VnReview
Hà Nội

Máy xét nghiệm COVID-19 mà biết nói năng…

Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) - và 6 người khác đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam với cáo buộc gian lận trong việc mua máy xét nghiệm dịch bệnh COVID-19. Tội trạng của ông Cảm và đồng phạm đã được cơ quan chức năng chỉ ra là cấu kết nâng giá máy xét nghiệm từ mức 2,3 tỉ đồng lên 7 tỉ đồng.

"Ăn" bất nhân, bất nghĩa…

Chữ dùng "bất nhân, bất nghĩa" là của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ông đã bức xúc phát biểu rằng: "Một người làm nghề y, đứng đầu cơ quan y tế dự phòng mà lại lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, vơ vét cho bản thân, đó là một điều bất nhân, bất nghĩa".

Có thể khẳng định ngay rằng, vị đại biểu quốc hội nói… đố mà sai.

Dịch bệnh COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, là đại họa cho toàn nhân loại. Tại Việt Nam, toàn dân và toàn xã hội cùng đồng lòng và tự nguyện góp sức góp của để chống dịch. Những cây "ATM gạo", những "siêu thị 0 đồng" chính là biểu tượng của lòng nhân và tình nghĩa, từ lòng người đến xã hội cùng đứng về một chiến tuyến để chống dịch.

Thế nhưng, có những kẻ, có học vị, có chức sắc, có quyền lại lợi dụng dịch để đứng về một chiến tuyến khác, cùng thông đồng, cấu kết với nhau nâng giá hệ thống máy xét nghiệm REALtime PCR từ mức 2,3 tỉ đồng khi nhập về lên mức 7 tỉ đồng khi trang bị cho đơn vị Nhà nước trong bối cảnh phòng chống dịch nước sôi lửa bỏng.

Chuyện họ "ăn" như thế nào, đường đi nước bước ra sao, chắc chắn cơ quan điều tra sẽ còn tiếp tục làm rõ. Nhưng chỉ cần nhìn vào hai mức giá khác nhau một trời một vực, mức giá bán vào đơn vị Nhà nước được mua sắm bằng ngân sách từ tiền thuế của dân, thì ngay cả, hệ thống máy xét nghiệm REALtime PCR mà biết nói năng, cũng chỉ có thể thốt rằng sao nâng giá "bất nhân, bất nghĩa" thế. Giá bán cao hơn giá nhập hơn 300%, phần chênh lệch này, khoảng nâng giá này, là gì nếu không phải là lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để ăn trên nỗi đau của người dân, xã hội?

Không xứng đáng là một thầy thuốc!

Ông Cảm có hàm phó giáo sư, có học vị tiến sĩ. Nhưng với những gì ông này cùng với đồng bọn đã làm vừa bị cơ quan điều tra lật tẩy, cho thấy ông không còn xứng đáng với những học hàm, học vị trên.

Tự ông, đã đứng dạt ra một chiến tuyến đối ngược với bao y, bác sĩ phải chịu cảnh cách li gia đình để làm nhiệm vụ, hi sinh quên mình trên trận tuyến chống dịch COVID-19, và cũng đang đương đầu với hiểm nguy là có thể bị lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào.

Không chỉ là có thể nữa, mà đã xảy ra, hai bác sĩ thuộc Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) đã bị lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2 từ người bệnh trong quá trình chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Sự hi sinh đó thật khó đo lường hay định lượng vì hiểm nguy tới sức khỏe và tính mạng chứ không phải là sự thiệt thòi hay mất mát về vật chất, tiền nong…

Thế nhưng, những kẻ đứng ngược chiến tuyến chính nghĩa phòng chống dịch thì lại lợi dụng dịch bệnh để tìm kiếm món lợi vật chất, tiền nong bất chính. Máy xét nghiệm REALtime PCR mà biết nói năng, có lẽ cũng không thể thốt nên lời trước sự "ăn" vô đạo đức như thế.

"Lương y như từ mẫu", người bác sĩ trước hết phải thiện lương và từ tâm. Các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống "giặc dịch" phải tập trung cứu người thậm chí còn không có thời gian ăn, thời gian ngủ. Máy xét nghiệm REALtime PCR mà biết nói năng, câu thốt ra có lẽ là "ăn nhưthế không xứng đáng là một thầy thuốc".

Trong vụ án Nguyễn Nhật Cảm và đồng bọn "cấu kết, thông đồng, gian lận, nâng giá thiết bị" và "vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", cơ quan điều tra đã nhanh chóng nhập cuộc làm rõ, được người dân rất đồng tình ủng hộ. Đây là một vụ án điển hình "ăn" trên giá thiết bị máy móc công nghệ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan toàn cầu, với những người có lương tâm thậm chí còn biết cho đi, đóng góp công sức, vật chất cho xã hội nhằm ủng hộ lực lượng chống dịch.

Một thầy thuốc tên Cảm, nhưng những gì đã bị phơi bày ra cho thấy sự vô cảm và bất chấp đạo lí.

Những ngày tháng qua khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành căng thẳng, những kẻ vô lương tâm làm khẩu trang dỏm, nước rửa tay giả, những gian thương nâng giá các loại hàng hóa, sản phẩm phòng chống dịch, đã bị cả xã hội lên án và pháp luật trừng trị.

Trong xã hội những ngày qua, ngay cả những người bình thường nhất, dù có cuộc sống còn khó khăn, và cũng không phải là người học cao biết rộng, nhưng cũng biết điều nhân nghĩa cốt lõi lúc này là giúp người giúp đời lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.

Đó là đạo lí sống, đó là đạo lí làm người, bất di bất dịch cho dù ở thời đại công nghệ phát triển đến cỡ nào với máy móc tự động hóa và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người trong cả tư duy về công việc. Đạo lí ấy càng không cho phép lợi dụng dịch bệnh "cấu kết, thông đồng, gian lận, nâng giá thiết bị" xét nghiệm REALtime PCR.

Dạ Thảo

Chủ đề khác