VnReview
Hà Nội

Sức mạnh mạng xã hội và… sự hả dạ của dư luận

Vụ nữ khách hàng bị ông chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện tại TP Bắc Ninh bắt quỳ xin lỗi đồng thời hứng chịu những lời mắng nhiếc của ông này đã có kết quả bước đầu sau khi clip được tung lên mạng xã hội: Chủ quán Nguyễn Văn Thiện (sinh năm 1973) đã bị Cơ quan công an địa phương khởi tố bị can và bắt tạm giam.

Cái quỳ gối của "thượng đế"…

Người bị bắt quỳ gối xin lỗi là chị D.H (sinh năm 1993), bán hải sản tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Ngày 17.8, chị H đến ăn tại quán nhắng nướng Hiền Thiện, phản ánh với người phục vụ món ăn có sán. Tối hôm đó, chị tiếp tục phản ánh vấn đề lên trang Facebook cá nhân. Vậy là, chủ quán Hiền Thiện tìm chị để trả đũa.

Và đòn trả đũa là bắt chị H đến quán quỳ gối xin lỗi.

Khách hàng là "thượng đế", nhưng "thượng đế" của quán Nhắng nướng này bị ông chủ quán ép phải quỳ gối xin lỗi.

Đây là điều hi hữu mới xảy ra, và chúng ta cũng hi hữu được chứng kiến điều đó xảy ra tại quán Nhắng nước Hiền Thiện nhờ có mang xã hội lan truyền clip ghi lại.

"Thượng đế" phải quỳ gối, còn ông chủ quán Nguyễn Văn Thiện thì ngồi trên ghế dựa, mặc quần cộc, hai tay chống vào gối, rồi chỉ tay về phía "thượng đế" ra uy, đe dọa, mắng nhiếc.v.v…

Với quán nhắng nướng Hiền Thượng, có là "thượng đế" cũng chỉ là con ong cái kiến, không được góp ý, phản ánh, bày tỏ về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của quán?

Thậm chí ngược lại, chủ quán cho mình có cái quyền được làm kẻ bề trên giảng đạo, o ép, ra uy, xúc phạm và làm nhục "thượng đế"?

Hàng quán như vậy, kinh doanh như vậy, thái độ và cách hành xử như vậy, về lâu dài làm sao tránh được gặp rầy rà, phiên phức và thậm chí vi phạm pháp luật!

Và trên thực tế đã có lời đáp: Chủ quán đã bị khởi tố bị can và bắt giam vì "tội làm nhục người khác".

Và thực tế cũng đã cho thấy, cái quỳ gối của "thượng đế" cũng chính là sự thất bại trong cách kinh doanh.

Tội làm nhục người khác không chỉ thể hiện qua hành vi bắt ép người khác quỳ gối xin lỗi, mà còn qua thái độ, lời nói… thiếu chuẩn mực, ép buộc, uy hiếp người khác làm điều họ không muốn, khiến họ cảm thấy bị xúc phạm.

Cái quỳ gối của ‘thượng đế" trong trường hợp này, chẳng những chủ quán không nhận được lời xin lỗi có giá trị, mà còn cho thấy sự thất bại của một cách kinh doanh với một triết lí không liêm chính, mà kẻ cả, bề trên, cậy uy cậy giàu ức hiếp khách hàng.

Dư luận hả dạ

Ngay sáng ngày 20/8, thông tin về việc cơ quan công an tại Bắc Ninh khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Thiện được đăng đầy trên các báo. Đó là thông tin đầu ngày làm hả dạ dư luận. Bởi qua việc xem clip lan truyền trên mạng xã hội, dư luận trong vài ngày qua đã rất bức xúc, phẫn nộ đối với việc làm nhục người khác của chủ quán Hiền Thiện.

Việc làm nhục này, trái cả về đạo đức làm người và pháp luật.

Còn trong đạo đức kinh doanh, càng không thể chấp nhận kiểu làm ăn không biết, không chịu tiếp nhận phản ánh để qua đó tìm hiểu, rà soát sự việc và nếu đúng như phản ánh của khách hàng thì cần cải thiện. Còn ngược lại, nếu khách hàng phản ánh không đúng thì chủ quán có thể tìm gặp để cung cấp thêm thông tin, giải thích cho khách hàng hiểu, yêu cầu khách hàng gỡ bỏ thông tin đăng không đúng sự thật. Trường hợp khách hàng vẫn khăng khăng, chủ quán có thể đưa vụ việc ra cơ quan chức năng, hoặc kiện ra tòa.

Khách hàng có quyền phản ánh, chủ quán có quyền tiếp nhận hoặc nếu không đồng tình thì cũng có quyền phản bác bằng các phương pháp và công cụ trong khuôn khổ của luật pháp, được xã hội chấp nhận. Đằng này, chưa rõ thực hư vấn đề bị phản ánh ra sao, đã tìm đến khách hàng để trả đũa, trừng phạt, là không thể chấp nhận được.

Và chủ quán kinh doanh càng không có quyền hành xử theo kiểu bịt miệng khách hàng để từ nay về sau không còn dám phản ánh, để những khách hàng khác nhìn vào e sợ dù có ăn phải sán tại quán này cũng không dám "huyên thuyên".

Kiểu hành xử xúc phạm, làm nhục người khác của chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện, ngày nay trước khi bị pháp luật "sờ gáy" thì cũng đã bị mạng xã hội "tróc nã" từ đó bị dư luận xã hội phản ứng, lên án. Mạng xã hội không chỉ điều chỉnh hành vi của những người có chức có quyền, mà cả đối với những người bình thường nhất. Một ông chủ quán, chỉ là chủ ở vị trí kinh doanh chứ không được đem thái độ ông chủ đó vào ứng xử và hành xử với khách hàng theo kiểu kẻ cả, bề trên. Chính nhờ sức mạnh của mạng xã hội mang tới sức mạnh của cộng đồng dư luận lên tiếng khiến cho những hành vi sai trái, làm nhục người khác nhanh chóng bị pháp luật xử lí.

Nhưng từ vụ việc này, phía "thượng đế" cũng cần nghiêm túc nhìn lại cách phản ánh, đăng tải lên mạng xã hội có chuẩn mực, thiện chí và đặc biệt là có trung thực và chính xác với những gì đã xảy ra tại quán hay không. Bởi trong trường hợp liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, việc thông tin "sai một li đi một dặm", sẽ ảnh hưởng khó lường tới công việc làm ăn, kinh doanh của các hàng quán.

Dùng mạng xã hội để phản ánh, đăng tải một vấn đề cũng cần có trách nhiệm, cái tâm. Những góp ý có trách nhiệm và có tâm luôn đáng được trân trọng.

Dạ Thảo

Chủ đề khác