VnReview
Hà Nội

“Nền kinh tế livestream” nhìn từ những con số không hề nhỏ…

Tổng cục Quản lí Thị trường vừa công bố những con số liên quan đến kho hàng lậu rộng hơn 10.000m2 tại Lào Cai khiến không ít người phải kinh ngạc. Bằng cách bán hàng qua phương thức livestream, sau gần hai năm kho hàng này đã thu về hơn 649 tỉ đồng.

Không thể xem nhẹ "nền kinh tế livestream"

Một cách tương đối chính xác thì kho hàng lậu này hoạt động từ tháng 10/2018 đến khi bị phát hiện vào đầu tháng 7/2020 có tổng thời gian khoảng 20 tháng. Tính ra, mỗi ngày kho hàng này thu về hơn 1 tỉ đồng. Bán hàng qua phương thức livestream mà doanh thu đạt mức như thế thì thậm chí còn hơn khối sàn giao dịch thương mại điện tử chính thức trên thị trường hiện nay.

Chưa hết, số đơn hàng mỗi tháng đạt từ 30.000-40.000 đơn cho thấy qui mô của điểm bán hàng livestream này hoàn toàn "không phải dạng vừa đâu".

Bắt kho hàng livestream

Tuy nhiên, để mang về doanh thu từng đó, chủ kho cũng phải chi ra không ít. Đáng chú ý nhất là hai khoản chi: Một là chi cho một số nhân viên dẫn livestream với mức lương hơn 80 triệu đồng/tháng. Hai là chi cho quảng cáo trực tuyến mà chủ yếu là trên Facebook khoảng 400 triệu đồng/tháng; chi phí cước điện thoại khoảng 122 triệu đồng/tháng…

Chỉ một điểm bán hàng livestream (tất nhiên là qui mô lớn nếu không muốn nói là lớn nhất tính đến thời điểm bị phát hiện) mà đã phải chi nhiều loại chi phí với số tiền lớn như vậy, cùng với đó còn phải thuê hàng trăm lao động, cùng với nhiều phương tiện, thiết bị.v.v… Trên thực tế hiện nay, số điểm bán hàng livestream tương tự lên đến hàng chục ngàn, nguồn thu mang về, các loại chi phí, nguồn nhân công cùng với các phương tiện, dịch vụ cần sử dụng rõ ràng là còn lớn hơn rất rất nhiều lần.

Cần nhớ rằng, cách đây khoảng 3 năm, vào tháng 6/2017, cơ quan thuế tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM đã bước đầu xác định có gần 30.000 chủ tài khoản Facebook có hoạt động quảng cáo bán hàng qua Facebook phải tiến hành kê khai mã số thuế để thực hiện việc nộp thuế. Tuy nhiên, tổng nguồn thu từ hoạt động bán hàng của những tài khoản Facebook này trong mỗi năm là bao nhiêu vẫn đang là một ẩn số. Chỉ biết là rất lớn, và việc thất thoát thuế theo đó cũng rất lớn.

Còn trong cao trào có đến hàng trăm thương hiệu trên thế giới tẩy chay quảng cáo trên Facebook đang diễn ra hiện nay, con số được công bố là "ông lớn" mạng xã hội này có khoảng 8 triệu khách hàng quảng cáo. Tuy nhiên trong số đó, các thương hiệu và doanh nghiệp lớn mang tầm toàn cầu và quốc gia chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, còn lại là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, cá nhân bán hàng… đã đóng góp phần lớn trong tổng doanh thu 70 tỉ USD từ quảng cáo của Facebook.

"Nền kinh tế livestream": Khoảng trống quản lí và lỗ hổng chất lượng

Quảng cáo trên Facebook và livestream trên Facebook để bán hàng là hai hoạt động song hành và gắn liền chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau. Bởi, nếu không quảng cáo, sẽ không có lượt tiếp cận đến các khách hàng mới, sẽ không bán được hàng. Đây là mối quan hệ có tính điều kiện, như một vòng xoáy cuốn những người bán hàng vào guồng phải quảng cáo trên Facebook, nếu không quảng cáo thì dần khách hàng cũng thưa, dứt…

Xét ở góc độ thị trường, "nền kinh tế livestream" hầu như đang nằm ngoài vòng cương tỏa. Chỉ thỉnh thoảng, cơ quan thuế phát hiện một vài tài khoản Facebook có doanh thu lớn thì mới tróc ra truy thu thuế và phạt. Tất nhiên cơ quan thuế rất muốn quản những người bán hàng trên Facebook hay gọi là "nền kinh tế livestream", nhưng vấn đề đúng là cũng không đơn giản. Có tới vài chục ngàn tài khoản Facebook bán hàng, để gạn lọc ra những tài khoản nào có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên nhằm buộc đóng thuế là cả một câu chuyện dài chưa có giải pháp quản lí hữu hiệu.

Bắt kho hàng livestream

Xét ở góc độ chất lượng hàng hóa thì vấn đề còn đáng báo động hơn rất nhiều. Nói đúng hơn về tình trạng này hiện nay là: Loạn! Bán hàng online nói chung và bán hàng qua Facebook nói riêng hiện đầy rẫy hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… Từ trường hợp kho hàng hơn 10.000m2 tại Lào Cai bị triệt phá cho thấy: những sản phẩm mang thương hiệu Burberry, Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci... từ đâu ra? Đều là giả thương hiệu và nhãn hiệu. Đó là hàng giả, hàng nhái, bán với giá rẻ hơn hàng thật gấp chục, gấp trăm lần và tất nhiên chất lượng cũng có thể kém ở mức tương ứng. Ai ham rẻ mua về thì mới thấm thía cái giá của hàng giả, hàng nhái, hàng giá rẻ (kém chất lượng) là như thế nào.

Không cần nói ra thì gần như ai cũng biết, nguồn hàng giả, hàng nhái và hàng giá rẻ đó xuất xứ từ đâu. Từ bên kia biên giới (Trung Quốc), tuồn về Việt Nam. Và đây cũng chính là nguồn hàng chủ yếu nuôi sống, làm giàu cho nhiều nhà bán hàng trong "nền kinh tế livestream" hiện nay. Điều oái oăm là, nếu không có những nguồn hàng này, "nền kinh tế livestream" khó mà có thể hoạt động một cách sôi động và rộng khắp như thời gian qua.

Người tiêu dùng xài hàng giả, hàng nhái, hàng giá rẻ (kém chất lượng) có tội hay không? Không! Nhưng có lỗi, dù là vô tình hay cố ý. Bởi về lâu dài, nếu chúng ta cứ chấp nhận triết lí tiêu dùng tiền nào của nấy, chấp nhận xài hàng giả, hàng nhái và hàng giá rẻ kém chất lượng thì sẽ dần bào mòn xúc cảm và sự trân trọng đối với hàng thật và những sản phẩm, thương hiệu khẳng định giá trị thông qua chất lượng.

Dạ Thảo

Chủ đề khác