VnReview
Hà Nội

Nếu Facebook cấm share link, tại sao phải khiếp nhược!

Trong cuộc tranh chấp giữa một số cơ quan Chính phủ Australia với Facebook buộc mạng xã hội này phải trả phí tin tức đối với các link (liên kết) báo chí được chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội này, Facebook đã chủ ý "bắn tin" sẽ phản đòn bằng cách cấm người dùng share link.

Cấm là… hạ sách

Facebook cấm được không? Được!

Nền tảng là của Facebook. Người dùng hoàn toàn phụ thuộc. Việc Facebook muốn cấm, dễ như trở bàn tay.

Nhưng Facebook mà cấm, thì bản thân cũng sẽ thiệt. Phía Facebook ban đầu cho rằng chỉ thiệt ít vì tỉ lệ link báo chí share trên nền tảng này và thu hút lượng đọc không đáng kể, chỉ chiếm vài phần trăm so với tổng số lượt truy cập, sử dụng, tương tác…

Song đó cũng chỉ là một cách lập luận và lí giải kiểu lên dây cót tinh thần và thách thức "tôi không sợ, không ngán, các vị cứ làm xem…". Ngay cả không ít người dùng Facebook tại Việt Nam, trong đó có một số những người có ảnh hưởng khi trao đổi với tôi cũng bày tỏ lo lắng, nếu Facebook cấm share link trên nền tảng thì các báo sẽ chuốc lấy thiệt hại trước tiên và nặng nề hơn chứ không phải là phía Facebook.

Thế nhưng mới đây, Chủ tịch Rod Sims của Ủy ban Tiêu dùng và cạnh tranh Australia (ACCC) cho rằng, nếu Facebook hành động bằng cách cấm đoán người dùng chia sẻ link tin tức báo chí trên nền tảng thì đó sẽ là "nỗi hổ thẹn với nền dân chủ Australia và người dùng Facebook", và cũng sẽ "làm suy yếu Facebook".

Có thể nói ngay rằng, một khi Facebook chọn lựa cách hành xử cấm đoán, đó là một hạ sách. Trong mắt người dùng và đặc biệt đối với các xã hội dân chủ, tự do ngôn luận và chia sẻ tin tức được tôn trọng và đề cao. Facebook trả đũa lại chính sách buộc họ trả phí tin tức của các chính quyền nhưng cũng là một cách hành xử không vì người dùng.

Ba vấn đề sẽ nảy sinh từ sự cấm đoán đó. Thứ nhất, khi nhu cầu đọc tin tức, báo chí đặc biệt là tin tức thời sự đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu, Facebook cấm share link trên nền tảng của mình thì sẽ có nền tảng khác thay thế, người dùng sẽ tìm đến nền tảng khác để đọc. Facebook ban đầu bị ảnh hưởng "không đáng kể" nhưng có thể về lâu dài mức độ ảnh hưởng về người dùng sẽ lớn dần. Thứ hai, với kiểu cấm đoán như thế, hình ảnh, uy tín Facebook cũng khiến người dùng mất dần thiện cảm. Thứ ba, cũng là hệ quả từ hai vấn đề trên, là sự cấm đoán của Facebook sẽ tạo ra cơ hội cho các đối thủ trên phạm vi toàn cầu và tại các quốc gia.

Phàm thứ gì cũng có lúc thịnh lúc suy. Facebook đang thịnh nhưng không phải là chưa lộ ra những dấu hiệu báo hiệu khả năng dẫn đến suy vi.

Những quyết định không đúng, bất hợp lí, không vì người dùng… sẽ giúp cho quá trình suy vi, sụp đổ càng đến sớm hơn đối với bất cứ tổ chức, doanh nghiệp nào.

Chẳng có gì phải khiếp nhược!

Ông Rod Sims cho rằng nếu mọi người không thể đọc tin tức từ Facebook thì họ sẽ chuyển sang nơi khác để làm việc ấy.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu và cũng sẽ diễn ra hoàn toàn tự nhiên. Nhu cầu đọc tin tức thông qua mạng xã hội không mất đi, mà sẽ chuyển dịch từ đọc trên nền tảng Facebook sang nền tảng mạng xã hội khác, ứng dụng khác.

Và như tôi đã đề cập, một khi các bên thấy có cơ hội kinh doanh, kiếm lợi trong việc lập ácc kênh phân phối tin tức; thì sẽ phát sinh đầu tư thực hiện, qua đó còn có thể giúp họ tạo ra được những cộng đồng người đọc. Hoặc theo một chiều hướng ngược lại, độc giả sẽ chọn một số đầu báo để đọc thường xuyên trên thiết bị di động hay máy tính.

Tại Việt Nam, trường hợp Báo Mới là một điển hình từng khiến không ít tờ báo, trang tin điện tử phụ thuộc vào để kiếm view và không dám thoát ra. Song cũng có một số báo điện tử đã dám thoát khỏi Báo Mới, chấp nhận thời gian đầu mất một lượng view lớn trong lúc nỗ lực tìm kiếm những kênh phát hành mới trên Internet. Chỉ một thời gian sau, những tờ báo này đã có thể lấy lại được lượng view bị mất đó vì không sử dụng kênh phát hành tin tức từ Báo Mới nữa. Chính nhờ những phản ứng như vậy, những năm gần đây Báo Mới mất dần ưu thế của một kênh phân phối tin tức trên Internet so với chính nó trước đây.

Thậm chí có thể nói, ở bất cứ quốc gia, thị trường nào, một khi Facebook thực thi lệnh cấm share link tin tức báo chí trên nền tảng của mình thì đó chính là tiền đề đầy thuận lợi tạo cơ hội cho các kênh phân phối tin tức mới ra đời và "bất chiến tự nhiên thành". Bởi đối thủ cạnh tranh lớn nhất, đáng gờm nhất là Facebook tự rút lui.

Thành ngữ có câu "già néo đứt dây". Nếu Facebook cứ theo đà ép người dùng hết việc này đến việc khác chỉ nhằm gom lợi nhuận năm sau nhiều hơn năm trước cho bản thân, đến một lúc nào đó người dùng không chịu nổi nữa sẽ phản ứng lại, chuyển dần sang nền tảng khác cũng có khả năng đáp ứng không kém.

Nếu cứ e sợ, khiếp nhược trước Facebook thì sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi sự phụ thuộc. Mạng xã hội Facebook đang thắng thế nhưng không có nghĩa là hưng thịnh mãi mãi như nhu cầu đọc tin tức thời sự của độc giả và người dùng Internet. Một khi nhu cầu đó là mãi mãi thì sẽ tạo ra những dòng chảy tìm đến các nền tảng có sự đáp ứng tốt hơn so với Facebook.

Tiêu dùng mà để phụ thuộc chính là tự trói mình, và còn kéo theo tâm lí e sợ, khiếp nhược nữa.

Dạ Thảo

Chủ đề khác