VnReview
Hà Nội

Đại dịch cuộc gọi rác và thế trận “quét rác” tà tà…

Tháng 11/2020, tổng số thuê bao phát tán cuộc gọi rác quấy nhiễu người dùng di động bị ngăn chặn là 20.235 thuê bao. Con số này có nhiều hay không, chắc không khó để đưa ra nhận định.

Ít, thậm chí quá ít!

Con số thống kê trên được Cục Viễn thông thuộc Bộ thông tin và Truyền thông công bố trên website. Cũng theo Cục Viễn thông, tính từ tháng 7 đến tháng 11/2020, tổng số thuê bao phát tán cuộc gọi rác quấy nhiễu người tiêu dùng là 72.359 thuê bao.

Nếu tính trên tổng số thuê bao di động của Việt Nam tại thời điểm tháng 6/2020 là khoảng 126,5 triệu, thì tỉ lệ thuê bao phát tán cuộc gọi rác đã bị ngăn chặn trong suốt 5 tháng qua chỉ chiếm vỏn vẹn 0,000572%. Một tỉ lệ … "như hạt cát trên sa mạc"!

Tất nhiên, không phải bất cứ thuê bao nào thực hiện các cuộc gọi quảng cáo và bán hàng (telesale) cũng sẽ bị nhà mạng xử lí ngay lập tức, mà còn phụ thuộc vào nhiều tiêu chí vi phạm, tần suất vi phạm của các thuê bao này. Song cho dù thế, với 72.359 thuê bao bị ngăn chặn, tức bình quân mỗi tháng trong 5 tháng qua có khoảng 14.470 thuê bao phát tán cuộc gọi rác quấy nhiễu người dùng bị ngăn chặn, rất dễ khiến người ta nhầm tưởng rằng tình trạng cuộc gọi rác quấy nhiễu tại thị trường Việt Nam là cực thấp, là ít xảy ra.

Trong khi trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Đơn cử, trong tháng 11/2020, tổng cộng có khoảng 3,7 triệu cuộc gọi giả mạo, lừa đảo bị ngăn chặn, vậy có thể nói ngay rằng tổng số cuộc gọi rác trên thực tế phải lớn hơn con số trên hàng chục, thậm chí cả trăm lần.

Nhưng vấn đề là, rất nhiều cuộc gọi telesale quấy nhiễu người dùng di động có được các nhà mạng phân loại là cuộc gọi rác hay không. Mỗi ngày, mỗi nhà mạng phát sinh hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu cuộc gọi, chính vì thế nhà mạng công bố sao thì dư luận biết vậy chứ rất khó có đủ các điều kiện để giám sát, kiểm tra.

Trên thực tế, rất nhiều thuê bao thực hiện cuộc gọi telesale bị người dùng xếp vào cuộc gọi rác thì lại không được nhà mạng xem là như thế. Điều này không khó để chứng minh, cụ thể là có rất rất nhiều thuê bao di động mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng nhận rất nhiều cuộc gọi rác nhưng không hề nhận được tin nhắn của nhà mạng gửi để xác thực đó có phải là thuê bao phát tán cuộc gọi rác hay không.

Người dùng dường như năm thì mười họa mới nhận được những tin nhắn USSD xác thực từ nhà mạng. Còn ngoài ra, người dùng chẳng có cách nào khác để báo cáo, thông báo các số thuê bao phát tán cuộc gọi rác gây phiền nhiễu đến họ cho nhà mạng. Thậm chí, người dùng đã chủ động đăng kí vào danh sách không nhận cuộc gọi telesale (DoNotCall) được Cục An toàn thông tin thiết lập nhưng vẫn bị cuộc gọi rác "dội bom" như thường.

"Quét rác" tà tà…

Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1.10.2020. Sau khi nghị định được ban hành với mức chế tài nặng hơn trước, tình trạng cuộc gọi rác tạm lắng một thời gian. Nhưng sau đó, đâu lại vào đấy, vẫn là những cuộc gọi quảng cáo, mời mọc mua nhà đất, căn hộ nghỉ dưỡng, dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, suất nghỉ dưỡng, suất học tiếng Anh.v.v…

Câu hỏi là vì sao chế tài tăng nặng đã có, biện pháp kĩ thuật cũng được công bố, nhưng tình trạng cuộc gọi rác không thuyên giảm là bao?

Câu hỏi là vì sao, nhiều người dùng di động đã đăng kí vào danh sách DoNotCall nhưng vẫn bị "dội bom" tin nhắn rác và cuộc gọi rác?

Danh sách DoNotCall do Cục An toàn thông tin quản lí và vận hành. Để tiến hành ngăn chặn triệt để các cuộc gọi telesale "dội bom" số thuê bao đã đăng kí danh sách DoNotCall cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực và tuân thủ nghiêm qui định từ phía nhà mạng. Vậy nguyên nhân do đâu chắc chắn hai bên này hiểu rõ hơn ai hết.

Như đề cập ở trên, tổng số thuê bao phát tán cuộc gọi rác quấy nhiễu người dùng bị ngăn chặn trong tháng 11/2020 là 20.235 thuê bao, phân tích chi tiết có thể cho thấy nhiều vấn đề của nhà mạng.

Trong 20.235 thuê bao bị ngăn chặn do vi phạm, Viettel ngăn chặn 9.975 thuê bao tương ứng 49%; VNPT ngăn chặn 7.562 thuê bao tương ứng 37%; MobiFone ngăn chặn 1.189 thuê bao tương ứng khoảng 6%; I Telecom ngăn chặn 1.362 thuê bao tương ứng khoảng 7%... Khó có thể nói rằng vì thuê bao của MobiFone ít xả ra cuộc gọi rác hơn thuê bao của VinaPhone (VNPT) nếu tính trên đầu từng số thuê bao, và tương tự là thuê bao VinaPhone xả ra ít cuộc gọi rác hơn thuê bao Viettel.

Tỉ lệ ngăn chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác quấy nhiễu người dùng, trường hợp cách biệt quá lớn giữa MobiFone với VinaPhone và Viettel, rất khó thuyết phục được dư luận và để dư luận chấp nhận.

Và cũng khó có thể chấp nhận được con số là bình quân mỗi tháng trong 5 tháng qua chỉ có khoảng 14.470 thuê bao di động phát tán các cuộc gọi rác quấy nhiễu hàng triệu người dùng.

Có một điều không khó để hiểu ra, nếu càng chống tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác một cách triệt để thì càng ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận của các nhà mạng trong bối cảnh thị trường thông tin di động đã bão hòa, nhà mạng đã bị mất rất nhiều doanh thu do thị trường dịch vụ thoại và tin nhắn miễn phí trên các ứng dụng OTT ngày nay quá tiện lợi.

Vậy thì có thể hiểu, một phần hay nhiều phần nguồn cơn của tình trạng "quét rác" tà tà và cũng bảo vệ người dùng cũng tà tà là do đâu.

Dạ Thảo

Chủ đề khác