VnReview
Hà Nội

Tiếng nói lịch sử: Hãy chống lại những gã khổng lồ!

Google đang đối mặt với vụ kiện lịch sử trong khoảng 20 năm trở lại đây tại Mỹ. Một tin không thể tốt lành hơn. Vì sao vậy? Đơn giản là, chẳng có "ông lớn" nào nói chung và trong lĩnh vực công nghệ nói riêng không lợi dụng vị thế dẫn dắt, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để chèn ép các đối thủ cạnh tranh và cả người tiêu dùng.

1.

Vụ kiện, đáng để nói, là từ ngay trong lòng nước Mỹ. Luật chơi ở Mỹ là thế, rất thoáng để doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh với nhau, song cũng rất thoáng để các đối thủ kiện nhau và để cho người tiêu dùng kiện doanh nghiệp khi thấy quyền lợi không được bảo đảm.

Theo thông tin truyền thông quốc tế thì Bộ Tư pháp Mỹ có một vụ kiện riêng đối với Google, còn 50 bang của nước Mỹ cũng dự kiến có một vụ kiện chống lại Google. Tuy 2 mà 1 vì cùng chống lại gã khổng lồ tìm kiếm dẫn đầu trong nhóm GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple). Tuy 1 mà 2, là cùng một mục tiêu và mục đích kiện tụng nhưng có tới 2 bên kiện: một bên là tổ chức quyền lực – Bộ Tư pháp Mỹ, và một bên là các bang, có tổng chưởng lí các bang đứng ra đại diện.

Trong lịch sử nước Mỹ từng xảy ra một vụ kiện chống độc quyền nổi tiếng. Đó là vào năm 1998, Microsoft đã bị Bộ Tư pháp Mỹ cùng với 20 bang khởi kiện vì bị cáo buộc lạm dụng vị thế độc quyền của hệ điều hành Windows tích hợp trình duyệt Microsoft Internet Explorer chèn ép các đối thủ.

Cũng cần nhắc lại rằng khi ấy, đối thủ yếu thế hơn bị Microsoft chèn ép chính là Netscape, đã cáo buộc Microsoft lợi dụng ưu thế của hệ điều hành Windows chiếm đến hơn 90% thị phần trên thế giới để khuếch trương trình duyệt Internet Explorer của họ. Chiêu thức này của Microsoft đã không dành chút nào cơ hội cho các đối thủ còn lại như Netscape.

Vụ kiện đối với Google dự kiến diễn ra, với qui mô còn lớn hơn. Bởi thị trường Internet là thế giới phẳng, sự độc quyền trên thế giới phẳng này ảnh hưởng không chỉ đến các đối thủ cạnh tranh mà còn đối với hàng tỉ người sử dụng Internet trên toàn cầu. Ai cũng biết, trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, Google đang chiếm thị phần lớn nhất thế giới. Họ sẽ phải làm tất cả những gì để gia tăng lợi ích mang đến nguồn thu quảng cáo ngày một lớn hơn, khai thác nguồn tài nguyên từ người dùng để mang tới đồng đôla cho họ ngày càng nhiều hơn.

Google bị kiện vì độc quyền

2.

Gần 20 năm trôi qua kể từ thời điểm vụ kiện chống độc quyền đối với Microsoft kết thúc (năm 2002), một vụ kiện lịch sử thứ hai mới có cơ hội thiết lập lại sự công bằng cho các doanh nghiệp, sự bình đẳng trong hưởng thụ các giá trị trên Internet cho người dùng.

Chúng ta, những người sử dụng công cụ tìm kiếm của Google hàng ngày, vì quá phụ thuộc vào nó và không sử dụng những bộ công cụ tìm kiếm khác, cũng đồng nghĩa không nhìn thấy được những nguồn tài nguyên khác mà Google chưa thể mang tới.

Mặt khác, những gì Google tìm kiếm mang đến cho chúng ta, tất nhiên là ngoài rất nhiều kiến thức và thông tin, còn có sự điều hướng đến những quảng cáo của khách hàng của họ. Chúng ta cứ tưởng những gì hiện ra trên Google tìm kiếm là ngẫu nhiên hay là những lựa chọn tối ưu nhất theo thuật toán của họ. Nhưng thực chất không hoàn toàn là như vậy, đằng sau đó vẫn có tính mục đích khi đã điều hướng. Một khi khách hàng của họ được lợi, doanh thu nếu tăng, khoản quảng cáo trên Google sẽ được đánh giá là hiệu quả, và sẽ tiếp tục chi quảng cáo trên Google…

Thị trường chẳng bao giờ có được một sự công bằng và bình đẳng như người tiêu dùng hay những đối thủ cạnh tranh thấp cổ bé họng mong muốn. Từ vụ kiện chống độc quyền đối với Microsoft hơn 20 năm trước đến vụ kiện chống độc quyền đối với Google sắp tới, bài học xương máu được rút ra là: Muốn công bằng hay bình đẳng không có cách nào là phải đấu tranh cho quyền lợi của mình, dù là doanh nghiệp hay người dùng.

Điều thú vị là, luật Mỹ và chính quyền Mỹ, hệ thống tư pháp Nước Mỹ cho phép và thậm chí còn tạo điều kiện, hậu thuẫn cho các vụ kiện chống lại những gã khổng lồ như Google, Amazon, Facebook, Apple…

Và lần này, lịch sử kiện tụng các gã khổng lồ đã điểm đến cái tên Google.

3.

Có thể xem vụ kiện Google sẽ trở thành vụ kiện đột phá vào thành lũy lợi ích của nhóm "big four" GAFA.

Google sử dụng vị thế thống trị thị trường để chèn ép các đối thủ cạnh tranh có lẽ được chính các doanh nghiệp đối thủ cảm nhận một cách rõ ràng nhất. Song đối với người dùng, thẳng thắn mà nói sự cảm nhận đó không quá lớn.

Song một cái tên khác, trong nhóm "big four" GAFA, thường xuyên khiến người dùng, khách hàng, đối tác cảm thấy khó chịu vì bị đối xử bất công chính là Facebook.

Các chính sách của Facebook nhiều năm trở lại đây đã cho thấy sử dụng rất nhiều chiêu thức để chèn ép người dùng và đối tác, mục đích cuối cùng cũng chỉ nhằm ép khách hàng của họ không còn cách nào khác là mua quảng cáo trên Facebook nếu muốn quảng bá hàng hóa, sản phẩm.

Facebook và Google chính là hai cái tên lớn nhất và cũng chia nhau miếng bánh quảng cáo trực tuyến khổng lồ hàng trăm tỉ USD trên thế giới. Mỗi bên một kiểu nhưng đều muốn ép người dùng và đối thủ cạnh tranh để hái ra càng nhiều tiền càng tốt.

Lịch sử đã gọi tên Microsoft, sắp tới là Google. Còn trong tương lai là ai? Chắc cũng không ngoài những cái tên còn lại trong nhóm GAFA: Facebook, Apple, Amazon.

Dạ Thảo

Chủ đề khác