VnReview
Hà Nội

Xác thực cuộc gọi rác, sao lại đổ lỗi cho người dùng?

Trong 3 tháng trở lại đây, các nhà mạng đã khóa chiều đi đối với 34.700 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, ngăn chặn trên 9 triệu cuộc gọi giả mạo. Đó là kết quả bước đầu của "cuộc chiến" chống lại cuộc gọi rác, tin nhắn rác và thư điện tử rác đang gây nhức nhối dư luận.

Kết quả ngăn chặn nhiều hay ít?

Với những con số trên, câu hỏi đặt ra là nhiều hay ít, kết quả như vậy có thực sự đã làm hài lòng chúng ta hay chưa vốn dĩ đa phần đều là nạn nhân của tình trạng cuộc gọi rác hiện nay?

Dù chưa thể khẳng định, song có một thông tin mang tính "phụ họa" có thể giúp suy luận được ra để đánh giá kết quả trên.

Theo một đại diện của Cục Viễn thông, tỉ lệ người dân phối hợp để xác thực các số điện thoại bị nghi phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác chưa cao. Cụ thể, tỉ lệ xác thực mới chỉ đạt từ 5 - 7%, nghĩa là khi nhà mạng gửi đi 100 tin nhắn yêu cầu xác thực thì chỉ có 5-7 thuê bao từ phía người dùng di động trả lời.

Tỉ lệ trên có thể là một chỉ dấu để hiểu là, tỉ lệ thuê bao, cuộc gọi bị ngăn chặn có thể còn thấp hơn rất nhiều. Hay có thể nói rằng, con số 34.700 thuê bao bị khóa chiều đi và 9 triệu cuộc gọi giả mạo bị ngăn chặn chẳng thấm tháp vào đâu so với thực trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác và cuộc gọi giả mạo, lừa đảo đang diễn ra trong xã hội.

Và cũng qua những con số trên, điều chúng ta có thể thấy và cũng có thể khẳng định ngay một cách mạnh mẽ rằng, việc ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo còn có thể đạt kết quả cao hơn nếu có sự nỗ lực từ các bên: Cơ quan chức năng, nhà mạng, người dùng di động…

Người dùng di động là một trong những thành phần quan trọng trong "cuộc chiến" chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo, nhưng hoàn toàn không phải là bên có tính quyết định.

Người dùng đang là nạn nhân từng ngày, từng giờ, từng phút của vấn nạn cuộc gọi rác, song họ cũng có thể là nhân tố hỗ trợ, giúp sức với nhà mạng và cơquan chức năng, bằng cách thu thập, cung cấp thông tin về cuộc gọi rác và tin nhắn rác, hỗ trợ nhà mạng trong việc xác thực đối với các số thuê bao bị nghi phát tán cuộc gọi rác.

Tuy nhiên, xin nhấn mạnh rằng, khi tỉ lệ xác thực chưa cao, hay nói chính xác hơn là còn quá thấp, không có nghĩa là trách nhiệm, lỗi thuộc về người dùng.

Nhà mạng phải chịu trách nhiệm chính!

Tất nhiên, khi tỉ lệ trả lời tin nhắn yêu cầu xác thực về cuộc gọi rác chỉ đạt từ 5-7%, không thể không đề cập đến sự "lơ là" từ phía người dùng.

Song, nguyên nhân nếu được làm rõ hơn, sẽ giúp cho "cuộc chiến" chống cuộc gọi rác được nâng cao và tăng cường hiệu quả hơn rất nhiều so với hiện tại.

Một trong những nguyên nhân mà người viết bài này đã trải nghiệm qua là giải pháp gửi tin nhắn xác thực dạng USSD còn có sự bất tiện. Đồng ý rằng tin nhắn USSD là giao thức có khả năng tương tác tốc độ cao, nhưng khi hiển thị trên màn hình điện thoại yêu cầu người dùng xác thực, không phải cứ thoải mái bấm "yes" hay "no" cho xong việc.

Thứ nhất, số điện thoại bị nghi phát tán cuộc gọi rác được đề cập trong tin nhắn USSD gửi từ nhà mạng yêu cầu người dùng xác thực, không phải ai cũng nhớ, cũng nhận diện một cách chính xác được số điện thoại này đã gây phiền nhiễu như thế nào đối với mình. Một cách khách quan, người dùng cần thao tác tra cứu trong lịch sử cuộc gọi đến trên máy, hay cuộc gọi bị chặn trong "danh sách đen" (black list). Nhưng bất cứ một thao tác nào như thế trên các phím chức năng của điện thoại thì tin nhắn xác thực dạng USSD có thể sẽ biến mất. Và nó cũng không được lưu trên thiết bị của người dùng, chính vì thế người dùng không thể truy xuất trở lại tin nhắn này để tiếp tục gửi xác thực.

Thứ hai, khi tin nhắn USSD có những bất tiện nhất định thì nhà mạng hiện nay cũng chưa có các kênh tiếp nhận thông tin về cuộc gọi rác một cách hữu hiệu để khách hàng thuận tiện trong việc phản ánh, báo cáo. Hãy thử gọi vào tổng đài những nhà mạng lớn tại Việt Nam, sẽ thấy được sự nhiêu khê, phiền hà và mất thời gian như thế nào khi bị chuyển cuộc gọi nhiều lần mới đến được bộ phận tiếp nhận phản ánh cuộc gọi rác. Không quá chút nào khi cho rằng tình trạng cuộc gọi rác hiện vẫn đang tiếp tục hoành hành nhưng tỉ lệ phản ánh, báo cáo thông tin từ người dùng vẫn thấp là có nguyên nhân không nhỏ là do các kênh tiếp nhận thông tin của nhà mạng chưa chuyên nghiệp và thuận tiện.

Thứ ba, trải nghiệm thực tế từ bản thân người viết bài này cho thấy, rất nhiều số điện thoại phát tán cuộc gọi rác dù đã được đưa vào "black list" trên điện thoại đi động, những số điện thoại này cũng đã bị ghi nhận thực hiện cuộc gọi rác nhiều lần trong nhiều ngày, nhưng chưa bao giờ nhà mạng gửi tin nhắn USSD yêu cầu xác thực đối với những số điện thoại này.;

Đại dịch cuộc gọi rác, xin đừng đổ lỗi hay trách nhiệm cho người dùng, vì trách nhiệm người dùng trong vấn đề này rất nhỏ, nói cho đúng hơn chỉ có vai trò hỗ trợ. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về nhà mạng, tiếp đến là các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lí lĩnh vực.

Người dùng là nạn nhân, chứ người dùng không phải là bên để đổ lỗi!

Dạ Thảo

Chủ đề khác