VnReview
Hà Nội

Giảm cước di động – Tại sao không?

Dư luận đang "kêu" các nhà mạng di động vì sao không giảm cước trong thời điểm hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 đang gây khó khăn cho rất nhiều ngành song ngành viễn thông có vẻ ăn nên làm ra. Khi người dân càng ít ra đường, nhân viên làm việc tại nhà nhiều hơn, thầy trò dạy và học trực tuyến nhiều hơn, thì chi phí viễn thông cũng… tăng cao.

Dư luận "kêu" xuất phát từ cảm nhận chủ quan và một phần sự bức xúc trước tình trạng tốc độ Internet nói chung và tốc độ Internet di động nói riêng bị chậm trong thời gian qua. Trong khi, nhiều ngành bị ảnh hưởng, thu nhập người lao động giảm mạnh, nhưng chi phí sử dụng dữ liệu Internet thì tăng, tất nhiên nguồn thu này đều chảy vào túi nhà mạng.

1. Cước kết nối đã giảm và sẽ giảm nữa…

Đây là một cơ sở vững chắc để nhà mạng có thể thực hiện động thái giảm cước cho người tiêu dùng!

Cần biết rằng, trước thời điểm ngày 1/5/2018, cước kết nối giữa các mạng di động với nhau trong cộng đồng trên 130 triệu thuê bao di động được duy trì ở mức từ 500-550 đồng/phút. Trong đó, Viettel phải trả cho các mạng di động khác (VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel) 550 đồng mỗi phút khi thuê bao Viettel gọi đến thuê bao của các nhà mạng trên. Ở chiều ngược lại, các nhà mạng trên chỉ trả cho Viettel 500 đồng mỗi phút. Sở dĩ có sự chênh lệch này vì Viettel là nhà mạng đang chiếm thị phần khống chế so với các nhà mạng còn lại.

Tuy nhiên, từ khi Thông tư 48/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2018, cước kết nối giữa các mạng di động đã giảm khoảng 20%. Theo đó, Viettel phải trả cho các nhà mạng còn lại 440 đồng/phút cước kết nối, còn ở chiều ngược lại các nhà mạng trả cho Viettel 400 đồng/phút.

Như vậy, mỗi nhà mạng đều đã tiết giảm được 20% phí cước kết nối trả cho các nhà mạng đối tác.

Tuy nhiên chưa dừng lại ở đó, vào tháng 9/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra dự thảo thông tư qui định về giá cước kết nối nội hạt giữa các mạng di động và cố định với nhau. Theo đó, cước kết nối dự kiến sẽ giảm xuống còn 270 đồng/phút. Theo xu thế này, trong tương lai mỗi nhà mạng có thể tiết giảm thêm khoảng 22,5% cước kết nối phải trả cho các nhà mạng đối tác còn lại.

Giảm cước di động

2. Nhu cầu tăng cao – Tốc độ giảm xuống

Theo con số do Cục Viễn thông (Bộ thông tin và Truyền thông) công bố, lưu lượng truy cập Internet tại Việt Nam trong tháng 3/2020 đã tăng mạnh so với tháng trước tới 90%.

Nhu cầu sử dụng Internet tăng không chỉ riêng tại Việt Nam mà trên cả phạm vi thế giới, vì người dân ít ra đường và làm việc, giải trí tại nhà, dạy và học trực tuyến, mua hàng online, thậm chí đặt đồ ăn trực tuyến cũng gia tăng ở mức bùng nổ.v.v… Trong đó, nhiều nhu cầu hay giao dịch được xử lí nhanh trên điện thoại di động càng khiến nhu cầu tiêu thụ dữ liệu Internet di động tăng mạnh.

Hệ quả tất yếu là, nhu cầu sử dụng tăng cao thì tốc độ của các đường truyền Internet sẽ giảm xuống. Hay nói một cách dễ hiểu là tốc độ Internet cả cố định và di động đã bị chậm đi rất nhiều trong thời gian qua, đồng nghĩa là chất lượng dịch vụ Internet suy giảm. Điều này thì người tiêu dùng cũng có thể thông cảm được vì trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nhu cầu trực tuyến tăng cao có tính chất thời điểm. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, người dùng vẫn chưa nhận được sự cảm thông và thấu hiểu từ các nhà mạng khi họ phải trả nguyên cước cho một dịch vụ suy giảm chất lượng. Thế nhưng nhà mạng thì hoàn toàn có thể tăng được doanh thu trong mùa dịch, thậm chí tăng mạnh, song lại chưa tính tới việc giảm cước cho khách hàng.; 

3. Trách nhiệm chia sẻ khó khăn với khách hàng của nhà mạng

Đến nay, cao trào của dịch bệnh COVID-19 đã kéo dài khoảng 2 tháng tính từ thời điểm bùng phát tại Vũ Hán của Trung Quốc, và giờ đã lan tràn ra gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó đặc biệt diễn biến phức tạp và nghiêm trọng ở Châu Âu và Mỹ.

Tại Việt Nam, hầu hết các thị trường hàng hóa, dịch vụ đều suy giảm, nhiều ngành bị đình đốn và thậm chí sắp kiệt quệ. Tình trạng sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề tất yếu ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, thu nhập và đời sống của cán bộ, nhân viên, người lao động… Trong nhiều ngành và nhiều doanh nghiệp, nhân viên phải nghỉ giảm lương hoặc không hưởng lương. Tuy nhiên, các loại chi tiêu cho việc phòng chống dịch bệnh là khoản hoàn toàn phát sinh mới lại thêm gánh nặng cho họ trong lúc kinh tế và thu nhập của mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình và cá nhân đang gặp khó khăn.

Trước tình cảnh đó, xã hội cần có sự chung tay. Sự chung tay không chỉ nhằm phòng chống dịch bệnh trực tiếp. Sự chung tay còn cần thể hiện ở sự chia sẻ cùng nhau trong lúc khó khăn, của ngành vẫn ăn nên làm ra là các nhà mạng chia sẻ với những khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh COVID-19. Sự chia sẻ này không gì thiết thực hơn là phải tính đến việc giảm cước cho khách hàng, tất nhiên là dựa trên 3 cơ sở đã nêu ở trên.

Chia sẻ gánh nặng với khách hàng trong bối cảnh đại dịch thể hiện sự cảm thông, đồng hành và trách nhiệm xã hội của nhà mạng. Nhưng qua đó, nhà mạng cũng tránh được tai tiếng "ăn dày" trong mùa dịch, để bảo vệ và nâng cao hơn nữa hình ảnh, thương hiệu của mình.

Dạ Thảo

Chủ đề khác