi ngờ hay theo dõi, rình rập chờ chực ra tay lấy cắp hoặc làm hại.

Từ 12.000 trường hợp này, người dùng điện thoại như được cảnh báo ngầm rằng luôn phải biết ngờ vực bất cứ những ai cứ nhìn chằm chằm hay muốn cầm chiếc điện thoại của mình. Hoặc giả nếu không có thái độ như vậy, cũng cần phải ngờ vực vì đối tượng muốn cài phần mềm gián điệp vào điện thoại của mình có thể là ai đó mà mình chưa chắc ngờ tới được.

Nếu cơ quan công an làm tới, sẽ lôi ra ánh sáng được bao trường hợp ăn cắp, đánh cắp dữ liệu, nghe lén; sẽ làm lộ bao vụ theo dõi chồng và theo dõi vợ. Hạnh phúc gia đình, có khi bị đặt trong tình thế báo động, người ta chẳng còn tin nhau mà chỉ còn biết tin vào phần mềm gián điệp.

Nhưng cho dù thế, vẫn cần lôi ra ánh sáng một số lượng đáng kể những thủ phạm chính. Bởi nếu chỉ đi xử lí kẻ bán không thôi thì chưa đủ. Không có người mua thì khó có kẻ bán và ngược lại. Vì thế, cần làm mạnh tới nơi tới chốn, trước hết là bóc trần những kẻ theo dõi người khác để ăn cắp dữ liệu và thông tin tài khoản ngân hàng. Với những đối tượng ăn cắp tinh vi như thế không thể để yên một khi đã lần ra dấu vết.

Từ vụ ca sĩ Văn Mai Hương bị lộ các clip nhạy cảm, có thể thấy những kẻ theo dõi, nghe lén hay đánh cắp dữ liệu nhiều khi không chỉ vì động cơ hay mục đích đánh ghen, ăn cắp tiền trong tài khoản mà thậm chí còn có sự biến tướng kinh khủng hơn, như muốn phá hoại thanh danh, hình ảnh, hoặc bêu xấu, xúc phạm người khác chứ không chỉ âm thầm trục lợi cho riêng mình.;

Dạ Thảo

Chủ đề khác