VnReview
Hà Nội

Facebook: “Gã khổng lồ” chỉ sợ những “người tí hon”?

Chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook mang tên #stophateforprofit vẫn đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đã thu hút được hơn 800 thương hiệu toàn cầu và quốc gia… hưởng ứng tham gia. Lãnh đạo Facebook với đích thân CEO Mark Zuckerberg đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với nhóm khởi xướng nhưng kết quả chưa đi đến đâu.

Khi những "ông lớn" đóng góp nhỏ…

Có rất nhiều ý kiến phân tích và nhận định rằng, với khoảng 100 thương hiệu lớn toàn cầu như Coca Cola, Verizon, Pfizer, Unilever, Ford, Adidas, Patagonia, The North Face… hưởng ứng lời kêu gọi tẩy chay quảng cáo trên Facebook cũng mới chỉ gây thiệt hại bằng "cái móng tay" cho "gã khổng lồ" mạng xã hội mà thôi.

Cụ thể, 100 thương hiệu cắt quảng cáo trên Facebook, vốn dĩ trong năm 2019 chỉ mang lại nguồn thu khoảng 6% trong tổng doanh thu quảng cáo của Facebook, tương ứng khoảng 4,2 tỉ USD.

Cho dù trong số những cái tên đề cập ở trên, có những "gã khổng lồ" với thương hiệu hay doanh số còn lớn hơn Facebook.

Đơn cử, năm 2019, Coca Cola có giá trị thương hiệu xếp thứ 5 trong Top 100 thương hiệu hàng đầu thế giới, với giá trị hơn 63 tỉ USD; còn Facebook xếp thứ 14 với giá trị thương hiệu đạt gần 40 tỉ USD. Về doanh thu, năm 2019 Facebook đạt khoảng 70 tỉ USD với khoảng 98% đến từ nguồn thu quảng cáo. Trong khi đó, doanh thu cùng năm của Ford đạt khoảng 156 tỉ USD và Verizon khoảng 132 tỉ USD.

Sự rút chân của nhóm 6% doanh thu, ảnh hưởng đối với Facebook là đương nhiên, nhưng rõ ràng được cho rằng mới chỉ gây sứt mẻ ở mức độ "cái móng tay" không phải là không có lí. Tuy nhiên, dù mức độ ảnh hưởng đến doanh thu chung không cao nhưng vì 100 doanh nghiệp trên đều là những thương hiệu lớn, hàng đầu và có tính dẫn dắt thị trường, có tập khách hàng riêng và thậm chí nhiều người trong số đó còn là "tín đồ" của thương hiệu, vì thế một khi họ tẩy chay Facebook cũng gây ra tiếng vang, gây ảnh hưởng xấu không ít đến uy tín, hình ảnh và thương hiệu Facebook.

Hơn nữa, nguồn cơn việc Facebook bị tẩy chay là vì cho phép đăng tải các nội dung gây kích động bạo lực, gây thù hằn và phân biệt chủng tộc, vốn dĩ là những điều phản văn minh, bị lên án không chỉ riêng ở Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu. Chính vì thế, vì chính lí do đó Facebook bị hàng trăm thương hiệu lớn tẩy chay, cũng có thể sẽ kéo theo những khách hàng, fans hâm mộ của các thương hiệu đó hưởng ứng. Hoặc chí ít, họ cũng bày tỏ thái độ không hài lòng, bất bình đối với Facebook.

… và những "người tí hon" có tiếng nói lớn?

Khoảng 100 thương hiệu lớn chỉ mang lại cho Facebook 6% doanh thu quảng cáo trong năm 2019.; Trong khi 94% nguồn thu còn lại, Facebook có được từ khoảng 8 triệu khách hàng là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình, những shop bán hàng online.

Nếu cho rằng "nhỏ nhưng có võ" thì cũng chỉ là một cách nói.

Còn nếu nói về lí thuyết, khoảng 8 triệu khách hàng này nắm đến 94% sinh mệnh, sự tồn vong của Facebook cũng không có gì là sai.

Theo đó, nếu 8 triệu hay một số lượng lớn trong số khách hàng này hưởng ứng #stophateforprofit  tẩy chay quảng cáo trên Facebook, Facebook chắc chắn không chỉ lo thôi mà còn phải sợ. Mức thiệt hại cũng chắc chắn không chỉ bằng "cái móng tay" thôi mà hoàn toàn có thể dẫn đến sự suy vong, hay nghiêm trọng hơn nữa là sụp đổ.  

Tuy nhiên trên thực tế, để làm cho Facebook phải sợ thì câu chuyện không hề đơn giản, thậm chí diễn biến phức tạp. Đó là câu chuyện làm sao để cho 8 triệu khách hàng vừa và nhỏ, siêu nhỏ đó của Facebook nhận thức được hết, chấp nhận ảnh hưởng nhất định đến việc kinh doanh của mình để đồng lòng tẩy chay quảng cáo trên Facebook. Song điều này dường như là không tưởng.

Mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, shop bán hàng online có điều kiện, hoàn cảnh riêng, mục tiêu kinh doanh riêng. Song cái lớn nhất của họ lúc này là cần tồn tại được trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Trong đó, không ít khách phải phụ thuộc rất lớn hoặc đến mức gần như hoàn toàn dựa vào việc quảng cáo trên Facebook mới bán được hàng. Nếu họ tẩy chay Facebook bằng cách dừng quảng cáo, khác gì họ tự kết liễu công việc kinh doanh của mình. Facebook chưa đến mức bị "trầy vi tróc vảy" thì họ đã ngáp ngáp hoặc chết lâm sàn.

"Nhỏ nhưng có võ" song "một cây làm chẳng nên non"

Còn nếu muốn có "ba cây chụm lại thành hòn núi cao" thì cần sự đồng lòng liên kết, sẵn sàng chấp nhận công việc kinh doanh bị ảnh hưởng nhất định nhưng khiến Facebook phải thực tâm lắng nghe và thay đổi, buộc Facebook không thể cứ chạy theo triết lí kinh doanh đặt doanh thu và lợi nhuận lên tối thượng mà phớt lờ các giá trị văn minh cộng đồng, dân sự xã hội và đạo đức kinh doanh.

Từ 100 thương hiệu đã tiếp tục lan tỏa ra hơn 800 thương hiệu. Chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook có thể còn tiếp tục lan tỏa mạnh và rộng chí ít là trong tháng 7/2020 này. Cho dù sự việc có thể cuối cùng đâu lại vào đấy. Nhưng cần phải có những chiến dịch như thế để buộc những "gã khổng lồ" như Facebook xem xét lại triết lí kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dùng mạng xã hội cũng dần thay đổi nhận thức, khi cần phải biết dùng quyền tẩy chay một cách mạnh mẽ hơn để điều chỉnh những "gã khổng lồ" bất chấp về đạo đức kinh doanh.

Dạ Thảo

Chủ đề khác