VnReview
Hà Nội

Bài học từ vụ Sao Bắc Đẩu: Sự liêm chính, liêm chính và liêm chính!

Thông cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về việc cấm Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu (Sao Bắc Đẩu) tham gia đấu thầu các dự án có nguồn vốn tài trợ của World Bank trong vòng 7 năm đã được phát hành từ ngày 13/5/2020. Tuy nhiên, thông tin này chỉ được đăng tải công khai từ ngày 24/6, khởi đầu trên trang worldbank.org.

Sự im lặng không còn là vàng

Ngày 26/6, ban lãnh đạo Sao Bắc Đẩu đã họp trước thông tin doanh nghiệp này bị World Bank cấm cửa 7 năm không cho đấu thầu được các báo trong và ngoài nước đăng tải. Sau đó, phía Sao Bắc Đẩu cũng đã có thông cáo phát đi "làm rõ nội dung thông cáo báo chí của World Bank về Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu".

Theo Sao Bắc Đẩu, thông cáo của World Bank đề cập đến 2 gói thầu BRT Hà nội (2015) và BRT Đà Nẵng (2018) mà Sao Bắc Đẩu có tham gia dự thầu. Trong quá trình dự thầu, nhân viên của Sao Bắc Đẩu tiếp cận khách hàng để tác động, và trong hồ sơ thầu có 1 thư hỗ trợ dự án được coi là giả mạo.

Sao Bắc Đẩu thừa nhận việc nhân viên tiếp cận khách hàng để hỗ trợ kỹ thuật trước thời điểm thầu là không phù hợp với nguyên tắc đối với các dự án của World Bank, và cũng là lỗi của Sao Bắc Đẩu trong việc quản lý nhân viên của mình.

Về thư hỗ trợ dự án, Sao Bắc Đẩu cho biết nhận từ một công ty phân phối thiết bị UPS với giá trị chiếm khoảng 0,11% tổng giá trị dự thầu. Sao Bắc Đẩu đã sơ sót không kiểm tra lại với hãng sản xuất tính xác thực của thư này. Tuy nhiên, Sao Bắc Đẩu đã không trúng thầu trong cả hai gói thầu nói trên.

Để ra được quyết định trên, World Bank chắc chắn đã có làm việc với Sao Bắc Đẩu. Điều này cũng được chính Sao Bắc Đẩu cho biết. Doanh nghiệp này đã làm việc với World Bank một cách chi tiết về vụ việc trong hai năm 2019-2020 nhằm làm rõ các vấn đề. World Bank ghi nhận sự phối hợp của Sao Bắc Đẩu và cũng đồng ý đây không phải là sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty. Từ đó, World Bank đã giảm thời hạn cấm tham dự các dự án do World Bank tài trợ từ ấn định ban đầu là 9 năm xuống còn 7 năm, và sẽ tiếp tục giảm thêm nếu Sao Bắc Đẩu thực hiện tốt các cam kết giữa hai bên.

Qua thông cáo báo chí giải trình thêm của Sao Bắc Đẩu cho thấy, doanh nghiệp này đã nhận được thông tin cấm cửa từ World Bank trước đó vì thông cáo của Ngân hàng Thế giới phát hành từ ngày 13/5, tức trước thời điểm thông tin này được đăng lại trên trang worldbank.org đến 6 tuần. Tất nhiên chả ai dại gì "vạch áo cho người khác xem lưng". Song khi thông tin đã được World Bank phát hành công khai trên website và được các hãng tin, báo chí đăng tải, Sao Bắc Đẩu cũng không thể tiếp tục im lặng.

Hay nói chính xác hơn, im lặng lúc này không còn là vàng!;

Cảnh báo về bài học liêm chính

Đoạn cuối cùng trong thông cáo báo chí của Sao Bắc Đẩu được viết: "Sao Bắc Đẩu đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc tham gia các dự án quốc tế, làm tiền đề để công ty nâng cao hơn nữa năng lực tham gia các dự án quốc tế trong tương lai".

Tuy nhiên, nếu phải cô đọng trong một từ khóa hay mật khẩu, thì bài học đó chính là hai chữ "liêm chính".

World Bank đã trừng phạt Sao Bắc Đẩu vì đã vi phạm các nguyên tắc trong đấu thầu các dự án được tổ chức này tài trợ. Đó là việc vi phạm nguyên tắc liêm chính (integrity). Và sự trừng phạt của World Bank đối với Sao Bắc Đẩu cũng chính là sự cảnh báo về bài học liêm chính.

Sợi dây rút kinh nghiệm rất dài, Sao Bắc Đẩu trước hết cần tập trung rút kinh nghiệm sâu sắc về bài học liêm chính trong công tác đấu thầu các dự án quốc tế nói riêng và trong kinh doanh nói chung (sự liêm chính trong kinh doanh - business integrity).

World Bank cấm cửa Sao Bắc Đẩu trên thực tế có thể không gây ra khó khăn gì đối với công việc kinh doanh trong nước của doanh nghiệp này. Song vấn đề là thanh danh của doanh nghiệp. Một khi bị một tổ chức tầm cỡ thế giới, có uy tín như World bank "điểm huyệt" về tính liêm chính, Sao bắc Đẩu cũng có thể sẽ gặp những bất lợi trong làm ăn quốc tế, hoặc đối với các dự án triển khai tại Việt Nam nhưng có sự tài trợ của các tổ chức quốc tế khác, chứ không cứ gì chỉ mỗi World Bank.

Từ vụ việc của Sao Bắc Đẩu lại nhắc nhớ đến các vụ bê bối tham nhũng của các cán bộ quản lí dự án giao thông liên quan tới các công ty tư vấn nước ngoài (Nhật Bản) là PCI và JTC. Những vụ bê bối này đã làm ảnh hưởng không ít đến thanh danh quốc gia, cũng là bài học đau đớn trong việc sử dụng nguồn vốn tài trợ từ nước ngoài.

Vụ việc của Sao Bắc Đẩu chưa nghiêm trọng tới mức như các vụ PCI và JTC, nhưng thanh danh của doanh nghiệp không tránh khỏi sự ảnh hưởng tiêu cực.

Dạ Thảo

Chủ đề khác