VnReview
Hà Nội

1 triệu thuê bao và đằng sau câu chuyện nộp thuế của Netflix, Apple TV…

Ngày 10/11/2020, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội đã cho biết, hai nền tảng xuyên biên giới Netflix và Apple TV hiện có khoảng 1 triệu thuê bao tại thị trường Việt Nam, với doanh thu gần 1.000 tỉ đồng.

1.;Còn nhớ khoảng 3 năm về trước, con số về thuê bao Netflix tại Việt Nam thường được đề cập đến chỉ hơn 300.000. Hơn 3 năm sau, Netflix đã đạt mức tăng trưởng thuê bao phi mã. Chưa có sự phân tách lượng thuê bao của riêng Netflix và Apple TV tại Việt Nam là bao nhiêu trong tổng số 1 triệu thuê bao đề cập ở trên, nhưng chắc chắn là Netflix chiếm phần lớn, cả về doanh thu.

Thị trường Việt Nam hiện có khoảng 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, với 14 triệu thuê bao gồm các loại truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet… Nếu tính bình quân, cứ mỗi doanh nghiệp có 400.000 thuê bao.

Như vậy xét về tỉ lệ, 2 "ông lớn" truyền hình trực tuyến xuyên biên giới dù cung cấp dịch vụ vào thị trường Việt Nam muộn hơn rất nhiều nhưng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với mức bình quân khoảng 500.000 thuê bao trên mỗi nền tảng.  Còn nếu tính riêng Netflix, có thể "ông lớn" này đã vượt qua không ít doanh nghiệp truyền hình trả tiền tại Việt Nam về lượng thuê bao và doanh thu. Thậm chí, Netflix hoàn toàn có khả năng đã lọt vào Top 5 hoặc Top 3 về thuê bao và doanh thu tại thị trường Việt Nam.

Cho tới thời điểm hiện tại, lợi thế lớn nhất của Netflix hay Apple TV chính là mạng lưới toàn cầu và nguồn lực toàn cầu song đối tác thì trải rộng đến các quốc gia, giúp cho họ xây dựng được lợi thế lớn nhất là kho phim khổng lồ, thường xuyên được cập nhật mới. Nguồn ngân sách để họ thực hiện sản xuất nội dung, chương trình cũng khổng lồ nếu trích theo đầu thuê bao hay tỉ lệ doanh thu.

Mới chỉ xét về mặt nguồn lực thôi họ đã có thể "đè bẹp" các nhà cung cấp dịch vụ trong nước hiện nay.

Một thông tin từng được lãnh đạo của một mạng truyền hình cáp tại Việt Nam chia sẻ: chi phí mua bản quyền chương trình thể thao và chương trình nước ngoài đã chiếm tới 80% chi phí sản xuất chương trình. Khoản tiêu tốn này khiến các nhà đài còn rất ít ngân sách để sản xuất chương trình ở trong nước. Chi phí này cũng bào mòn dần lợi nhuận.

Nhưng vấn đề đáng nói nữa là, ngoài khoản chi phí lớn để sản xuất chương trình, nội dung, nhà đài truyền hình trả tiền Việt Nam còn phải chịu rất nhiều chi phí khác, như trả lương, bảo hiểm cho bộ máy nhân sự; đóng các loại thuế cho nhà nước; và đương nhiên là còn phải tuân thủ các qui định về kiểm soát nội dung theo qui định của pháp luật.

2. Bán dịch vụ truyền hình trực tuyến xuyên biên giới nhưng lại không khó để đạt doanh thu gần 1.000 tỉ đồng từ thị trường Việt Nam, Netflix và Apple TV đang khiến cho các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước phải thèm khát và ganh tị.

Thèm khát con số doanh thu ngàn tỉ vì số doanh nghiệp truyền hình trả tiền Việt Nam có thể đạt được mức doanh thu như thế chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay dù đã cung cấp dịch vụ ra thị trường trước Netflix và Apple TV nhiều năm.

Còn ganh tị là vì, Netflix và Apple thoải mái cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, nhưng hiện nay không phải chịu bất cứ gánh nặng hay nghĩa vụ nào trong số những thứ doanh nghiệp truyền hình trả tiền Việt nam phải gánh chịu, như chi phí cho bộ máy nhân sự tại Việt Nam, đóng các loại thuế, sự kiểm soát về nội dung…

Theo qui định, những nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam như Netflix, Apple TV phải đóng thuế nhà thầu 10% từ doanh thu của mình. Tuy nhiên ngay cả khoản thuế này hiện nay họ cũng chưa thực hiện.

Nói như CEO của một nhà đài truyền hình trong nước, rằng các nền tảng như Netflix, Apple TV đang cung cấp dịch vụ vào thị trường Việt Nam, với doanh thu khủng cả ngàn tỉ đồng nhưng lại được hưởng "3 không", là không tốn chi phí bộ máy nhân sự tại Việt Nam; không nộp các loại thuế tại Việt Nam; và không bị quản lí, kiểm soát nội dung tại Việt Nam.

Ngược lại, các nhà đài trong nước thì "trên đe dưới búa", trong đó chỉ thuần yếu tố áp lực cạnh tranh với nhau cũng đã đủ khiến lao đao. Đó là những áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện nay. Song không dừng lại, gánh nặng đó còn nhân lên gấp bội khi lại phải đấu với những "ông lớn" từ nước ngoài vào mà không bị bất cứ sự cương tỏa nào.

Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền tại Việt Nam doanh thu đã ít, lợi nhuận còn bị bào mòn có khả năng âm vào vốn.

Chính vì thế, vài doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong tốp đầu tại Việt Nam, nếu có lãi thì biên lợi nhuận cũng rất thấp, chỉ đạt vài phần trăm (%) trên tổng doanh thu.

Đơn cử, VTVCab – một trong những doanh nghiệp truyền hình trả tiền lớn nhất tại Việt Nam - tại thời điểm đưa cổ phiếu lên sàn UpCom ngày 6/9/2019, có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm này đạt 1.073 tỉ đồng, và lợi nhuận chỉ đạt 14,4 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ chưa tới 1,5% trên doanh thu.

Như vậy, vấn đề thất thu thuế từ Netflix, Apple TV còn dẫn đến một hệ lụy lớn hơn và có tính sống còn hơn đối với doanh nghiệp Việt, là hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, lợi nhuận giảm cũng kéo theo việc nộp thuế cho ngân sách cũng giảm, chất lượng thu nhập của người lao động cũng giảm sút theo.

Dạ Thảo

Chủ đề khác