VnReview
Hà Nội

Những đứa bé 8 tuổi, 10 tuổi và nỗi oan nghiệt TikTok, YouTube

Một bé gái 10 tuổi tại Palermo (Ý) bị chết não do bắt chước chơi trò "thử thách bất tỉnh" trên TikTok bằng cách quấn thắt lưng quanh cổ để quay video "trò chơi". Đây không phải là lần đầu một "trò chơi" mang tính "thử thách" trên mạng xã hội cướp đoạt đi mạng sống của một đứa trẻ.

Mạng sống những đứa trẻ quan trọng!

Đây không phải là một khẩu hiệu kêu gọi từ phong trào "Black Lives Matter" (mạng sống người da đen quan trọng) bùng phát từ tháng 5/2020 sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd tại thành phố Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota (Mỹ), do bị viên cảnh sát tên Chauvin ghì cổ.

Đây là lời cảnh báo lần thứ n về các "trò chơi" được gọi là "thử thách" trên các mạng xã hội video như YouTube, TikTok lọt vào tầm mắt những đứa bé. Chúng xem và bắt chước, và rồi không ít trường hợp trong số đó bị cướp đi sinh mạng một cách oan nghiệt.

Bé gái 10 tuổi ở Palermo thuộc nước Ý xa xôi nhưng bé trai 8 tuổi V.P.L. ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai thì rất gần. Bé gái 10 tuổi mất đi mạng sống vì chơi trò "thử thách bất tỉnh". Còn bé trai 8 tuổi tử vong với nghi vấn chơi trò "thử thách Momo" dẫn đến treo cổ tử vong trong nhà vệ sinh của gia đình.

Sinh mạng của 2 bé cũng như mạng sống của nhiều đứa trẻ trên thế giới, cực kì quan trọng. Các bé đáng được sống vui, khỏe, học hành, được chăm sóc tốt để lớn lên thành người tài đức cống hiến cho xã hội. Chúng không đáng bị trở thành nạn nhân của những video hướng dẫn "thử thách" trên TikTok, YouTube để rồi đi đến cái chết oan nghiệt.

Những cái chết oan nghiệt ấy, không xa bờ dậu nước Việt và trẻ em Việt!

Cần nhớ lại rằng, 2 năm về trước, khi trò chơi "thử thách Momo" bắt đầu xuất hiện trên YouTube và được các chuyên gia, các phương tiện truyền thông quốc tế phản ánh và cảnh báo, hệ lụy của nó còn khá xa với trẻ em Việt. Nhưng, tháng 11/2020, từ trường hợp tử vong của bé trai 8 tuổi V.P.L, không phải là hệ lụy nữa mà là hậu quả nghiêm trọng, đã xảy ra đến mức không thể cứu vãn được.

Trẻ em Việt Nam xem YouTube rất nhiều, và xem TikTok cũng không ít. Thậm chí, trẻ em xem YouTube, TikTok còn say mê hơn người lớn; học theo, bắt chước theo còn nhanh và "thuộc bài" hơn cả người lớn. Vậy thì độ rủi ro, nguy hiểm cũng lớn theo nếu để các em tự ý, tùy tiện xem bất cứ thứ gì trên các nền tảng đó vốn dĩ chưa bao giờ kiểm duyệt hay gạn lọc được hết những nội dung bẩn, độc hại, chệch chuẩn và gây lệch lạc về nhận thức.

Trách nhiệm của mạng xã hội bằng 0?

Không phải đến bây giờ mà từ 2 năm về trước khi xảy ra các vụ trẻ tử vong vì chơi trò "thử thách Momo", dư luận quốc tế đã đặt vấn đề trách nhiệm của YouTube.

Đặt vấn đề là vậy nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu vì trách nhiệm đó vốn dĩ bằng 0.

Cựu thổng thống Mỹ Donald Trump từng muốn "chiến" với các mạng xã hội để xóa bỏ Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực truyền thông (Mỹ) miễn trừ trách nhiệm pháp lí của các mạng xã hội. Nhưng ông Trump, vì nặng động cơ cá nhân, cho nên không thuyết phục được lưỡng viện ủng hộ. Và cho tới những ngày cuối của nhiệm kì, ông còn bị các mạng xã hội Twitter, Facebook, YouTube… trả đũa bằng cách khóa tài khoản vì cáo buộc ông đã kích động đám động người ủng hộ gây ra vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021.

Chuyện ông Trump đúng hay sai, có tội hay không có tội hãy để nước Mỹ giải quyết. Song việc các "ông lớn" mạng xã hội sinh ra tại Mỹ và nay đã mang tầm quốc tế tự cho mình quyền khóa tài khoản ông Trump vô thời hạn (Twitter và YouTube) lại gây ra dư luận tranh cãi.

Vấn đề đặt ra: Ông Trump dù khi ấy là tổng thống Mỹ đương nhiệm nhưng vi phạm các tiêu chuẩn của mang xã hội thì bị chặn đường link hay khóa tài khoản, nghĩa là ông phải chịu trách nhiệm với hành vi, mà cụ thể là các post, tweet của mình.

Vậy các mạng xã hội, để tồn tại những video clip kiểu như "thử thách Momo", "thử thách bất tỉnh" dẫn đến cái chết của những đứa trẻ thì sao, ai phải chịu trách nhiệm và chế tài ra sao?

Chính vì thế, Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực truyền thông (Mỹ) cho dù ông Trump không xoay chuyển được nhưng chắc chắn nó không thể cứ tiếp tục tồn tại với trạng thái ưu ái quá mức cho các "ông lớn" mạng xã hội, giúp họ thoát và lãng tránh trách nhiệm, giúp họ được miễn trừ trước nhiều vụ việc nghiêm trọng đã từng xảy ra, vô hình chung tạo cơ hội cho họ trở thành một thứ quyền lực, thế lực có nguy cơ bất trị và thao túng cộng đồng, dư luận.

Cuộc "di dân" lớn nhất lịch sử là từ thế giới thực sang thế giới ảo. Đó chính là "thế giới phẳng", là không gian mạng xã hội 2.0 mà ngày nay đã có sự hỗ trợ đắc lực của AI…

Thế nhưng, lỗ hổng lớn nhất hiện nay trên thế giới ảo với hàng tỉ cư dân mạng đang "cư trú", lại chính là hành lang pháp lí.

Thế giới thực là thế giới có luật pháp, nhà nước, chính quyền cho dù ở những cấp độ văn minh, minh bạch, tiến bộ khác nhau. Nhưng thế giới ảo tồn tại dù không phải bằng "luật rừng" nhưng lại còn hơn cả "luật rừng". Vì tất cả các qui định, nguyên tắc, tiêu chuẩn đều do chính họ đề ra theo phương châm hưởng lợi "họ là trên hết". Cho nên, để buộc được các "ông lớn" mạng xã hội chịu trách nhiệm trước những cái chết của những đứa trẻ vẫn còn là dấu hỏi chưa biết đến khi nào.

Dạ Thảo

Chủ đề khác