VnReview
Hà Nội

Vụ Grab bike tắt app đình công: mổ xẻ cách tính phí mới của Grab

Cách tính phí mới của Grab sẽ khiến thu nhập tổng của tài xế giảm đi, số tiền Grab nhận được từ mỗi cuốc xe cũng giảm đi nhưng rất ít và số tiền thuế VAT sẽ tăng lên khá nhiều.

Hàng trăm tài xế Grab tắt ứng dụng, ùn kéo đến trụ sở công ty phản đối tăng cước

Thuế giá trị gia tăng (VAT) là một loại thuế được đánh vào người tiêu dùng cuối, tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông cho đến khi tới tay người dùng. Đơn vị nộp cho cơ quan thu là các doanh nghiệp nhưng họ chỉ thay thế cho người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Điều này có nghĩa người tiêu dùng mới là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Từ ngày 5/12, Grab cho biết tiến hành khai thuế trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (10%) cho toàn bộ cuốc xe, trước khi phân chia doanh thu. Theo Grab, việc tăng thuế VAT từ 3 - 10% là thực hiện nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020. Đồng thời, họ cũng tiến hành tăng giá dịch vụ với mục đích được công bố là 'mong muốn đảm bảo thu nhập cho đối tác GrabCar sau khi NĐ 126 đi vào hiệu lực'.

Thu nhập trên mỗi km của tài xế tăng

Nhiều tài xế Grab không đồng tình với quyết định của hãng gọi xe công nghệ này nên đã tập trung lại để phản đối. Họ cho rằng chính sách mới sẽ khiến thu nhập của mình bị giảm nặng. Vậy sự thực ra sao?

Để làm rõ điều này, chúng tôi thử thực hiện tính toán mức thu nhập của một tài xế Grabbike trên mỗi km vận chuyển ở thời điểm trước và sau thời điểm 5/12.

Trước ngày 5/12, theo công bố của Grab, doanh thu của tài xế sẽ được tính là 80% doanh thu cuốc xe (DTCS). Sau đó, nếu thu nhập của tài xế nhỏ hơn hoặc bằng 100 triệu đồng/năm sẽ không chịu thêm bất kỳ loại thế nào. Nếu doanh thu của tài xế lớn hơn 100 triệu đồng/năm thì sẽ phải chịu thêm 3% thuế VAT (3% DTCS) và 1,5% thuế TNCN (1,5% DTCS). Với giá của loại hình Grabbike được niêm yết là 3.500 đồng/km thì với mỗi km, tài xế Grab sẽ nhận được số tiền như sau:

- Với người có doanh thu chịu thuế cả năm trên 100 triệu đồng: 3.500 - 3.500 x 20% - 2.800 x 3% - 2.716 x 1,5% = 2.675 đồng (số đã làm tròn). Trong đó, Grab nhận được 20% của DTCS trên mỗi km này tức là có 700 đồng, tài xế nhận 2.674 đồng trên mỗi km mình lái. Cơ quan thu thuế nhận 3% của DTCS trên mỗi km tức 105 đồng tiền thuế VAT và 40,74 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân. Trong số tiền VAT mà cơ quan thu thuế nhận, 80% là trích từ số tiền của tài xế nhận được (2.800 đồng), 20% trích từ số tiền Grab nhận được (700 đồng).

- Với người có doanh thu chịu thuế cả năm dưới 100 triệu đồng: 3.500 - 3.500 x 20% = 2.800 đồng. Trong đó, tài xế nhận 2.800 đồng, Grab nhận 700 đồng.

Từ ngày 5/12, Grab áp dụng cách tính thuế mới kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10% hoặc theo hướng dẫn khác của cơ quan thuế tùy thời điểm) cho toàn bộ cuốc xe vận tải trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho Đối tác với tỷ lệ không đổi (80%). Như vậy, khác với trước đây, thuế VAT được Grab áp dụng sẽ tính trên doanh thu hợp tác chứ không phải doanh thu cuốc xe nữa. Đồng thời, hãng đặt xe công nghệ này cũng tăng phí trên mỗi km dịch vụ Grabbike từ 3.500 lên 4.000 đồng.

Như vậy, với mỗi km, phí dịch vụ là 4.000 đồng thì trong đó đã có 10% thuế VAT, tức giá trước thuế là 3.636,3 đồng. Với mức giá trước thuế này, tài xế sẽ mất đi thêm 20% tiền cho Grab nữa, tức 727,2 đồng. Như vậy, chưa tính tiền thuế thu nhập cá nhân thì mỗi km lái xe, tài xế Grabbike sẽ nhận được 4.000 - 3.636,3 x 10% - 727,2 = 2.909,1 đồng (số đã làm tròn).

- Với tài xế có doanh thu chịu thuế trên 100 triệu đồng sẽ mất thêm 1,5% tiền thuế thu nhập cá nhân tức mất thêm 2.909,1 x 1,5% = 44 đồng. Tức tài xế sẽ nhận được khoảng 2.909 - 44 = 2.865 đồng.

- Với tài xế có doanh thu chịu thuế dưới 100 triệu đồng sẽ không mất 1,5% tiền thuế thu nhập cá nhân tức trên mỗi km vẫn nhận được 2.909,1 đồng.

Với cách tính mới của Grab, tài xế Grabbike sẽ nhận được số tiền trên mỗi km cao hơn trước đây dù doanh thu chịu thuế trên hay dưới 100 triệu đồng. Sự khác biệt này đến từ việc Grab đã tăng giá trên mỗi km để bù vào phần nộp thuế tăng lên.

Nhưng thu nhập tổng của tài xế giảm. Vì sao?

Về cơ bản, cách tính thuế của Grab áp dụng khác với trước đây. Trước 5/12, họ tính thuế dựa trên doanh thu cuốc xe, tức chuyến đi của khách hết bao nhiêu tiền thì trích 3% để nộp thuế, tài xế chịu 80% của 3% đó, Grab chịu 20% của 3% đó. Sau ngày 5/12, Grab tính phí chuyến đi trước, sau đó mới cộng thêm 10% thuế để ra tổng số tiền khách phải trả. Với cách tính này thì về cơ bản cả Grab và tài xế không liên quan gì đến thuế VAT, Grab sẽ chỉ thu loại thuế này để nộp lại. Hiểu đơn giản nhất thì với cách tính mới của Grab, khách hàng sẽ là người vừa phải chịu tăng giá, vừa phải chịu tăng thuế.

Ví dụ, trước ngày 5/12, với quãng đường di chuyển 5km, thời gian di chuyển là 40 phút, 3 km sau di chuyển hết 30 phút thì người dùng sẽ mất 12.000 cho 2km đầu + 3.500 x 3 + 350 x 30 (thời gian di chuyển cho 3km sau) = 33.000 đồng. Trong đó, Grab lấy 6.600 đồng trong số tiền này. Tài xế sẽ nhận được 33.000 - 33.000 x 20% - 26.400 x 3% = 25.608 đồng (số tiền này chưa tính thuế thu nhập cá nhân). Ở đây, Grab sẽ nhận được 6.600 đồng trước thuế và 6.402 đồng sau thuế. Tiền thuế VAT phải đóng cho chuyến đi này là 33.000 x 3%= 990 đồng.

Sau ngày 5/12, với quãng đường và thời gian di chuyển như trên, người dùng sẽ mất 12.000 cho 2km đầu + 4.000 x 3 + 350 x 30 (thời gian di chuyển cho 3km sau) = 34.500 đồng. Số tiền này thực tế phí di chuyển là khoảng 31.363 đồng (đã làm tròn) còn 3.137 đồng là thuế VAT. Với số tiền thực tế của chuyến đi, Grab sẽ lấy 6.272,6 đồng còn tài xế sẽ nhận 25.090,4 đồng (chưa tính thuế thu nhập cá nhân). Số tiền 6.272,6 đồng và 25.090,4 đồng này không liên quan gì đến thuế VAT nữa.

Như vậy, dù Grab tăng giá để bù lại số tiền tăng thuế thì tài xế vẫn sẽ mất đi một khoản tiền so với trước đây. Điều này là do họ còn có phí di chuyển theo thời gian 12.000 đồng cho 2km đầu tiên và 350 đồng mỗi phút di chuyển sau 2km đầu. Số tiền này quy ra 10% là khá lớn.

Theo tính toán, trước ngày 5/12, một tài xế lái được 500.000 đồng mỗi ngày thì sẽ trích 100.000 đồng cho Grab, 12.000 đồng tiền thuế, 5.820 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân và thu về được 382.180 đồng. Trong khi đó, sau ngày 5/12 một tài xế chạy được 500.000 đồng mỗi ngày thì thực tế giá trị chuyến đi là 454.500 đồng (số đã làm tròn) và thuế VAT là khoảng 45.500 đồng. Grab sẽ lấy khoảng 90.900 đồng, thuế thu nhập cá nhân là 5.454 đồng. Số tiền còn lại của tài xế là khoảng hơn 358.000 đồng (số đã làm tròn). Các con số tính toán trên chỉ là tương đối vì thực tế quãng đường di chuyển của tài xế còn phụ thuộc vào thời gian di chuyển.

Từ những số liệu trên, có thể thấy với cách tính mới của Grab thì thu nhập của tài xế Grabbike sẽ giảm so với trước đây, nhưng số tiền Grab bỏ túi cũng không lớn hơn trước đây. Thực tế, mức cước phí 4.000 đồng/km mà Grabbike mới áp dụng là thấp hơn so với các ứng dụng đặt xe khác. Tuy nhiên, đơn vị này tính thêm cả 350 đồng tiền phí cho mỗi phút di chuyển (các hãng khác không có) của tài xế kéo theo tổng số tiền của chuyến đi là cao hơn các hãng khác. Điều này khiến tiền thuế phải nộp cho mỗi chuyến đi là cao hơn và nó khiến dù đã tăng giá vận chuyển thì số tiền tài xế nhận về thực tế là thấp hơn trước.

T.T

Chủ đề khác