VnReview
Hà Nội

Tổng đài, cuộc gọi quấy rối, và hệ ý thức “nhà cư vi bất thiện”

Mới đây Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã gửi công văn lên một số cơ quan chức năng trình báo về vấn nạn một thuê bao đã gọi điện đến tổng đài cấp cứu 115 tới 251 cuộc trong khoảng thời gian từ ngày 15/4/2020 tới thời điểm trình báo. Khung giờ cuộc gọi phá rối diễn ra từ 14h12-23h42 đêm mỗi ngày.

1.

Số thuê bao 096.881.xxxx, với thời lượng của mỗi cuộc gọi đến tổng đài 115 TP.HCM thường chỉ từ 1-23 giây, và tổng đài viên tiếp nhận chỉ nghe được âm thanh của tivi ở bên kia đầu dây.

Động cơ, nguyên nhân của các cuộc gọi liên tục gây quấy nhiễu như thế cần các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên theo ý kiến từ các chuyên gia về điện thoại và viễn thông, nếu là tình trạng cấn máy hay trục trặc kĩ thuật của nhà mạng cũng không thể xảy ra những cuộc gọi tiếp diễn trong nhiều ngày và liên tục như vậy.

Mỗi ngày chỉ cần tiếp nhận vài chục cuộc gọi không có nội dung và cứ vài giây lại ngắt, bất cứ ai cũng có thể thấy bực bội huống hồ số cuộc gọi này lên đến vài trăm. Hơn nữa, tổng đài 115 chuyên dành cho các cuộc gọi đến báo tin cấp cứu, chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp, gọi xe cứu thương chuyển chở bệnh nhân nặng.v.v… Chính vì thế, khi phải tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi phá rối liên tục trong nhiều ngày sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến các cuộc gọi có nhu cầu thực sự cần thiết. Dù là cuộc gọi đùa, phá rối hay cuộc gọi rác, với số lượng nhiều chắc chắn gây ra tình trạng chiếm kênh, chiếm đường dây gây chậm trễ đối với việc tiếp nhận những cuộc gọi cấp cứu.

Đang trong mùa dịch COVID-19, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM còn được giao nhiệm vụ tiếp nhận sàng lọc, tư vấn, chuyển bệnh những trường hợp nghi ngờ hoặc có liên quan đến dịch bệnh từ các nguồn thông tin. Vì thế, sự tập trung tâm trí cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 bị quấy phá bởi những cuộc gọi phá rối không thể không gây ra bức xúc, thậm chí tâm lí khó chịu, mệt mỏi…

2.

Từ khi khai sinh các tổng đài như 113 (báo tin về an ninh trật tự), 114 (báo tin về cháy và cứu hộ cứu nạn) và 115 (báo tin cấp cứu, y tế), tình trạng các cuộc gọi đến những tổng đài này để chọc phá, quấy rối.v.v… cũng nảy sinh. Sự quấy rối không chỉ trong trường hợp cung cấp tin giả (hoang tin) về trật tự an ninh xã hội, báo cháy giả… mà cả các trường gọi đến để cười cợt, hay để "trò chuyện đêm khuya" của những đối tượng say xỉn, hoặc thậm chí gọi đến rồi… im lặng, bên cạnh đó còn có những cuộc gọi do cấn máy hay lỗi kĩ thuật.

Tất nhiên chẳng ai rỗi hơi đi tán gẫu với đối tượng say xỉn hay những kẻ đang quá rãnh rỗi. Trực tổng đài là đang ở vị trí thực hiện nhiệm vụ, không chỉ tiếp nhận cuộc gọi đến mà còn phải tập trung nắm bắt thông tin càng chi tiết tỉ mỉ càng tốt để thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị và bộ phận trực tiếp tác nghiệp xuống hiện trường. Những cuộc gọi đến để chọc phá, cung báo hoang tin… hoàn toàn không có giá trị, mà còn chiếm đường dây, gây quá tải ảnh hưởng đối với chức năng nhiệm vụ chính của tổng đài, tổng đài viên và các cuộc gọi cấp thiết khác.

Tổng đài 114, 115 tại một số tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ từng đưa ra những con số thống kê gây giật mình. Đơn cử một dạo, thống kê từ tổng đài 114 TP.HCM tỉ lệ cuộc gọi phá rối chiếm tới 20%, đó là chưa kể số cuộc gọi nhầm, cấn máy cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ. Trường hợp điển hình, có số điện thoại gọi tới 500 cuộc, mỗi cuộc chỉ từ vài giây đến hơn chục giây, chỉ nhằm chọc phá.

Còn với tổng đài 114 của Đồng Nai, tỉ lệ các cuộc gọi đến do lỗi kĩ thuật và chọc phá lại chiếm tỉ lệ nhiều nhất, tiếp đến mới là những cuộc gọi do lỗi kĩ thuật, tin báo cháy…

3.

Các trường hợp gọi điện đến tổng đài để chọc phá, nếu điều tra tới nơi tới chốn và xử lí thì cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 2-5 triệu đồng theo qui định hiện hành (Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Tuy nhiên tới thời điểm này, dường như chưa nghe thông tin về vụ việc nào bị xử lí hình sự, dù có trường hợp đối tượng phá rối đã bị cơ quan công an tạm giữ, nhưng rồi cũng chỉ bắt làm tường trình, khai báo rồi sau đó xử phạt vi phạm hành chính theo qui định.

Vấn đề ở đây không phải các cơ quan chức năng không muốn phạt nghiêm xử nặng hơn để có tính răn đe mạnh mẽ hơn, mà do giới hạn của qui định hiện hành nên không thể vượt qua.

Tình trạng các cuộc gọi đến tổng đài để chọc phá, quấy rối ở Việt Nam, đúng là do "nhàn cư vi bất thiện", rãnh rỗi sinh ra ngứa tay ngứa miệng đi quấy phá, phá rối… thay vì nên học cách tận dụng tiện ích từ các tổng đài để phục vụ tốt hơn cho những nhu cầu, yêu cầu cấp thiết, những tình huống khẩn cấp.

Suy cho cùng, vấn đề nằm ở ý thức con người. Cho dù xã hội có cung cấp các phương tiện thiết bị, tiện ích công nghệ hữu ích tới đâu nhưng nếu người dùng không có ý thức tốt cũng có thể sử dụng những tiện ích đó vào việc không tốt, thậm chí vi phạm pháp luật.

Dạ Thảo

Chủ đề khác