VnReview
Hà Nội

Vì sao cổ phiếu công nghệ phản ứng tích cực với Joe Biden?

Chứng khoán Mỹ đã có 2 phiên liên tiếp tăng mạnh sau khi ứng viên Joe Biden vươn lên nắm lợi thế. Cụ thể, trong 2 phiên kết thúc vào rạng sáng ngày 5 và ngày 6/11 (giờ Hà Nội) sau khi có thông tin ông Biden lội ngược dòng dẫn trước Tổng thống Trump, các chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq đều tăng mạnh.

2 phiên tăng nói lên điều gì?

Phiên tăng thứ nhất ngày 5/11 sau khi bản đồ bầu cử các bang tại Mỹ thể hiện ứng cử viên Joe Biden lội ngược dòng giành lại lợi về số phiếu đại cử tri khi biến sắc đỏ nhạt (ứng cử viên Donald Trump lợi thế) tại các bang Nevada, Wisconsin, Michigan và tiếp sau đó là Georgia, Pennsylvania sang xanh nhạt (ứng viên Joe Biden lợi thế). Kết phiên, chỉ số Dow Jones tăng 1,3%, S&P 500 tăng 2,2%, đặc biệt chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh đến 3,9%.

Tới phiên ngày 6/11, khi ứng cử viên Joe Biden tiếp tục nới rộng cách biệt về lợi thế tỉ lệ phiếu bầu tại các bang chiến địa so với Tổng thống Trump, thị trường chứng khoán Mỹ cũng tiếp tục phản ứng tích cực khi có thêm 1 phiên tăng mạnh. Lần này, Dow Jones và S&P 500 cùng tăng 1,95%, Nasdaq Composite tăng đến 2,59%. Tổng cộng 2 phiên tăng liên tiếp, Dow Jones có thêm 3,25%, S&P 500 tăng 4,15%, còn Nasdaq tăng tới 6,49%.

Nếu chỉ xét trong phạm vi 2 phiên tăng này thôi thì chưa nói lên được điều gì nhiều. Tuy nhiên chí ít, điều này cũng cho thấy thị trường không hẳn phản ứng tiêu cực với ứng cử viên Joe Biden. Bởi trước đó, không ít nhận định trong giới phân tích thị trường chứng khoán Mỹ cho rằng nếu ứng cử viên này đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2020, khả năng thị trường sẽ giảm điểm.

Thêm một dữ kiện nữa để khẳng định rằng 2 phiên tăng với Joe Biden chưa nói lên được gì nhiều. Thứ nhất là, phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc vào rạng sáng ngày 4/11 (giờ Hà Nội) trong thế tương quan Tổng thống Trump đang dẫn ứng cử viên Joe Biden, chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm khá mạnh, là phiên tăng tiếp nối từ đầu tuần. Thứ hai, phiên giao dịch kết thúc sáng ngày 7/11 khi diễn biến bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy ông Donald Trump không chấp nhận thua cuộc và không công nhận Biden đắc cử, chứng khoán Mỹ đã phân hóa với chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 0,24% và 0,03%, trong khi Nasdaq Composite tăng 0,04%.

Nhìn về xa hơn, tháng 11/2016 khi ông Donald Trump; đắc cử tổng thống, chứng khoán Mỹ cũng tăng liền một mạch kéo dài sang tháng 12 năm đó. Còn theo thống kê lịch sử, kể từ năm 2000 trở lại đây, chỉ số S&P 500 có "thói quen" tăng tích cực trong cả tháng 11 và 12 của năm bầu cử tổng thống bất kể ứng cử viên nào thắng cử.

Như vậy ít nhiều cần nhìn vào yếu tố thông lệ. Song yếu tố chính vẫn là phản ứng của thị trường chứng khoán trong đó quan trọng là tâm lí nhà đầu tư, sự phân tích nhìn nhận của giới chuyên gia, doanh nghiệp đối với ứng cử viên có khả năng hơn trở thành tổng thống Mỹ nhiệm kì mới 2021-2024.

Có sự tăng "nổi cộm" của cổ phiếu công nghệ

Trên bình diện chung đúng là 2 phiên tăng kể trên chưa cho thấy gì nhiều. Song một điều có thể thấy rõ qua 2 phiên trên là chỉ số Nasdaq Composite có mức tăng mạnh hơn so với Dow Jones và S&P 500. Nếu tính tổng mức điểm tăng của thị trường chứng khoán Mỹ tuần trước (2-6.11), chỉ số Nasdaq 100 (Top 100 cổ phiếu của doanh nghiệp công nghệ niêm yết trên sàn Nasdaq) tăng đến 9,4%.

Vậy vì sao các cổ phiếu công nghệ lại tăng điểm một cách đầy "phấn chấn" trước tin Joe Biden đang chiếm lợi thế?

Có rất nhiều thông tin được dẫn giải trên các phương tiện truyền thông Mỹ cho thấy mối quan hệ/liên hệ có tính tích cực giữa các đại gia công nghệ với ứng viên Joe Biden nói riêng và Đảng Dân chủ nói chung.

Thứ nhất là trong việc gây quĩ tranh cử, các tỉ phú công nghệ Mỹ lại chính là những người quyên góp cho ông Biden nhiều hơn so với Tổng thống Trump. Và dĩ nhiên là, các vị tỉ phú này rất muốn đánh bại ứng cử viên Donald Trump.

Bởi việc Biden đắc cử thổng thống Mỹ với đối sách được cho rằng sẽ xử lí mềm mại và bớt gay gắt, cực đoan hơn trong thương chiến với Trung Quốc sẽ giúp cho các đại gia công nghệ Mỹ không đến mức phải xin giấy phép một cách quá khó khăn để được tiếp tục bán các loại linh kiện công nghệ cao cho Huawei, ZTE và những công ty Trung Quốc khác. Qua đó, những "ông lớn" công gnhệ Mỹ giảm thiểu được khó khăn bị sụt giảm doanh thu và lợi nhuận như hiện nay với chính sách của Trump.

Thứ hai, các mạng xã hội Mỹ như Facebook, Twitter đã không ít lần chặn các post và gắn cảnh báo đối với các tweet của Trump, dẫn đến mối thù hằn mang tính riêng tư của Trump đối với các "ông lớn" này, chính từ đó vị tổng thống Mỹ mới kí ban hành sắc lệnh tước quyền miễn trừ pháp lý đối với các mạng xã hội theo Điều 230 của Đạo luật truyền thông đúng đắn (Communications Decency Act).

Thứ ba, trong nhiệm kì hiện nay của mình, Tổng thống Trump đã không ít lần "gây hấn" với rất nhiều "ông lớn" công nghệ và truyền thông của Mỹ, từ các hãng tin, tờ báo lớn và đài truyền hình hàng đầu đến các mạng xã hội, công ty công nghệ.v.v… Trump đã gây hấn từ việc ra các quyết định hạn chế visa lao động đối với các nhân lực thuê từ nước ngoài đến làm việc trong các công ty công nghệ tại Mỹ, đến việc đánh thuế cao lên những sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Mỹ sản xuất ở nước ngoài bị vạ trong thương chiến Mỹ - Trung…

Trên thực tế, Biden một khi lên làm tổng thống Mỹ về dài hạn chưa chắc đã để cho các "ông lớn" công nghệ Mỹ dễ thở. Nhưng chí ít, sự thay đổi người làm tổng thống nếu xảy ra cũng giúp phản ứng tâm lí ngay lúc đó của các doanh nghiệp thị trường chứng khoán được giải tỏa, một cách thể hiện rõ ràng và dễ định lượng nhất là điểm số trên thị trường chứng khoán.

Dạ Thảo

Chủ đề khác