VnReview
Hà Nội

“Thay tướng” dễ, chuyển đổi tình thế khó hơn nhiều!

Tân CEO của FPT Retail (FRT) là ông Hoàng Đình Kiên, trước khi lên "ghế nóng" này đang đương nhiệm chức Phó tổng giám đốc của FPT Telecom. Bà Nguyễn Bạch Điệp, nguyên CEO của FRT sau khi rút khỏi chức vụ này vẫn còn nắm giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị. Chuyện "thay tướng" không dễ nhưng cũng chẳng quá khó, nhưng khó hơn là việc chuyển đổi tình thế của FRT hiện nay.;

"Thay tướng" là cần thiết!

Theo quan điểm của người viết bài này, FRT đúng ra phải "thay tướng" từ sớm, ít nhất là nên cách đây hơn một năm về trước sau khi doanh nghiệp này hoàn tất cú lên sàn ngoạn mục với mức giá cổ phiếu bị cho là làm giá quá cao (giá tham chiếu niêm yết lần đầu tiên của cổ phiếu FRT trên sàn HoSE vào thời điểm 26/4/2018 là 125.000 đồng).

Nói là "thay tướng", nhưng kì thực là nhằm bổ sung thêm "tướng" cho FRT. Ở vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của bà Nguyễn Bạch Điệp, không phải chỉ có "oai" mà gánh nặng cũng lớn hơn. Sự kiêm nhiệm chỉ nên ở một giai đoạn nhất định. Bởi một khi công việc tăng lên cần có sự chia sẻ gánh vác, đặc biệt là khi thị trường có những xáo trộn và biến động, gánh nặng về tầm nhìn, định hướng lại chiến lược.v.v..., cần có nhiều bộ óc tập hợp lại để cùng hoạch định.

Năm 2019, FRT tăng trưởng âm về lợi nhuận so với năm trước đó, giá cổ phiếu lao dốc ở mức khủng khiếp, tính đến thời điểm giữa tháng 1/2020 mất đi hơn 85% giá trị…

Đó là hệ quả của việc chậm chuyển dịch định hướng kinh doanh của bộ máy. Chính vì thế, khi thị trường điện thoại là mảng mang lại nguồn doanh thu chính của chuỗi FPT Shop rơi vào bão hòa làm giảm động lực tăng trưởng,  FRT không còn có những mảng kinh doanh mới đủ lớn kịp thời bù vào để bảo đảm cả tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Dù muốn hay không cũng phải nhìn nhận rằng, sự ngắt quãng về mảng đầu tư gối đầu không kịp bổ sung được nguồn doanh thu chính là một bước hụt hơi trong tính toán của ban lãnh đạo FRT và hội đồng quản trị.

FRT vẫn đang là một nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ lớn và mạnh thứ 2 ở Việt Nam, nhưng lại cho thấy chưa chuẩn bị được lớp lãnh đạo kế thừa và kế cận. Minh chứng rõ ràng nhất là tân CEO Hoàng Đình Kiên từ vị trí Phó tổng giám đốc FPT Telecom chuyển sang (ông là thành viên hội đồng quản trị của FRT), chứ không phải một phó tổng giám đốc từ FRT "bước lên".

Chờ tân CEO chuyển đổi tình thế

Rất nhiều bài viết phân tích về FRT thường xem chuỗi nhà thuốc Long Châu mà FRT mua lại và đầu tư mở rộng có vai trò còn hơn một sự cứu cánh.

Nhưng FRT hãy coi chừng, đừng quá kì vọng vào điều này. Ít nhất từ những con số theo kế hoạch của FRT, chuỗi Long Châu vẫn còn đóng góp rất khiêm tốn.

Năm 2019, kế hoạch của FRT mở 70 cửa hàng thuốc tây Long Châu với doanh thu khoảng 500 tỉ đồng. Năm 2020, mục tiêu đặt ra là 220 cửa hàng và doanh thu tăng lên 1.500 tỉ đồng. Đủ thấy, cho hết năm nay và thậm chí đến hết sang năm 2021 nữa thì đóng góp của chuỗi Long Châu vào doanh thu chung của FRT chưa thể đóng vai trò là một trụ cột lớn.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường BMI, thị trường dược phẩm tại Việt Nam sẽ đạt qui mô khoảng 7,7 tỉ USD vào năm 2021, 25% của "chiếc bánh" này thuộc về bán lẻ, xấp xỉ 2 tỉ USD.

Trước những con số này có thể nói rằng: Thứ nhất, tiềm năng tăng doanh thu và lợi nhuận của chuỗi dược Long Châu là hoàn toàn khả thi. Thứ hai, mức tăng trưởng có đạt được như kì vọng hay không sẽ là một vấn đề. Thứ ba, việc các chuỗi lớn có thương hiệu thực hiện thâu tóm, chiếm lĩnh thị trường bán lẻ dược phẩm sẽ không dễ dàng như trong lĩnh vực hàng công nghệ, không dễ "thuần hóa" thói quen "đi mua thuốc" của người dân Việt Nam xưa nay vốn hay tìm chỗ gần để mua được nhanh, hoặc là những nơi có thuốc đặc trị đáp ứng toa thuốc của bác sĩ…

Nhìn vào bức tranh tổng thể về tăng trưởng của FRT, buộc doanh nghiệp này phải nghĩ đến những nguồn thu bổ sung khả dĩ trong ngắn hạn và trung hạn ngoài chuỗi nhà thuốc Long Châu, bởi chuỗi này cần thêm vài ba năm nữa để thực sự trở thành một trong những lực đẩy tăng trưởng chính cho FRT.

Vậy những mảng kinh doanh gối đầu đó là gì?

Là mắt kính, hay liên kết bán hàng online với Nguyễn Kim ư? Thế Giới Di Động đã thử bán mắt kiếng và đã dẹp.

Là mỹ phẩm? Không phải là thế mạnh! Hay đi vào lĩnh vực bán lẻ đồng hồ thời trang và smart watch? Một con đường Thế Giới Di Động đang đi…

Tân CEO của FRT chắc cần nghĩ ra được những cái mới hơn tạo được cái riêng dẫn dắt thì mới có thể tạo nguồn doanh thu bù đắp một cách đáng kể và bền vững cho nhà bán lẻ điện thoại số 2 Việt Nam. 

Và với việc giảm bớt gánh nặng điều hành, ở vị trí chủ tịch hội đồng quản trị bà Nguyễn Bạch Điệp cũng có thể dồn nhiều thời gian, tâm trí hơn cho việc hoạch định, định hướng chiến lược phát triển kinh doanh cho FRT. 

Dạ Thảo

Chủ đề khác