VnReview
Hà Nội

Thế Giới Di Động, FPT Retail đâu chỉ bán lẻ điện thoại hàng đầu

Có lẽ, cách chúng ta hay gọi rằng "Thế Giới Di Động, FPT Shop là những nhà bán lẻ điện thoại hàng đầu…" không còn chính xác nữa. Hay nói cách khác, cách chúng ta thường gọi, đã không thay đổi kịp so với thực tế chuyển dịch của hai hệ thống bán lẻ này.

Cách gọi cũ đã không còn chính xác…

Cuối năm 2019, trong một sự kiện Thế Giới Di Động công bố sự hợp tác với Intel, ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO của chuỗi Thegioididong.com – cho biết đang chiếm từ 20-25% thị phần bán lẻ laptop, và theo định hướng của sự tham vọng thì Thế Giới Di Động muốn nâng tỉ lệ này lên mức 50%. "Như cách chúng tôi đã làm bên thị trường điện thoại", ông Hiểu Em cho biết.

Vào thời điểm đó, Thế Giới Di Động đã mở 26 trung tâm laptop tại các tỉnh thành. Con số này chưa phải đã dừng lại sẽ kéo theo thị phần bán lẻ laptop của Thế Giới Di Động cũng tăng theo tỉ lệ thuận với số lượng trung tâm laptop tăng lên.

Trong khi đó, theo thông tin kết năm 2019 vừa được công bố, FPT Retail hiện chiếm khoảng 25% thị phần bán lẻ máy tính (bao gồm cả sản phẩm Apple), với 14 trung tâm laptop đã được mở tại các tỉnh thành.;

Những con số từ Thế Giới Di Động cũng như FPT Retail cho thấy, ngành hàng laptop đang trở thành chủ lực số 2 sau ngành hàng điện thoại, và mang đến doanh số có lẽ cũng chỉ sau doanh số bán lẻ điện thoại mà thôi.

Thị trường laptop Việt Nam hiện có mức tiêu thụ khoảng 1 triệu chiếc/năm. Với con số thị phần của Thế Giới Di Động và FPT Retail, hai hệ thống này đã chiếm ít nhất từ khoảng 40-50% thị phần bán lẻ laptop tại Việt Nam. Như vậy, họ nghiễm nhiên trở thành những "ông lớn" bán lẻ laptop chứ không chỉ điện thoại. Và "lụy" vào họ bây giờ không chỉ có các hãng điện thoại mà cả các hãng sản xuất laptop. Cú bắt tay giữa Thế Giới Di Động và Intel cho thấy rõ điều đó. Bởi trên thị trường hiện nay, đa phần laptop được trang bị chip Intel, và Intel cũng cần hợp tác với các nhà bán lẻ để khẳng định vị thế của nhà sản xuất chip máy tính số 1 thế giới và bán hàng.

Thôn tính trong sớm muộn…

Nếu hệ thống Viễn Thông A không giải thể theo chiến lược của Vingroup thì nhà bán lẻ này cũng sẽ chiếm một thị phần bán lẻ laptop không hề nhỏ trên thị trường. Nhưng cái "mất" của Viễn Thông A lại là cái "được" cho Thế Giới Di Động và FPT Retail bởi thị phần còn lại rộng mở hơn.

Thị trường bán lẻ laptop hiện nay đã có sự thay đổi rất lớn so với 10, 15 năm trước. Sự tập trung thị phần vào các chuỗi lớn gần như đã lấy dần "miếng bánh" trên thị trường của các shop nhỏ lẻ. Ngoài laptp, Thế Giới Di Động và FPT Retail còn có các chuỗi bán lẻ điện máy ở khắp các tỉnh thành. Tuy nhiên, hầu hết các chuỗi điện máy đang tồn tại hiện nay có nhiều dấu hiệu đang chững lại, thậm chí sa sút trước sự lấn lướt của Điện Máy Xanh. Mặt khác, với lợi thế hơn 1.000 siêu thị Thegioididong.com và Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động cũng như hơn 500 siêu thị F.Studio và FPT Shop của FPT Retail, hai nhà bán lẻ này sẽ dễ dàng tạo cách biệt với các nhà bán lẻ điện máy, laptop khác trên thị trường hiện nay.

Chính vì thế, khả năng cả Thế Giới Di Động hay FPT Retail  gia tăng thị phần bán lẻ laptop trên thị trường trong thời gian tới cũng đồng nghĩa thị phần của những nhà bán lẻ khác sẽ dần teo tóp lại. Và, họ sẽ thôn tính được thị trường bán lẻ laptop trong sớm muộn khi nâng được thị phần lên đến 60% rồi 70%...

Một công thức thành công phân phối bán lẻ của hai "ông lớn" này mà chúng ta đang được chứng kiến cũng đang được áp dụng cho việc mở rộng ngành hàng. Với Thế Giới Di Động đó là các ngành hàng mắt kiếng, đồng hồ (thời trang và thông minh); còn với FPT Retail là dược phẩm. Chỉ khác là, Thegioididong triển khai theo mô hình "shop in shop" có sự thuận tiện nhất định còn FPT Retail phải khai phá với chuỗi Long Châu riêng.

Trong khi Thế Giới Di Động và FPT Retail đã an định thị trường điện thoại với việc chiếm khoảng 70% thị phần, thế nhưng không ít chuỗi nhỏ khác vẫn còn có thể sống được bằng cách này hay cách khác, như CellphoneS, Di Động Việt, Hoàng Long Mobile.v.v...

Câu hỏi đặt ra là, ở bên thị trường laptop, chuỗi nhỏ nào đủ nhanh nhạy và năng động để có thể kiếm được "miếng bánh" thị phần bán lẻ laptop ở vị trí thứ ba, đặc biệt là sau khi Viễn Thông A không còn trên thị trường để lại "phần bánh" cho các nhà bán lẻ khác. Những chuỗi dù nhỏ nhưng nếu có tương đối nhiều điểm bán hơn cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thu hút đối tác là các hãng sản xuất máy tính.

Thị trường laptop Việt Nam được cho rằng sẽ tăng trưởng dù không mạnh nhưng con số từ 1,1-1,2 triệu chiếc trong một, hai năm tới là hoàn toàn trong khả năng. Vẫn còn từ 500-700 ngàn chiếc laptop còn nằm "ngoài tầm tay" của những nhà bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Retail song họ sẽ tiếp tục thôn tính. 

Dạ Thảo

Chủ đề khác