VnReview
Hà Nội

Smartphone giá rẻ: Cơ hội cho ai?

Tuần trước sau khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội đề cập đến chương trình phổ cập smartphone giá rẻ đến người dân, nhà mạng Viettel đã công bố mẫu smartphone giá rẻ đầu tiên, bán ra với mức giá chỉ 600.000 đồng.

Điện thoại giá ưu đãi "made in Vietnam"

Mẫu smartphone giá rẻ Vsmart Bee Lite, được Viettel bán theo phương thức trợ giá còn 600.000 đồng, trên thực tế có mức giá gốc là 1.490.000 đồng.

Cách đây cũng chưa quá lâu, Viettel đã hợp tác với BKAV sản xuất mẫu điện thoại C85 được gọi là smart-featurephone (điện thoại tính năng cơ bản thông minh) có mức giá bán 500.000 đồng nhưng được trang bị công nghệ 4G, có thể lướt web, đọc báo, xem YouTube, check email… Khi đó BKAV cho biết, cả hai phía nhà sản xuất và nhà mạng đều có sự hỗ trợ để có được mức giá rẻ cho người dân. Tuy nhiên, sự trợ giá từ nhà mạng vẫn là chính, vì sau đó nhà mạng còn có được nguồn thu từ việc người dùng sử dụng gói dịch vụ theo điều kiện khi mua điện thoại giá ưu đãi.;

Trên thực tế, phương thức bán điện thoại trợ giá không phải là mới, mà đã được nhiều nước triển khai cho đến tận thời điểm hiện nay.

Thậm chí tại Việt Nam, hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone cũng từng triển khai chương trình trợ giá bán iPhone và các dòng Samsung Galaxy S và Note từ nhiều năm trước. Khách hàng muốn được mua sản phẩm với mức giá ưu đãi thì phải cam kết sử dụng dịch vụ của nhà mạng từ 12-24 tháng cùng với hạn mức cước sử dụng tối thiểu mỗi tháng.

Thế nhưng, các chương trình bán điện thoại trợ giá trước đây có sự khác biệt so với chương trình smartphone giá rẻ phổ cập cho người dân hiện nay. Trước hết, thiết bị đầu cuối được trợ giá trước đây là sản phẩm nhập khẩu, của doanh nghiệp nước ngoài (những thế hệ Samsung Galaxy S và Note trong chương trình trợ giá của MobiFone thời điểm đó chưa được sản xuất tại Việt Nam), và chương trình trợ giá thuần túy là hoạt động kinh doanh của các nhà mạng, hoặc là nhằm mục đích tri ân khách hàng.

Còn chương trình đang được Viettel triển khai hiện nay (sắp tới thêm một số nhà mạng nữa tham gia), với nguồn thiết bị đầu cuối được sản xuất trong nước, có sự bắt tay giữa các doanh nghiệp trong nước mà cụ thể là giữa nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị. Hơn nữa, đây là chương trình vì mục tiêu chính trị - xã hội hơn là kinh doanh thuần túy.

Chương trình smartphone giá rẻ lần này cho thấy sự lớn mạnh của các nhà sản xuất thiết bị gốc tại Việt Nam, cụ thể là ngành sản xuất điện thoại di động, đồng thời cũng làm chủ được một số công nghệ và qui trình sản xuất, lắp ráp, giúp cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước có thể mang lại nguồn smartphone giá rẻ một cách tối ưu nhất cho người dùng Việt Nam.

Nói như thế không có nghĩa là không đón nhận sự chung tay góp sức tham gia của các thương hiệu smartphone nước ngoài. Bởi mục tiêu chung là phổ cập smartphone đến người dân, với mức giá rẻ, thúc đẩy người dân sử dụng các công nghệ 4G, 5G để hưởng thụ các tiện ích số trong bối cảnh chính phủ số và nền kinh tế số, xã hội số đang dần hình thành.

Chuyển sang dùng smartphone chính là chuyển đổi số

Trước hết cần khẳng định một điều rằng, khái niệm "điện thoại giá rẻ", "smartphone giá rẻ" ở đây chính là "giá bán ưu đãi" xuất phát từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, cũng là một cách thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chứ không đồng nghĩa với khái niệm giá rẻ là "tiền nào của nấy".

Theo lộ trình, việc tắt sóng viễn thông 2G tại Việt Nam sẽ được bắt đầu triển khai từ quí I/2022. Đến thời điểm đó, nhiều dòng "điện thoại cục gạch" chỉ tương thích được với sóng 2G như hiện nay chắc chắc sẽ… trở thành cục gạch thực sự.

Còn theo mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam sẽ phổ cập smartphone vào năm 2025. Đây là cột mốc hoàn toàn có thể khả thi nếu có nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối và nhà mạng chung tay góp sức. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, cũng không thể cứ kêu gọi suông, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình phổ cập smartphone đến người dân mà thiết thực nhất là chính sách thuế, hay nguồn kinh phí để nghiên cứu và triển khai (R&D).

Trong một quốc gia chuyển đổi số và một xã hội số, người dân không thể cứ tiếp tục sử dụng những chiếc "điện thoại cục gạch". Thậm chí, smartphone giá rẻ với cấu hình và tính năng đủ đáp ứng cho những nhu cầu sử dụng các tiện ích số ở mức cơ bản cũng chỉ là bước đầu.

Một quốc gia chuyển đổi số và xã hội số không thể tách rời với việc người dân sử dụng smartphone. Người dân sử dụng smartphone là yếu tố mang tính điều kiện tiên quyết để "nâng cấp" mình trở thành những "công dân số" (e-Citizen), và những "công dân số" chính là những hạt nhân của xã hội số, quốc gia số.

Trong một lần trao đổi với tôi, đại diện một thương hiệu smartphone nước ngoài tại Việt Nam cho biết, dù mảng kinh doanh smartphone của họ liên tục thua lỗ nhưng họ vẫn cố tái cơ cấu, củng cố để duy trì. Lí do chính họ không muốn buông bỏ mảng smartphone là vì, smartphone chính là trung tâm kết nối, điều khiển trong hệ sinh thái các sản phẩm IoT (Internet of Things) của hãng. Không còn smartphone, họ rất khó để tìm ra một loại thiết bị đảm nhận được vai trò tương tự trong hệ sinh thái IoT của mình.

Đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, smartphone giá rẻ phổ cập cho người dân chính là con đường chào đón bước vào nền sản xuất "Make in Vietnam".

Dạ Thảo

Chủ đề khác