VnReview
Hà Nội

Google trả phí tin tức, có “dễ ăn của ngoại”?

Thông tin Google sẽ trả phí tin tức cho "nội dung chất lượng cao" của những hãng tin, báo chí địa phương tại Australia, Đức, Brazil đang được kì vọng mở ra một thời kì hợp tác mới giữa các hãng truyền thông, báo chí với những nền tảng tin tức kĩ thuật số toàn cầu. Tuy nhiên, coi vậy mà không phải vậy, vì cũng "không dễ ăn của ngoại"!

Ai mới được "ăn của ngoại"?

Dân gian ta có câu "không dễ ăn của ngoại đâu" để chỉ những trường hợp chủ quan tưởng bở, tưởng dễ ăn. Trong thông tin về việc Google trả phí tin tức, ngay từ đầu đã xác định, phạm vi được trả phí là đối với các "nội dung chất lượng cao" chứ không phải đại trà. Và những nội dung đó, sẽ được đăng tải trên Google News và Discover của Google trong một dịch vụ mới sẽ được ra mắt vào cuối năm nay 2020.

Đối tượng được xác định đã khá rõ. Đó là những nội dung chất lượng cao.

Nhưng vấn đề lại không đơn giản để được Google chia sẻ một phần doanh thu quảng cáo như cách "ông lớn" này đã triển khai từ rất lâu bên nền tảng video trên YouTube là ở chỗ: Thế nào là "nội dung chất lượng cao"? Để gọi là chất lượng cao thì cần đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn như thế nào?

Google trả tiền tin tức

Tất nhiên, cuộc chơi này ngay từ đầu Google nắm đằng chuôi và các hãng tin, báo chí sẽ phải tuân thủ theo những qui định phía Google đưa ra. Sự cởi mở trong hợp tác của Google là rất đáng hoan nghênh, nhưng cũng đừng tưởng trong một lúc đã cởi mở tất tần tật…

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không trả phí cho những tin tức đại trà cũng hoàn toàn hợp lí. Trước hết phải xác định rõ các hãng tin, cơ quan truyền thông báo chí có uy tín, thương hiệu, nội dung được đầu tư nghiêm túc và tốn nhiều công sức, tài nguyên và chi phí.

Chứ không thể đi trả phí tin tức cho những website chuyên tung tin giả, tin thất thiệt sai sự thật chỉ tổ gây tổn hại cho người khác và xã hội.

Cũng không thể đi trả phí cho những website, trang tin chuyên chờ các báo điện tử hoặc những website tin tức uy tín xuất bản xong rồi mới "xào", "luộc", "vợt" lại nhằm lấy view và câu view mà không tốn nhiều công sức, trí tuệ và tiền của đầu tư.

"Không dễ ăn của ngoại" là tất nhiên rồi! Song "ngoại" cũng không nên cho các đối tượng chuyên đi lấy lại của người khác mà không tốn mồ hôi nước mắt mới có được thông tin. "Ngoại" phải nhất quyết nói không với những trang tin chuyên sử dụng lại thông tin của bên khác theo cách vi phạm bản quyền!;  

Bao giờ Việt Nam được hưởng lợi?

Theo thông tin từ blog của Google, trước mắt các hãng tin, báo chí tại ba quốc gia Australia, Đức, Brazil được hưởng lợi từ cơ chế hợp tác mới của Google.

Bao giờ mới tới các quốc gia khác, bao giờ mới tới các quốc gia trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam?

Có thể khẳng định ngay rằng, nếu có, cũng sẽ còn lâu. Hay nói đúng hơn, đó sẽ là một cuộc hành trình dài…

Dân gian ta cũng có câu: "Con khóc khát sữa thì mẹ mới cho bú". Còn với ngôn từ mang tính chất hành chính và kinh doanh hơn, thì các hãng tin, báo chí ở những quốc gia, khu vực còn lại phải đòi, thậm chí cùng với chính quyền sở tại gây ra áp lực mạnh thì những "ông lớn" như Google, Facebook may ra mới đáp ứng.

Cụ thể, Australia là quốc gia làm mạnh vấn đề này và cho tới thời điểm này mới có những kết quả tích cực ban đầu. Trong khi đó, Cộng đồng Châu Âu (EU) từng thông qua một bộ luật về vấn đề này khá sớm sủa vào năm 2019 nhưng tới nay tiến trình dường như vẫn giẫm chân tại chỗ.

Vị thế của Australia, Đức, Brazil rất khác. Australia, Đức là hai quốc gia phát triển, còn Brazil là một thị trường lớn. Với Việt Nam, nếu chỉ "một cây làm chẳng nên nón", mà cần phải "ba cây chụm lại thành hòn núi cao". Cái cần ở đây, là sự đồng thuận cao của tất cả các quốc gia trong khu vực ASEAN, từ việc đưa ra nghị trình để bàn thảo vấn đề cho đến khi chính thức triển khai thành đề án chung của khu vực và tại mỗi quốc gia, từ đó cũng cần sự kiên trì đấu tranh với Google và Facebook.

Cần biết rằng, trước sức ép của các hãng tin và báo chí cũng như các tổ chức, chính quyền tại Australia, Google đã phần nào đó cởi mở và nhượng bộ. Trong khi đó, Facebook vẫn tiếp tục nói không. Mạng xã hội này xưa nay vẫn thế, luôn nắm chặt lợi ích của mình mà chưa đủ cởi mở nghĩ tới phương án chia sẻ một phần nào đó với các hãng truyền thông, báo chí. Đó chính là sự không sòng phẳng và cũng bất bình đẳng, thiếu "fair play" trong hợp tác.

Cởi mở hợp tác mang lại win-win-win cho cả các hãng tin/báo chí, Google, Facebook và cả những người đọc tin trên các nền tảng kĩ thuật số này. Từ đó, báo chí có thêm nguồn kinh phí để đầu tư sản xuất những nội dung chất lượng hơn nữa; Google và Facebook có thêm nguồn nội dung chất lượng để dẫn lại từ đó cũng giúp thu hút thêm và giữ chân lâu dài người dùng cho nền tảng của mình; các báo cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn view đến từ các nền tảng kĩ thuật số như Google và Facebook một cách bền vững hơn.

Các bên cùng có lợi, cùng nương vào nhau ở những mức độ hợp tác nhất định để tồn tại và phát triển một cách bền vững. Theo triết lí như vậy, kiểu "tư duy trùm sò" của Facebook hiện nay chắc chắn là không bền vững và nếu cứ khư khư như thế chắc chắn về lâu dài sẽ dẫn đến những hệ lụy.

Dạ Thảo

Chủ đề khác