VnReview
Hà Nội

Nếu Twitter không cấm cửa Tổng thống Trump…

Sau vụ người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump bạo loạn và xâm nhập tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol ngày 6/1/2021, mạng xã hội Twitter ngay lập tức khóa tài khoản của ông Trump vĩnh viễn…

Ông Trump vi phạm hay điểm rơi để trả đũa?

Twitter lập tức khóa tài khoản của ông Trump vô thời hạn vì cho rằng những dòng tweet của ông tổng thống đã kích động bạo lực, thôi thúc người ủng hộ mình tiến đến đồi Capitol, xâm nhập tòa nhà Quốc hội Mỹ, đập phá, lấy trộm đồ vật, và thậm chí còn đả thương một cảnh sát dẫn đến tử vong.;

Trong bối cảnh hiện nay, ngay cả những người ghét cay ghét đắng các mạng xã hội, mà gần đây càng được gọi với mật độ dày đặc là "big tech", cũng không muốn đứng ra bênh vực cho vị tổng thống đầy tai tiếng Donald Trump.

Trên thực tế, ông Trump hoàn toàn có thể đấu lại Twitter bằng cách kiện ra tòa, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để phân xử. Vả lại, ông tổng thống cũng đang khiến dư luận ngán ngẩm vì vụ bạo loạn, đưa vụ việc ra tòa thắng cũng được gì còn ngược lại nếu thua thì mất càng nhiều hơn.

Suốt cả năm 2020, ông Trump đã muốn trừng trị các mạng xã hội nói riêng và các Big Tech nói chung bằng cách yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua việc xóa bỏ Điều 230 trong Đạo luật điều tiết truyền thông, được xem là một đặc quyền giúp các ông lớn này miễn trách nhiệm đối với các nội dung xấu được đăng tải và lưu truyền trên nền tảng của họ. Cũng chính vì yêu sách xóa bỏ Điều 230 mà ông Trump trong những ngày cuối nhiệm kì đã từ chối phê chuẩn dự luật Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA), chống lại cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ với lập luận rằng dự luật "có lợi cho Trung Quốc".

Cái cớ trên ông Trump đưa ra không thể che đậy được mối thâm thù tận ruột gan của ông tổng thống đối với truyền thông Mỹ nói chung và các mạng xã hội tại Mỹ nói riêng.

Trong năm 2020, Trump đã trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên bị mạng xã hội Twitter dán nhãn cảnh báo, thậm chí còn có trường hợp tweet của Trump bị xóa vì bị cho là thông tin sai lệch, vô căn cứ liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra không lâu sau đó. Từ đó về sau, tiên phong là Twitter rồi đến Facebook, liên tục dán nhãn cảnh báo các tweet, status của Trump thường đưa ra các thông tin sai lệch và thiếu kiểm chứng.

Mạng xã hội là một doanh nghiệp, phải thường xuyên gồng mình đấu với một vị tổng thống thường dùng nền tảng của họ tung ra các thông tin sai lệch, không có căn cứ thì còn hơn cả một gánh nặng. Và có lẽ chỉ có môi trường luật pháp ở Mỹ mới giúp doanh nghiệp dám hành xử như vậy. Tuy nhiên, đó là khoảng thời gian trước bầu cử. Còn sau bầu cử, khi Trump vẫn không ngừng đưa ra các thông tin sai lệch vô căn cứ thách thức kết quả bầu cử, nhưng Twitter vẫn cũng chỉ dán nhãn cảnh báo.

Chỉ cho đến khi vụ bạo loạn trên đồi Capitol xảy ra, Twitter dường như đã có điểm rơi hợp lí nhất để trả đũa, cũng thích đáng hơn bao giờ hết.

Quyết định cấm cửa của Twitter hay Facebook có thể được đa phần người dân Mỹ đồng tình song cũng còn đó hàng chục triệu người ủng hộ Trump, tất nhiên khó mà chấp nhận sự cấm đoán đối với thần tượng của mình. Tuy nhiên, với một vị thổng thống "điều hành qua Twitter", thì việc bị cấm cửa đã được chính ông ví là sự "chặn họng, bịt mồm".

Lộ thêm nhiều hơn mặt trái của big tech

Đúng sai trong việc các nền tảng truyền thông xã hội trên Internet cấm cửa Trump đến lúc này thật khó phân giải. Bởi vốn dĩ, Trump đã là vị tổng thống gây tranh cãi. Rồi những dòng tweet của ông ta cũng thường xuyên gây tranh cãi. Chính vì thế, các quyết định cấm cửa tài khoản mạng xã hội của ông có gây ra tranh cãi cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, như đã nói, chính vì tìm thấy điểm rơi để trả đũa, cho nên các mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube… không phải hứng chịu quá nhiều búa rìu của dư luận nước Mỹ.

Những phía lên tiếng mạnh mẽ nhất, hoặc mang tính phản đối hoặc mang tính châm chích, lại đến từ Liên minh Châu Âu và Nga. Tất nhiên, những bên này đâu phải là những người ngồi trong tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol cho nên đâu thể cảm nhận hết sự khủng khiếp mà cuộc bạo loạn gây ra, hay dư âm đầy bất an của nó còn để lại.

Vụ bạo loạn để lại vết nhơ cho lịch sử Mỹ, có lẽ chỉ có người dân Mỹ mới cảm nhận hết được nỗi hổ thẹn mà nó gây ra.

Vấn đề lúc này không chỉ còn là Twitter hay Facebook cấm cửa ông Trump – một tổng thống, mà còn là việc các nền tảng này cần nhanh chóng chặt đứt các mối liên quan giữa nền tảng của họ với vụ bạo loạn, bạo lực gây đổ máu và chết người. Thậm chí, họ còn cần phải nhanh chóng lên án nó.

Chính vì thế, vấn đề dư luận Mỹ, hay các nhà làm luật ở Hạ viện và Thượng viện cần quan tâm không phải là lấy lại tài khoản Twitter, Facebook cho cựu tổng thống Donald Trump, mà là cách nào kìm cương các big tech này, không để những nền tảng mạng xã hội này tự cho mình một quyền lực quá lớn và một trách nhiệm quá bé, làm giàu trên người dùng nhưng thiếu trách nhiệm đối với người dùng.

Nếu Twitter không cấm cửa tổng thống Trump, mặt trái quyền lực của các ông lớn này khó mà được khắc họa và bị soi rõ ràng hơn. Dù có thể không cứ khăng khăng như Trump đòi xóa Điều 230 của Đạo luật điều tiết truyền thông đã cũ kĩ 25 năm, thì cũng phải tìm cách nào đó không để các big tech mạng xã hội trở thành một thế giới siêu quyền lực nằm trong tay một doanh nghiệp.

Và đó mới là vấn đề lớn, như một cuộc chiến nhằm bảo vệ người dùng nói chung trước các big tech, có lẽ phải cần rất nhiều thời gian để giải quyết.  

Dạ Thảo

Chủ đề khác