VnReview
Hà Nội

“Đốt tiền” - “tiền đốt”, và câu hỏi đâu là sự “công bằng”…

Cựu CEO của beGroup sở hữu ứng dụng gọi xe Be – ông Trần Thanh Hải – mới đây trong cuộc tọa đàm "Ứng dụng kinh tế nền tảng số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam" có một thông tin chia sẻ có lẽ gây trăn trở cho không ít startup trong nước: "Năm nay bọn tôi có bỏ ra 1.000 - 2.000 tỷ đồng, họ sẽ "vứt" vào thị trường 3.000 tỷ. Lúc ấy cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, cực kỳ khó khăn…"

"Đốt tiền" – "tiền đốt"…

Và ông Hải cho rằng: "Không thể nói thị trường công bằng khi một ông cầm 1 tỉ USD vào thị trường, tổng các ông trong nước cầm 500 triệu USD".

"Họ" ở đây có thể hiểu đó là Grab, Go-Viet hay bất cứ một ứng dụng gọi xe, đặt đồ ăn hoặc doanh nghiệp kinh tế số nào khác đến từ nước ngoài "mạnh vì gạo bạo vì tiền".

Và khi ấy, doanh nghiệp Việt hay cụ thể hơn là startup Việt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh bằng tiền: Doanh nghiệp nào tiền nhiều hơn đổ vào marketing, khuyến mãi, giảm giá.v.v… thì doanh nghiệp đó chiếm ưu thế; doanh nghiệp nào trường vốn hơn thì có khả năng thành công cao.

Startup "đốt tiền" hiện nay đang hiện diện trong nhiều ngành trong nền kinh tế số. Tại thị trường Việt Nam, những doanh nghiệp startup được biết đến đầu tiên trong cuộc cạnh tranh "đốt tiền" là Uber và Grab, sau khi Uber rút khỏi Đông Nam Á thì có Grab, Go-Viet, Be; còn bên lĩnh vực thương mại điện tử có Lazada, Shopee, Tiki…, nhiều năm qua mỗi năm có thể lỗ từ vài trăm cho tới hàng ngàn tỉ đồng. Thế nhưng các startup này vẫn phải tiếp tục cạnh tranh "đốt tiền" nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi, để được như vậy thì phải gọi thêm vốn đầu tư, đó là sự sống còn.

Ứng dụng gọi xe Be nơi ông Hải từng làm CEO cũng đã phải lao vào cuộc cạnh tranh "đốt tiền". Chỉ có điều, vốn của Be đã không mạnh bằng một số đối thủ lớn và lại không trường vốn. Trước khi ông Hải rời ghế nóng CEO của beGroup, một số bộ phận tạm dừng chạy dự án theo kế hoạch ban đầu (dịch vụ gọi đồ ăn), bộ máy được tinh giản, nguyên do được cho là Be đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi vốn ở vòng gần nhất.

Thị trường vốn lạnh lùng và cũng rất oái oăm. Khi anh không có tiền để "đốt" thì khả năng cao anh bị "tiền đốt".

Có một trường hợp minh chứng sống động cho tình huống này chính là trang thương mại điện tử Vuivui.com của "ông lớn" bán lẻ Thế Giới Di Động. Thế Giới Di Động từng tuyên bố hùng hồn rằng "sẽ không làm thương mại điện tử theo kiểu đốt tiền". Nhưng thực tế đã phản biện ngược lại: không "đốt tiền" thì không bán được hàng, dẫn đến lỗ lã, rồi có thể phá sản hoặc đóng cửa, là điều mà Vuivui.com đã phải làm sau chưa đầy hai năm hoạt động. Vuivui.com đã bị "tiền đốt"!

Mặc dù sau khi chính thức cung cấp dịch vụ vào tháng 3/2019 Be đã có sự tăng trưởng vượt bậc, cụ thể là số chuyến xe đã vượt qua Go-Viet để chiếm vị trí số 2 về thị phần trong 6 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên với hoàn cảnh hiện nay đang khó khăn về nguồn vốn, không có nhiều tiền để "đốt" thì khả năng Be sẽ bị "tiền đốt" đến từ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Đi tìm sự công bằng ư? Nên đi tìm sự khác biệt!

Thị trường đang không được xem là công bằng trong mắt ông Hải khi "một ông cầm 1 tỉ USD vào thị trường, tổng các ông trong nước cầm 500 triệu USD".

Nhưng chúng ta cũng nên đặt những câu hỏi xung quanh lập luận ông Hải đưa ra:

Có ai cấm "tổng các ông trong nước" chỉ được cầm 500 triệu USD mà không được nhiều hơn không?

Có qui định nào cấm "một ông" từ nước ngoài không được cầm số tiền đến 1 tỉ USD vào thị trường Việt Nam hay không?

Thậm chí, "một ông" kia, nếu cầm 10 tỉ USD vào thị trường Việt Nam, còn được chào đón, hoan nghênh là đầu tư lớn để phát triển thị trường, dịch vụ, tạo nhiều công ăn việc làm, miễn là hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Các qui định hiện hành không chế tài nhà đầu tư nước ngoài mang tiền vào Việt Nam và tiêu tiền, mà chỉ quản nguồn tiền và cách họ tiêu tiền có vi phạm các qui định nhằm cạnh tranh không lành mạnh hay không, hay có tập trung kinh tế, thao túng thị trường.v.v… hay không.

Để trở thành những doanh nghiệp "siêu kì lân" (Super Unicorn) như hiện nay, những Grab, Go-Viet cũng phải bước đi từ những số tiền nhỏ, từ vài triệu USD đến hàng chục triệu USD. Và điều startup Việt nên đi tìm, lí giải, giải mã…, chính là làm thế nào họ gọi được vốn ngày càng nhiều, và từ những startup nhỏ bé không tên tuổi trở thành những "siêu kì lân" như hiện nay.

Nếu để tư duy "không thể nói thị trường công bằng khi một ông cầm 1 tỉ USD vào thị trường, tổng các ông trong nước cầm 500 triệu USD" len vào trong quản lí, nhà đầu tư nào còn muốn, hay dám, hoặc có thể mang tiền vào Việt Nam đầu tư?

Việt Nam còn bị ràng buộc với nhiều hiệp định về tự do thương mại, khó có thể áp dụng các chính sách hậu thuẫn, bảo hộ startup yếu vốn trong nước nhưng vô hình chung gây ra phân biệt đối xử, tạo rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài. Khi ấy, có thể nảy sinh ra một hệ lụy là chính sách không công bằng, có thể gây phản ứng đối với các tổ chức thương mại nước ngoài, quốc tế.

Và chuyện nhiều vốn hay ít vốn, trước hết hãy nên xem là vấn đề nội tại của doanh nghiệp chứ không phải vấn đề công bằng hay không công bằng trong cạnh tranh trên một thị trường kinh tế tự do.

Dạ Thảo

Chủ đề khác