VnReview
Hà Nội

Từ “nỗi đau con ốc vít”: cảm ơn một nỗi đau!

Bước sang năm 2021, ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam nhận được tin vui: Công ty Thông tin M3 thuộc Tập đoàn Viettel đã chính thức trở thành nhà cung ứng linh kiện, thiết bị cấp 2 (Tier 2 Supplier) cho 2 hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Airbus và Boeing.

I.

Một cách chính xác, Công ty Thông tin M3 trở thành nhà cung ứng cho Meggitt – một tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu của Anh quốc.

Đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp công nghệ cao Việt Nam, được chính thức bước vào chuỗi cung ứng hàng không vụ trụ toàn cầu. Bởi từ trước tới nay, trải qua hàng chục năm, chuỗi cung ứng này tại Việt Nam chỉ do các doanh nghiệp vệ tinh của những tập đoàn, công ty công nghệ lớn nước ngoài đầu tư - doanh nghiệp FDI – đảm trách.

Những cái tên từng "giúp" cho Việt Nam ghi tên trên bản đồ cung ứng linh kiện, thiết bị hàng không vụ trụ thế giới là Công ty Nikkiso Việt Nam, nhận được gói thầu sản xuất linh kiện cho Airbus vào năm 2014. Hay dự án đầu tư xây dựng nhà máy Đà Nẵng Sunshine tại Khu công nghệ cao xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng của Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC, Mỹ).

Meggitt, một cách không "khua chiêng gióng trống" nhưng đã đầu tư tại Việt Nam từ hơn 20 năm nay. Nhà máy của Công ty TNHH Meggitt Việt Nam tại Đồng Nai chuyên sản xuất, cung ứng linh kiện, thiết bị cho những tập đoàn sản xuất máy bay dân dụng, quân sự hàng đầu thế giới. Sản phẩm của Meggitt đã hiện diện trên những máy bay mới nhất, hiện đại nhất của Airbus như Airbus A350, Airbus A380…

Ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ của Việt Nam từng bị chê là "Việt Nam không sản xuất nổi con ốc vít". Không ít chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lí coi đó là một "nỗi đau" khi bị chê bai hay miệt thị - "nỗi đau con ốc vít". Thậm chí, câu nói chê bai đó đã trở thành biểu tượng thường được nêu ra để so sánh, đánh giá năng lực của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và; công nghiệp phụ trợ của Việt Nam nhiều năm trước đây.

II.

Nhân sự kiện Công ty Thông tin M3 chính thức tham gia chuỗi cung ứng hàng không vụ trụ toàn cầu, tôi lại nhớ đến câu chuyện về ông Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long.

Tháng 9/2019, ông Đào Phan Long từng được nhiều bài viết đăng tải trên các báo và trang thông tin dẫn lại lời ông rằng: "Chúng tôi thà đi đóng một con tàu còn hơn làm ốc vít cho các ông". Đó là khi ông Long khẳng khái đáp lại lời chê bai của đại diện một tập đoàn đa quốc gia rất lớn tại Việt Nam.

Lời đáp trả trên cũng từng bị không ít dư luận bất đồng cho rằng bảo thủ, cố chấp, không chịu cởi mở tiếp nhận các góp ý, tư vấn.

Cũng liên quan tới "nỗi đau con ốc vít", ngày 15/12/2020 ông Nguyễn Tử Quảng – nhà sáng lập kiêm CEO của Bkav đăng tải một status đầy "gợi nhớ" trên trang cá nhân:  "Có ai còn nhớ câu nói kinh điển "Việt Nam không làm nổi con ốc vít không nhỉ?". Rồi ông Quảng kết: "Kể từ năm 2015 chúng ta đã có thể sản xuất smartphone cao cấp Make in Việt Nam. Và từ đó không còn ai nhắc lại câu nói này".

Lời nói "ngoáy vào nỗi đau" của ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam nhiều năm trước, cho dù có gây ra những khó chịu, phản ứng đối với nhiều người, nhưng ngược lại cũng có không ít chuyên gia người Việt, doanh nghiệp Việt nhìn nhận lời nói đó không phải là không đề cập trúng vấn đề. Chí ít, nó cho thấy ngành công nghiệp phụ trợ nói riêng và ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam nói chung tại thời điểm đó còn rất yếu, năng lực nghiên cứu, thiết kế và sản xuất rất hạn chế, khó đáp ứng các linh phụ kiện đạt chuẩn cho các tập đoàn quốc tế lớn, chính vì thế ít có cơ hội trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.

III.

Song cũng không có nghĩa là nhìn vào "nỗi đau con ốc vít" để rồi chọn giải pháp là đi đầu tư chỉ để sản xuất con ốc vít nhằm để xoa dịu nỗi đau hay khỏa lấp sự yếu kém.

Trao đổi với tôi sau lần đăng tải status đề cập ở trên, và cũng sau thời điểm BKAV vừa xuất sang Mỹ cho tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới Qualcomm một lô camera an ninh AI View để lắp đặt cho trụ sở của tập đoàn này tại San Diego, California, ông Quảng bày tỏ: "Câu nói "Việt Nam không làm nổi con ốc vít" thực ra chỉ mang tính biểu tượng cho rằng ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam vào thời điểm đó không thể tự nghiên cứu, thiết kế và sản xuất được thiết bị, sản phẩm nào đáng kể. Chứ xét về mặt sản xuất, chúng ta không nhất thiết đi làm con ốc vít vì nó quá đơn giản, ít hàm lượng chất xám, giá trị thấp. Hơn nữa, trên thế giới đã có nhiều nhà sản xuất ốc vít số lượng lớn và chất lượng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu chúng ta có thể đặt mua".

Xây dựng một ngành công nghiệp luôn là một quá trình cần sự tổng hòa nhiều yếu tố. Cái chung và lớn là chiến lược, kế hoạch và các cơ chế, chính sách từ chính phủ để thúc đẩy. Nhưng từ góc nhìn của tôi, và trong bối cảnh tại Việt Nam, yếu tố nội lực và tự lực của doanh nghiệp vẫn là quan trọng nhất. Nhìn vào các mô hình phát triển của BKAV, VinFast và VinSmart, hay xa hơn là cách đầu tư sản xuất ôtô theo mô hình truyền thống từ nhiều năm trước của Thaco Trường Hải, hầu hết là doanh nghiệp "tự lực cánh sinh", cơ chế và chính sách chỉ là yếu tố hỗ trợ. 

Tôi không tin rằng từ câu nói "Việt Nam không sản xuất nổi con ốc vít" khiến các doanh nghiệp Việt tự ái và biến đó thành động lực để đầu tư sản xuất những Bphone, camera AI View, điện thoại VinSmart, ôtô VinFast, thiết bị 5G Viettel..v.v… Động lực ở đây, bản chất của nó phải từ khát vọng hun đúc doanh nghiệp Việt, không ai bắt làm nhưng vẫn tiến hành làm và tự đầu tư dù đang phải chịu chi ra nhiều hơn thu vào.

Song cho dù thế, cho dù món quà được tặng là "nỗi đau con ốc vít" thì nó vẫn đáng được bày tỏ sự cảm ơn. Cảm ơn vì từ "nỗi đau" ấy, chúng ta càng biết nỗ lực hơn để thay đổi vươn lên.

Dạ Thảo

Chủ đề khác