VnReview
Hà Nội

Tuyển dụng của Apple trong “nắng hạn chờ mưa” nhà máy iPhone

Dư luận đang rất hào hứng với việc Apple tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam ở hai đầu Hà Nội và TP.HCM với các vị trí nhân sự cả về mảng kĩ thuật công nghệ và kinh doanh. Có thể khẳng định, đây chưa phải là một cuộc tuyển dụng lớn của Apple tại Việt Nam, nhưng là đợt tuyển dụng nhân sự với nhiều vị trí nhất từ trước tới nay.

Đây không phải là lần đầu tiên thông tin về việc Apple có thể mở nhà máy sản xuất iPhone tại Việt Nam được xới lên trong dư luận.

Tôi còn nhớ, vào hai năm 2018-2019, cứ khoảng thời gian đầu năm (thường rơi vào quí I), thông tin Apple và các đối tác (sản xuất, lắp ráp iPhone và các sản phẩm khác của Apple) có những cuộc gặp gỡ tìm kiếm địa điểm để mở nhà máy sản xuất iPhone tại Việt Nam từ việc chuyển dịch một phần nhà xưởng ở Trung Quốc sang lại rộ lên.

Hai năm 2018-2019, thương chiến Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng và đi đến đỉnh điểm trước khi được dàn xếp bằng một thỏa thuận giai đoạn 1. Còn trong thời điểm hiện nay, dư luận về việc mở nhà máy iPhone tại Việt Nam có tính phỏng đoán nhiều hơn từ việc Apple đang rao tuyển nhiều vị trí nhân sự cho thị trường Việt Nam.;

Anh Trần Mạnh Hiệp - quản trị viên của diễn đàn nổi tiếng tinhte.vn - cho rằng, thương hiệu Apple quá nổi tiếng và được yêu thích trên toàn cầu, không chỉ người Việt mà người tiêu dùng ở các nước khác cũng mong muốn "táo khuyết" đặt nhà máy tại quốc gia mình. Tuy nhiên trên thực tế, số quốc gia được Apple chọn mở nhà máy hiện cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay… của một bàn tay.

Tại Châu Á, ngoài hệ thống nhà máy của các đối tác lớn của Apple là Foxconn, Pegatron đặt tại Trung Quốc, cũng chỉ có thêm Ấn Độ và mới nhất là Indonesia. Đây là những quốc gia có dân số đông, dung lượng thị trường lớn, có sẵn các nguồn lực về cơ sở hạ tầng, nhân lực… đủ đáp ứng các yêu cầu để nhà máy sản xuất, lắp rác các sản phẩm chủ lực của Apple hoạt động.

Mô hình sản xuất của Apple khác Samsung một cách cơ bản là Apple không sở hữu trực tiếp các nhà máy sản xuất ở bên ngoài nước Mỹ. Ngược lại, các nhà máy đó được xây dựng và vận hành bởi các đối tác của Apple như trường hợp Foxconn, Pegatron tuy nhiên phải tuân thủ theo các qui trình, tiêu chuẩn chất lượng được Apple đưa ra từ khâu xây dựng nhà máy cho đến công đoạn triển khai sản xuất theo thiết kế, kiểm soát, giám sát chất lượng.v.v…

Chính vì thế nên hiểu rằng, một khi nhà máy iPhone được mở ở bất cứ quốc gia nào thì luôn cần có sự đồng thuận của cả Apple và đối tác sản xuất của họ.  

Hiện nay, nhiều đối tác của Apple đã hiện diện tại Việt Nam và có nhà máy sản xuất như Foxconn, Pegatron, Compal, Luxshare, GoerTek…, tuy nhiên chưa có nhà máy nào của những công ty này đã triển khai sản xuất sản phẩm chủ lực nhất của Apple là iPhone.

Câu hỏi đặt ra là bao giờ Apple mới triển khai nhà máy iPhone tại Việt Nam? Đã có không ít câu trả lời, nhưng chủ yếu là phân tích bối cảnh rồi đưa ra dự đoán, phỏng đoán chứ chưa có thông tin xác thực cụ thể về một trường hợp nào.

Với những vị trí tuyển dụng Apple đang rao tuyển nhân sự tại Việt Nam hiện nay, một số người làm việc tại các chuỗi bán lẻ lớn về hàng công nghệ đều nhận định rằng, đó chưa phải là nhu cầu về nhân sự nhằm đáp ứng cho hoạt động của một nhà máy mở mới sản xuất iPhone. Khả năng lớn nhất, mảng nhân sự về kĩ thuật công nghệ Apple muốn tuyển dụng ở đầu Hà Nội nhằm tăng cường cho bộ phận giám sát chất lượng tại nhà máy của đối tác đang sản xuất một số sản phẩm, phụ kiện không thuộc loại chủ lực của Apple. Trong khi đó, với các vị trí tuyển dụng ở đầu TP.HCM – trung tâm thương mại lớn nhất cả nước – nhằm bổ sung nhân sự quản lí các kênh đại lí phân phối và bán lẻ.

Người tiêu dùng Việt có lẽ ai cũng mong muốn Apple xây dựng nhà máy sản xuất iPhone và mở Apple Store tại Việt Nam. Nhưng giữa mong muốn này với thực tế khách quan nền kinh tế và thị trường Việt Nam để Apple và đối tác đồng thuận đi đến quyết định này có lẽ còn cần thêm không ít thời gian, trong đó quan trọng nhất là bài toán cân đo đong đếm các điều kiện thuận lợi hỗ trợ và lợi ích trong tương quan so sánh với những quốc gia và thị trường trong khu vực.

Xét trong phạm vi hai mong muốn của người tiêu dùng Việt là nhà máy sản xuất iPhone và Apple Store, theo tôi khả năng đến trước của việc mở nhà máy iPhone vẫn cao hơn.

Có nhiều yếu tố hỗ trợ cho khả năng này. Thứ nhất là trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung và đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 hiện nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia cho thấy sự an toàn, thứ hai môi trường đầu tư với các chính sách ưu đãi hấp dẫn, thứ ba là giá nhân công còn thấp, thứ tư là gần với các nhà máy có thể chuyển dịch từ Trung Quốc về khoảng cách địa lí …

Tuy nhiên, những bất lợi và rào cản cũng không ít: Một là nguồn nhân lực lành nghề chưa thể đáp ứng được ngay khi Apple mở nhà máy sản xuất iPhone tại Việt Nam. Hai là hạ tầng giao thông, vận chuyển còn chưa thuận lợi, gây mất nhiều thời gian. Ba là chưa có ngành công nghiệp phụ trợ… Song, có thể nhìn vào thực tế là hãng điện thoại số 1 thế giới Samsung đã vượt qua được những bất lợi này để biến Việt Nam thành "cứ điểm" sản xuất điện thoại số 1 của Samsung hiện nay. 

Đối với mong muốn có một Apple Store tại Việt Nam có lẽ còn khá xa vời. Bởi dung lượng thị trường smartphone Việt Nam còn khá khiêm tốn (dưới 20 triệu máy/năm) trong khi thị trường iPhone lúc cao điểm nhất cũng chỉ chiếm khoảng 15% và đang rơi dần xuống mức hiện chỉ còn khoảng 7-8% trong những quí vừa qua. Nhưng đáng nói hơn, thị trường iPhone chính hãng tại Việt Nam còn bị cạnh tranh quyết liệt bởi thị trường iPhone xách tay.

Trong vài năm trở lại đây, Apple đẩy mạnh mở rộng thị trường tại Việt Nam bằng cách tăng thêm các kênh đại lí phân phối và bán lẻ. Song mục tiêu thứ hai không kém quan trọng của họ là "tiêu diệt" thị trường iPhone xách tay để tăng thêm dư địa tăng trưởng cho iPhone chính hãng. Ưu tiên hai mục tiêu này trong bối cảnh thị trường điện thoại Việt Nam chưa phát triển cao, một Apple Store tại Việt Nam có lẽ còn khá xa… 

Dạ Thảo

Chủ đề khác