VnReview
Hà Nội

Tin giả COVID-19 và phiên lao dốc lịch sử trên thị trường chứng khoán

Phiên giao dịch ngày 28/1 trở thành phiên giảm điểm mạnh nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam hình thành và đi vào hoạt động. Chính trong phiên lao dốc đó, tin giả lan truyền trên mạng được cho rằng có tác động đến tâm lí nhà đầu tư.

Thị trường không "gục ngã" vì tin giả

Phiên giảm điểm lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 28/1/2021, cụ thể chỉ số VN-Index mất 73,23 điểm, tương ứng mức giảm 6,67%. Đâu đó có bài rút tít đại ý rằng: Thị trường "hoàn toàn gục ngã" trong ngày 28/1 vì thông tin dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh.

Tuy nhiên, sau phiên lao dốc lịch sử, từ phía Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có những lí giải xác đáng hơn, và không cùng quan điểm với lập luận cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam "hoàn toàn gục ngã" vì thông tin COVID-19 bùng phát trong cộng đồng.

Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán trong những phiên trước đó đã chịu nhiều áp lực điều chỉnh sau một thời gian tăng điểm dài và mạnh, đặc biệt là khi VN-Index tiếp cận vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Một nguyên nhân khác, theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, thông tin về số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lí của nhà đầu tư.

Nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm tổng hòa nhiều yếu tố. Trong đó, sâu xa và tiềm tàng chính là nhịp điều chỉnh tất yếu sau một thời gian chỉ số VN-Index tăng dài và dốc, và cộng hưởng thêm từ việc bùng phát các ca COVID-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh. Như vậy, thị trường chứng khoán không phải "hoàn toàn gục ngã" vì thông tin các ca mắc COVID-19 được công bố vào sáng ngày 28/1.

Một thông tin được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết thêm, là một số tin đồn không chính xác về diễn biến dịch COVID-19 trong đợt này khiến tâm lí nhà đầu tư hoang mang, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư mới, ít và non kinh nghiệm, chưa trải qua những đợt điều chỉnh mạnh trên thị trường chứng khoán, vì lo lắng đã bán ra bằng mọi giá.

Như vậy, ngay cả khi có những tin đồn, tin giả lan truyền trên mạng, đơn cử là ảnh chụp văn bản kê khai lịch trình đi lại của một ca dương tính mắc COVID-19 có nội dung cho rằng nam thanh niên này có đi hát "karaoke tay vịn", được lan truyền ào ạt qua các ứng dụng OTT khiến dư luận bàn tán và suy diễn, cũng không thể trở thành nguyên nhân có thể khiến thị trường chứng khoán "gục ngã".

Trên thực tế, mỗi đợt bùng phát các ca COVID-19 trong cộng đồng đều có thể tác động đến tâm lí nhà đầu tư. Đợt bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7/2020 là một điển hình. Phiên giao dịch chứng khoán ngày 27/7/2020 sau khi có thông tin ca mắc COVID-19 đăng tải trên các báo vào giữa trưa, đến phiên chiều VN-Index lao dốc mạnh và mất gần 44 điểm.

Tin giả là tội ác

Sau khi văn bản với nội dung đề cập đến "karaoke tay vịn" bị lật tẩy là không đúng sự thật, là bịa đặt, thì đến sáng ngày 29/1 lại thêm một tin giả sai sự thật lan truyền trên mạng cho rằng Hà Nội sẽ bị phong tỏa.

Tin giả này tiếp tục bị lật tẩy. Nếu đối tượng phát tán tin giả này nhằm động cơ gây hoang mang tâm lí nhà đầu tư để tìm kiếm cơ hội hưởng lợi khi thị trường chứng khoán lao dốc thì đã nhầm. Thị trường ngày 29/1 đã có một phiên hồi phục mạnh, cho thấy tâm lí nhà đầu tư đã ổn định hơn, và dư luận chủ đạo theo dõi các thông tin về COVID-19 từ các kênh truyền thông chính thống chứ không dễ gì mắc bẫy những tin giả lan truyền theo "bổn cũ soạn lại" như vậy.

Ảnh minh họa: nguồn SCMP

Phiên lao dốc lịch sử ngày 28/1 thị trường chứng khoán Việt Nam "bốc hơi" giá trị khoảng 15 tỉ USD. Tuy nhiên cần nhìn lại trước đó, thị trường đã tăng một mạch dài từ tháng 4/2020 đến giữa tháng 1/2021 mà chưa hề có một nhịp điều chỉnh đủ sâu để giảm nhiệt, cũng đã giúp tăng thêm giá trị hàng chục tỉ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin giả lan truyền trên mạng cho dù nhằm động cơ gì cũng không thể chấp nhận được. Và trong nhiều trường hợp tin giả về COVID-19 gây hoang mang dư luận, gây rối loạn cộng đồng, có thể xem là một tội ác.

Đành rằng là tin giả không hề dễ kiểm soát, đặc biệt trong môi trường "thế giới phẳng" của Internet với hàng tỉ tỉ kết nối và tương tác chỉ trong tích tắc, còn đối tượng phát tán tin giả thì có thể luôn ẩn danh. Tuy nhiên, việc sàng lọc thông tin về COVID-19 để tiếp nhận rất thuận tiện vì hiện đã có nhiều kênh tin tức chính thống, thường xuyên được cập nhật thông tin mới, thay vì mỗi chúng ta cứ để mình bị cuốn theo các thông tin được chia sẻ, lan truyền trên mạng mà chưa thể kiểm chứng. Với nhà đầu tư chứng khoán càng phải biết gạn lọc thông tin để tránh bị gây hoang mang dẫn đến thiệt hại nặng.

Quay trở lại phiên giảm điểm lịch sử của thị trường chứng khoán ngày 28/1, tin giả lan truyền trên mạng không phải là cây gậy thần có thể điều khiển thị trường và tâm lí nhà đầu tư theo ý muốn của nó.;

Bằng chứng là, trước phiên giảm điểm lịch sử ngày 28/1, VN-Index cũng đã có một phiên giảm mạnh gần 39 điểm trong phiên giao dịch ngày 27/1. Và trước đó phiên giao dịch ngày 26.1, chỉ số VN-Index cũng đã giảm xấp xỉ 30 điểm. Rõ ràng đây là mạch điều chỉnh giảm điểm của thị trường sau một quãng thời gian dài tăng mạnh và dốc. Từ đó cho thấy, thông tin COVID-19 là yếu tố mang tính chất tác động, ảnh hưởng đến tâm lí nhà đầu tư chứ không phải "cú đấm đo ván" hay "hạ gục" thị trường.

Dạ Thảo

Chủ đề khác