VnReview
Hà Nội

Cho vay qua app: Khi tiện ích công nghệ nhuốm màu tội ác!

App cho vay là một ứng dụng tiện ích công nghệ trên di động cải tiến phương thức cho vay đáp ứng tiến độ nhanh hơn, tiện lợi hơn cho cả hai phía qua đó tiết giảm được tầng nấc trung gian và các chi phí đi kèm. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, hầu hết các app cho vay đang tung hoành đều là tín dụng đen.

Tin nhắn đòi nợ gửi cho bạn bè người thân của người vay qua app. Nguồn ảnh: báo Thanh Niên

App cho vay = Tín dụng đen

Con số ước tính được một số doanh nghiệp Việt Nam vận hành ứng dụng cho vay online đưa ra là: Hiện trên thị trường có khoảng từ 60-70 app cho vay nặng lãi đến từ Trung Quốc, hầu hết đều không được cấp phép, bản chất hoạt động của những app này như một tổ chức tín dụng đen chuyên cho vay nặng lãi.

Trên thực tế, theo phân tích của một số chuyên gia trong lĩnh vực fintech, các app tín dụng đen cho vay nặng lãi này đang đội lốt cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending, viết tắt là P2P) – một mô hình tín dụng mới trong đó các app chỉ đóng vai trò trung gian kết nối bên có nguồn tiền nhàn rỗi (cá nhân, doanh nghiệp) với bên có nhu cầu vay (cá nhân, doanh nghiệp). Tuy nhiên, các app cho vay nặng lãi tại thị trường Việt Nam hiện nay không đáp ứng đúng các điều kiện về P2P. Thay vì app chỉ kết nối hai bên, thì chủ app lại cũng là chủ nguồn tiền, có khi chỉ của cá nhân, được mang ra cho vay thông qua app.

Cho rằng app tín dụng đen cho vay nặng lãi đang đội lốt cho vay ngang hàng không sai. Nhưng đúng hơn, mô hình app cho vay tại Việt Nam hiện nay là sự biến tướng của P2P đã từng một thời hoành hành tại Trung Quốc vài năm về trước. Qui mô thị trường P2P tại Trung Quốc có giá trị lên đến khoảng 150 tỉ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, đứng trước sự biến tướng phức tạp thành tín dụng đen cho vay nặng lãi, chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay siết chặt loại hình này. Từ đó, dòng tiền cũng như công nghệ cho vay qua app tìm đường đến các thị trường khác trong đó có Việt Nam vốn liền sát với Trung Quốc về mặt địa lí.

Chỉ cần search các từ khóa như: Cho vay online, app cho vay, app cho vay online… trên Google Play, trong tích tắc đã hiển thị ra hàng chục app loại này. Nhiều tháng trở lại đây, tình trạng cho vay qua app hoành hành từ thành thị đến nông thôn, từ các thành phố lớn đến tỉnh lẻ. Nạn nhân của nó là những người lúc đầu số tiền vay chỉ vài triệu đồng nhưng vì không kịp trả mà phải gánh món nợ nặng tiền phạt và lãi suất cộng dồn lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chiêu thức sơ đẳng của các app cho vay nặng lãi là công bố mức lãi suất cao vừa phải, song thay vào đó là các loại phí và tiền phạt chậm trả nợ mỗi ngày, tổng cộng tính ra lên đến hàng trăm phần trăm mỗi năm.

Rất nhiều nạn nhân, khoản vay ban đầu khi nhận được chỉ còn một nửa, vì một nửa đã bị trừ vào khoản trả trước lãi suất. Thế nhưng sau đó cứ chậm trả nợ mỗi ngày, lãi mẹ đẻ lãi con, các app cho vay sẽ "bán nợ" lại cho bọn chuyên đòi nợ thuê, hoặc thuê bọn chuyên đòi nợ thuê để đòi nợ giúp. Chính vì thế, nhiều người vay rồi không thể trả nổi bị những kẻ đòi nợ thóa mạ, bêu xấu, xúc phạm nhân phẩm, truy bức, khủng bố tinh thần.v.v…

App + Cho vay nặng lãi = Tội ác

Ngày 10/5/2020 vừa qua chính là thời điểm đánh dấu các app cho vay nặng lãi trở thành những tổ chức gây tội ác khiến dư luận phẫn nộ.

Anh N.M.K (sinh năm 1993) là giảng viên một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trót vay 5 triệu đồng từ một app cho vay nặng lãi để chi tiêu. Tuy nhiên sau hạn 7 ngày không trả kịp, số tiền phạt và tiền lãi liên tục tăng khiến anh này không thể trả nổi. App chủ nợ lại môi giới cho anh K. vay từ app khác để trả nợ cho chúng. Cứ thế, anh K. bị chúng xỏ mũi dẫn dắt và món nợ theo đó lớn dần lên đến hơn 200 triệu đồng.

Anh K. không trả nổi, hàng ngày cứ bị các đối tượng đòi nợ liên tục gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần dẫn đến tâm trạng hoảng loạn, thường trực sống trong lo sợ. Cùng với đó, đối tượng đòi nợ còn đe dọa đến đồng nghiệp và sinh viên nơi anh K. giảng dạy, và tìm mọi cách bôi nhọ uy tín của anh. Chịu không nổi, anh K. đã tìm đến cái chết bằng cách uống thuốc tự tử để giải thoát.

Những hình ảnh mà các tổ chức, công ty cho vay đưa lên mạng xã hội nhằm bôi xấu, đe dọa người vay - Ảnh: Bạn đọc báo Tuổi Trẻ cung cấp

Câu chuyện về cái chết của anh K. chỉ là một điển hình trong số rất nhiều trường hợp người vay chậm trả nợ cho các app cho vay nặng lãi đã bị đe dọa, khủng bố tinh thần… dẫn đến hoảng loạn trong những ngày qua được công luận đề cập đến rất nhiều.

Ngay trong trường hợp cái chết của anh K, tiện ích công nghệ không có lỗi và cũng không có tội tình gì ở đây.

Tội lỗi, tội ác chính là nằm ở những kẻ cho vay và những kẻ đòi nợ thuê, và cái cách chúng sử dụng để truy bức con nợ dẫn đến các kết cục bi thảm.

Xã hội từ lâu đã xuất hiện một liên minh ma quỷ, hay có thể gọi là một dạng "anh em tội ác", đó chính là bọn cho vay nặng lãi và bọn đòi nợ thuê. Bọn chúng hiện đang lộng hành ở nhiều nơi. Thế nhưng, rất ít trường hợp bị pháp luật sờ gáy tới. Chính vì thế, chúng càng được nước truy bức những con nợ đến đường cùng phải chọn cái chết để tự giải thoát.

Tiện ích công nghệ chính là thành tựu do con người tạo ra thông qua các cách sáng tạo. Thế nhưng, cũng chính bởi những cách sử dụng các tiện ích đó cho những việc làm phi pháp và phi nhân tính của không ít đối tượng đã khiến cho những tiện ích công nghệ nhuốm màu của tội ác.

Dạ Thảo

Chủ đề khác