VnReview
Hà Nội

Hệ thống của sàn HoSE và “ngưỡng kháng cự” 14.000 tỉ

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (21-25/12/2020) "nổi sóng" không chỉ vì các phiên tăng - giảm mạnh đầy kịch tính với dòng tiền giao dịch ào ạt bình quân lên đến 14.195 tỉ đồng/phiên trên sàn HoSE. Thị trường nổi sóng còn vì, trong tổng số 5 phiên giao dịch của tuần thì có đến 3 phiên hệ thống giao dịch gặp trục trặc.

Hệ thống là hệ thống nào?

Nếu tính cả phiên giao dịch ngày 17/12 cũng xảy ra trục trặc, mà các nhà đầu tư, nhân viên môi giới chứng khoán gọi là "lag", thì có đến 4/6 phiên giao dịch gần đây hệ thống gặp vấn đề.

Vấn đề đó được các công ty chứng khoán và nhân viên của họ, cùng với hàng ngàn nhà đầu tư than phiền là, hệ thống giao dịch điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) khó đặt lệnh, đặt rồi lại khó được nhận lệnh, lệnh khớp rồi trả kết quả về chậm.

Ngoài ra, phiên sáng ngày 24/12, bảng điện tử tại các công ty chứng khoán kết nối với HoSE xảy ra tình trạng "rối tung rối mù" khi có thời điểm thì "bất động" và có lúc giá khớp hiển thị trên bảng điểm với giá khớp hiện ra trong cửa sổ đặt lệnh lại lệch nhau.

Một cách nôm na, nhà đầu tư và các công ty chứng khoán nơi trực tiếp phục vụ khách hàng, cho rằng sàn HoSE "bị lỗi". Nhưng lãnh đạo HoSE, trong ngày 23/12 lại giải thích rằng, hệ thống vẫn hoạt động bình thường và ổn định, không ghi nhận xảy ra lỗi. Tuy nhiên, phía HoSE cũng "thòng" theo một khả năng, rằng trong những phiên gần đây lượng lệnh giao dịch từ 20 công ty chứng khoán hàng đầu kết nối với HoSE tăng mạnh từ 3-12 lần, có thể gây ra tình trạng nghẽn, chậm, và tình trạng này phía HoSE khó có thể kiểm soát được.

Cuối cùng, vấn đề bị hàng ngàn nhà đầu tư than phiền vì đã lấy đi hàng ngàn cơ hội của họ, mà cơ hội đó có thể ước lượng ra thành tiền, chẳng thấy ai chịu trách nhiệm. Hệ thống giao dịch điện tử của thị trường chứng khoán xảy ra lỗi, dù chỉ là ở mức nghẽn đường dẫn, nhưng do hệ thống nào, của đơn vị nào, thì lại không được chỉ rõ ra để chịu trách nhiệm.

Chỉ có nhà đầu tư là phải chịu thiệt. Bởi có tiền cũng chẳng mua được cổ phiếu trên sàn, hoặc có cổ phiếu trong tài khoản cũng chẳng thể nào bán ra được.

Chỉ có nhà đầu tư là phải "giơ đầu chịu báng" vì cái tiếng "tham lam" xuống tiền quá nhiều và đặt số lệnh quá lớn gây quá tải hệ thống, tắc nghẽn đường dẫn đến HoSE.

Lỗi ở con người hay công nghệ?

Hệ thống giao dịch điện tử bị quá tải hay yếu kém chính là cái lõi công nghệ đã lạc hậu, không thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại.;

Không cần đến mức hệ thống gặp vấn đề trong tiến trình chuyển từ khớp lệnh định kì sang khớp lệnh liên tục mới gọi là lỗi. Cũng không nhất thiết khi phiên ATC trên HoSE không thể kết thúc, bảng điện tử bị treo, mới gọi là lỗi...

Nói đúng hơn, tình trạng đề cập ở trên là những lỗi đã quá nặng. Còn việc hệ thống của HoSE bị "lag", khách quan mà nói cũng được xem là lỗi nhưng nhẹ hơn. Nhưng không có nghĩa, lỗi này không gây ra những hệ lụy bất lợi cho nhà đầu tư.

Nếu không xem đó là lỗi, tại sao phiên chiều ngày 24/12 sau một phiên sáng hệ thống giao dịch bị gặp trục trặc nặng hơn các phiên trước, HoSE lại chặn lệnh giao dịch từ các công ty chứng khoán nhằm bóp thanh khoản?

Trong 4 phiên (17/12 và 22-24/12) xảy ra tình trạng bị "lag" thì cả 4 phiên đều có mức thanh khoản đạt kỉ lục trên 14.000 tỉ đồng. Việc bóp thanh khoản trong phiên chiều ngày 24/12 có thể hiểu là giải pháp tình thế nhằm giảm tải cho hệ thống, tránh cho hệ thống vì tình trạng quá tải mà dẫn đến những hậu quả khó lường hơn.

Tất nhiên, đổ lỗi do hệ thống công nghệ, do tình trạng quá tải gây ra, có lẽ là "an toàn" nhất cho con người - những người điều hành, quản lí HoSE. Cách này giúp họ tránh được búa rìu dư luận cũng như về mặt trách nhiệm nếu có cơ may diễn ra sự kiểm điểm một cách nghiêm túc và trung thực đến mức có thể.

Song hệ thống công nghệ cũng do con người đầu tư trang bị, lắp đặt và vận hành, quản lí chứ còn do ai ngoài HoSE?

Khi hệ thống của HoSE gặp vấn đề về "ngưỡng kháng cự" 14.000 tỉ đồng mỗi phiên, không hẳn cứ phải bắt ai đó tại HoSE đứng ra chịu trách nhiệm để làm yên dư luận. Bởi cách xử lí như thế sẽ không thực sự ổn định được thị trường nếu các phiên giao dịch sau đó có thể tiếp tục xảy ra lỗi khi thanh khoản tiếp tục tăng cao ở mức từ 14.000 tỉ đồng trở lên.

Điều cần làm hơn là tìm giải pháp giải quyết vấn đề. Trước hết, đó là giải quyết, xử lí yếu tố về kĩ thuật công nghệ cấp thời thay vì lạm dụng giải pháp tình thế bóp thanh khoản bằng cách chặn lệnh giao dịch.

Hơn bất cứ thị trường nào hết, thị trường chứng khoán cần độ minh bạch, công khai cao. Việc âm thầm bóp thanh khoản và chặn giao dịch sẽ làm méo mó nhu cầu giao dịch và thanh khoản trên thị trường, làm lệch lạc cung cầu tự nhiên. HoSE đang còn nợ nhà đầu tư nói riêng và dư luận nói chung lời giải thích về việc này mà điển hình nhất là trong phiên giao dịch chiều 24/12 vừa qua.

Còn về lâu dài, cần phải nhanh chóng thúc đẩy dự án trang bị, nâng cấp hệ thống công nghệ của HoSE. Hệ thống mới cũng phải tính được nhu cầu và sự phát triển của thị trường chứng khoán tại Việt Nam trong 5, 10 năm tới cùng với các phương án kĩ thuật công nghệ có độ mở nhằm dự phòng nâng cấp, mở rộng hệ thống nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Mỗi hệ thống công nghệ chỉ có thể chịu tải với một qui mô thị trường nhất định. Quan trọng là, những cái đầu của con người cần có tầm nhìn tính toán xa và rộng hơn, với cách xử lí linh hoạt và kịp thời khi hệ thống xảy ra trục trặc.

Dạ Thảo

Chủ đề khác