VnReview
Hà Nội

“Cuộc chiến F-A” và chọn lựa của chúng ta…

Quan hệ giữa 2 "Big Tech" Apple và Facebook đang khá căng thẳng sau khi "nhà Táo" cho biết sẽ cập nhật phiên bản hệ điều hành iOS 14 vào quí I/2021 này nhằm tăng cường bảo vệ quyền riêng tư. Theo đó, việc thu thập dữ liệu của các ứng dụng sẽ bị hạn chế, người dùng iPhone được thêm quyền lựa chọn "có" hoặc không" cho phép các ứng dụng theo dõi họ.

Bảo vệ người dùng cũng không dễ

Xét ở góc độ văn minh của sự phát triển xã hội và luật pháp về bảo vệ quyền riêng tư, phiên bản nâng cấp iOS 14 với nhiều tính năng nâng cao bảo vệ quyền riêng tư của người dùng là rất đáng hoan nghênh và ủng hộ.

Quyền riêng tư, từ dữ liệu hình ảnh, video, văn bản đến các loại dữ liệu khác như vị trí, mối quan hệ, sự tương tác.v.v… đều thuộc về người dùng. Người dùng muốn chia sẻ với ai là quyền của họ, muốn từ chối ai cũng là quyền của họ. Chính vì thế, phiên bản iOS 14 trao thêm cho người dùng iPhone quyền tự định đoạt đối với dữ liệu cũng như quyền quyết định lựa chọn, không chỉ hợp lí mà còn hợp pháp. Và hơn hết, đó còn là sự tôn trọng người dùng.

Trong làng smartphone, iPhone được đánh giá là thiết bị có tính bảo mật cao nhất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hoàn hảo 100%, là miễn nhiễm với các vụ tấn công, xâm nhập đánh cắp hay rò rỉ dữ liệu… mà chúng ta thường gọi là sự cố bảo mật. Một trong những sự cố nghiêm trọng chính là vụ cả trăm ngôi sao Hollywood bị lộ ảnh nóng iCloud trong năm 2014.

Tuy nhiên, với sự phản ứng gay gắt từ Facebook mà cụ thể là CEO của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này Mark Zuckerberg, thêm một sự thật được hé lộ: Muốn bảo vệ người dùng hay quyền riêng tư của người dùng cũng không hề đơn giản, cho dù chúng ta vẫn đang gọi Apple là một "Big Tech" đầy quyền lực.

Thế nhưng lại rất đơn giản để hiểu vì sao Facebook phản ứng dữ dội với Apple, thậm chí nghe đâu còn chuẩn bị khởi kiện ra tòa nữa. Chung qui lại chính là quyền lợi. Có những "Big Tech", quyền lợi của họ đôi khi không song hành với quyền lợi của người dùng. Hoặc giả, việc lấy người dùng làm trung tâm chỉ là khẩu hiệu, chiêu bài, còn thực chất là bòn rút từ người dùng. Ở góc độ này, cả Apple và Facebook đều từng để xảy ra những vụ việc, vấn đề không được lòng người dùng.

Như vậy, tình huống ở đây là việc Apple nâng cao bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng lại đụng tới quyền lợi kinh doanh của một "Big Tech" khác chính là Facebook. Facebook hiện có khoảng 2,6 tỉ người dùng hàng tháng, sống và làm giàu nhờ gần như hoàn toàn vào thu nhập quảng cáo.

Năm 2019 doanh thu quảng cáo của Facebook xấp xỉ 70 tỉ USD. Năm 2020, nguồn thu này còn tăng mạnh hơn, lên đến 86 tỉ USD. Tuy nhiên với iOS 14 hạn chế việc thu thập dữ liệu của các ứng dụng và cho phép người dùng lựa chọn quyền quyết định có cho các ứng dụng của bên thứ ba theo dõi mình hay không, nguồn thu khổng lồ của Facebook có thể bị đe dọa nghiêm trọng.

"Big Tech" càng không dám "già néo đứt dây"

Nhiều kịch bản, phân tích về khả năng "cuộc chiến F-A" (Facebook và Apple) sẽ được đẩy lên cao trào. Khi đó, Facebook được cho rằng có thể sẽ trả đũa bằng cách rút toàn bộ các ứng dụng thuộc sở hữu của mình (thêm Messenger, Instagram, WhatsApp) ra khỏi iPhone, khiến cho người dùng iPhone không thể sử dụng các dịch vụ mạng xã hội này và buộc phải chuyển sang smartphone Android.

Tuy nhiên nói thì dễ nhưng dám thực hiện hay không lại là một bài toán cực kì phức tạp. Hiện nay, lượng người dùng iPhone trên thế giới đã vượt qua mức 1 tỉ. Nếu Facebook rút khỏi nền tảng iOS hay cả MacOS, thiệt hại trước tiên thuộc về Facebook, sau đó mới ảnh hưởng đến Apple. Hơn nữa, người dùng iPhone không dùng được Facebook chưa chắc đã rời bỏ máy, mà biết đâu họ lại lựa chọn sang mạng xã hội khác như Twitter chẳng hạn?...

Thực tế trên thị trường, đặc biệt là tại Việt Nam, nhiều người nghiện Facebook nhưng cũng không ít người hoàn toàn có thể bỏ chơi Facebook. Song với những tín đồ iPhone, hầu như rất hiếm khi một iFan chuyển sang dùng Android Phone dù không ít lần bị "Táo khuyết" đối xử tệ và "ăn trên đầu trên cổ".

Nghĩa là, có lẽ độ trung thành của người dùng iPhone vẫn cao hơn độ trung thành của người dùng Facebook.

Mặt khác, hệ sinh thái của Apple gần như là độc nhất vô nhị và không thể thay thế; trong khi Facebook chưa có được hệ sinh thái đầy đặn như Apple, và cũng chưa đạt tới mức thượng thừa là không thể thay thế.

"Cuộc chiến F-A", suy cho cùng, chính là cuộc đấu vì quyền lợi của 2 "Big Tech". Chẳng qua, với "chiêu thức" iOS 14 nâng cao bảo vệ quyền riêng tư, Apple đang đồng hành cùng chiều với quyền lợi người dùng. Trong khi đó, với sự phản ứng lại Apple, Mark Zuckerberg cho thấy đang chú tâm lo cho hầu bao của mình hơn là quan tâm đến việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, cho dù họ đã từng để xảy ra xìcăngđan rất nghiêm trọng là để lộ thông tin tài khoản của hơn 87 triệu người dùng Facebook cho bên thứ ba Cambridge Analytica.

Chính vì thế, rất ít khả năng Mark và Facebook đẩy vụ việc đối đầu với Apple lên tới mức sống còn và chấm dứt mọi quan hệ hợp tác với nhau. Bởi nếu Facebook đẩy người dùng đi tới quyết định phải lựa chọn giữa họ với Apple thì đó cũng là một nước cờ cực kì hạ sách chuốc lấy thiệt đơn thiệt kép, và nguy cơ ngay cả chiếc ghế của Mark Zuckerberg cũng khó bề giữ vững.

Giả thiết nếu "cuộc chiến" đỉnh điểm xảy ra, người dùng sẽ bị phân cực mạnh mẽ, và đối với rất nhiều người cũng không hề đơn giản trong việc chọn phe.

Dạ Thảo

Chủ đề khác