VnReview
Hà Nội

Facebook và cuộc gây hấn đánh mất lòng người

"Ông lớn" mạng xã hội số 1 toàn cầu Facebook đã gây hấn với Australia khi ngày 18/2 vừa qua chặn các trang tin tức của những cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông và cả những trang thông tin của các cơ quan chính phủ, phi chính phủ tại quốc gia này.

Lần đầu tiên 1 mạng xã hội gây hấn với cả 1 quốc gia

Có thể nói, Facebook dưới sự lèo lái của Mark Zuckerberg đang gây hấn với cả nước Australia, từ Chính phủ, Nghị viện cho đến các cơ quan trực thuộc; các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông, xuất bản và cả người dùng.

Bởi người dùng tại Australia, với cách hành xử ngày 18/2 của Facebook được Thủ tướng Australia Morrison cho là "ngạo mạn", cũng bị mạng xã hội này chặn việc chia sẻ các đường link tin tức, thậm chí cả những đường link từ các bài viết của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, lên trang của mình.

"Gây hấn", là một cách nói giảm nhẹ. Còn nói đúng bản chất hơn, Facebook đang gây chiến và chống lại cả Australia.

Cũng có thể nói rằng, đây là trường hợp lần đầu tiên, một mạng xã hội toàn cầu chống lại một quốc gia một cách ra mặt. Và cũng là lần đầu tiên, một mạng xã hội toàn cầu hành xử một cách không ngại ngần phô trương thế lực của mình, dùng quyền lực mình có là sức mạnh kết nối của nền tảng và số đông người dùng để trả đũa lại một quốc gia đang chuẩn bị đi đến quyết định buộc mạng xã hội đó phải trả phí tin tức cho các cơ quan báo chí, xuất bản, thông tấn và truyền thông.

Tất nhiên, với nền tảng của mình Facebook hoàn toàn có quyền tự quyết làm điều mình muốn. Nhưng làm được, cũng chưa hẳn là chỉ có lợi mà không có hại, hay nói cách khác là lợi bất cập hại. Thậm chí, Facebook có thể sẽ phải gánh hệ lụy, hậu quả nặng nề hơn về sau. Bởi sau cách hành xử bất chấp của Facebook đối với Australia, Canada bắt đầu lên tiếng sẽ tiến hành thúc đẩy luật buộc Facebook, Google… phải trả phí tin tức giống như Australia đang làm. Cùng với đó, Anh, Pháp, Ấn Độ… cũng lên tiếng ủng hộ Australia.

Cách hành xử với Australia ngày 18/2/2021 của Facebook trên thực tế càng gây thù chuốc oán, tự cầm chén thuốc độc và cũng muốn chuốc thuốc độc cho người khác.

Bởi, các quốc gia khác cũng sẽ nhìn thấy một khả năng, như Canada chẳng hạn, là một ngày nào đó cũng bị Facebook hành xử với mình như đối với Australia một khi tiến hành tiến trình pháp lí buộc Facebook phải trả phí tin tức.

Còn người dùng, Facebook lâu nay vẫn thường tùy tiện thực hiện việc ép uổng họ, hoặc tự tiện khóa tài khoản cho dù đó là Donald Trump khi còn đương chức Tổng thống Mỹ.

Facebook "đa nhân cách" và một Mark Zuckerberg chỉ biết đến tiền

Từ một mạng xã hội, Facebook bây giờ đã thể hiện nhiều bộ mặt khác nhau cùng với nhiều động thái và cách hành xử khác nhau vượt khỏi ranh giới và giới hạn của một mạng xã hội thuần túy hoạt động trong lĩnh vực truyền thông số.

Đơn cử về quảng cáo, Facebook bằng mọi cách từ chính sách đến thuật toán để ép các khách hàng quảng cáo nhiều hơn và phụ thuộc ngày càng sâu hơn, rút cuộc là nếu không chi tiền quảng cáo trên Facebook thì không bán được hàng.

Các trang cá nhân, các trang fanpage ngày càng bị Facebook siết chặt về việc chia sẻ thông tin, đường link, hạn chế tỉ lệ tiếp cận người dùng/người xem.v.v… Cuối cùng cũng chỉ nhằm đẩy về mục đích buộc người ta phải bỏ tiền ra quảng cáo trên Facebook.

Chính vì thế trong những năm gần đây, doanh thu của Facebook (với tỉ trọng 98% đến từ nguồn thu quảng cáo) liên tục tăng trưởng mạnh. Đơn cử, năm 2018 họ đạt tổng doanh thu khoảng 55 tỉ USD, đến năm 2019 đạt xấp xỉ 70 tỉ USD, mới nhất năm 2020 đạt 86 tỉ USD.

Thế nhưng mới đây khi phiên bản iOS 14 của Apple chuẩn bị "xuất tướng" siết chặt về quyền riêng tư trên iPhone được cho là sẽ ảnh hưởng tới lợi ích nguồn thu quảng cáo của Facebook, CEO Mark Zuckerberg của mạng xã hội này ngay lập tức công kích mạnh mẽ Apple là độc quyền, cạnh tranh chèn ép và bắt nạt, còn Facebook như một nạn nhân của một Apple và iOS 14 bất công.

Facebook dưới sự lèo lái của Mark ngày càng cho thấy đa diện và đa nhân cách hơn. Facebook có thể hiện hình thành muôn hình vạn trạng miễn là có lợi nhất và lợi ích của mạng xã hội này được đặt lên hàng đầu. Còn cho rằng lợi ích người dùng là số 1, là trọng tâm, thực ra cũng chỉ là khẩu hiệu và chiêu bài để Facebook che đậy tham vọng trở thành một thế lực có thể chi phối nhiều thứ trong nền kinh tế.

Dưới triết lí lãnh đạo của Mark chỉ biết tới tiền và lợi nhuận là số 1, cho nên mới dẫn đến vụ bê bối Cambridge Analytica vào tháng 3/2018. Dưới sự lãnh đạo của Mark, liên minh tiền kĩ thuật số Libra được hình thành (sau đổi tên thành Diem) bị đặt vấn đề là tham vọng thiết lập một hệ thống tiền tệ toàn cầu riêng và một mạng lưới giao dịch tài chính riêng phi truyền thống và thoát khỏi vòng cương tỏa của luật pháp các quốc gia để có thể chi phối; thế giới hay bất cứ một nền kinh tế nào.

Một điều dễ thấy rằng, cùng là 2 "ông lớn" công nghệ truyền thông số trong nhóm GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple) nhưng Google có cách tiếp cận mềm mại hơn, có chia sẻ hơn lợi ích với một số bên. Cụ thể, trong dự luật phí tin tức của Australia, Google dù không đồng tình nhưng chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và kết quả bước đầu là đã có cơ quan báo chí truyền thông đầu tiên tại Australia được Google chấp nhận chia sẻ phí tin tức.

Tuy nhiên, với Mark và Facebook, hầu như không tồn tại triết lí kinh doanh "mình ăn cơm phải để người khác ăn cháo". Tất cả món lợi được lùa vào túi Facebook, các hãng tin, truyền thông và xuất bản còn bị xem là đang nhờ vào, lụy vào Facebook để lan truyền tin tức mang đến lượng view.

Vì thế mà chúng ta không hề thấy lạ, là người dùng đang sử dụng Facebook vì lụy và phụ thuộc hơn là yêu mến văn hóa doanh nghiệp của mạng xã hội này.

Rất khác với Apple. "Táo khuyết" không phải là không có những lúc, trong một số vấn đề, cũng ép người dùng và đối tác. Nhưng cách làm và triết lí kinh doanh cũng như văn hóa của Apple vẫn tạo ra một cộng đồng iFan thủy chung, trung thành và yêu thích "táo khuyết" đến điên cuồng.

Dạ Thảo

 

 

Chủ đề khác