VnReview
Hà Nội

Nghẽn lệnh chứng khoán: Tầm nhìn công nghệ… 20 năm “vẫn chạy tốt”

Tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) xảy ra từ giữa tháng 12/2020 tới nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Bộ trưởng Tài chính mới đây đã thành lập tổ công tác chuyên trách giải quyết trong bối cảnh cứ đến phiên chiều sàn HoSE lại nghẽn lệnh.

1.

Cái câu mà cách đây hàng chục năm trước, một số hãng điện tử gia dụng, xe máy thường dùng để quảng cáo về độ bền là "20 năm vẫn chạy tốt", giờ ướm vào trường hợp hệ thống giao dịch điện tử của sàn HoSE lại thành ra đầy khôi hài và mỉa mai.

Đúng là đã có rất nhiều ý kiến mỉa mai rằng ban lãnh đạo HoSE hay cấp trên của họ đã "tin dùng" hệ thống công nghệ hiện tại là "20 năm vẫn chạy tốt".

Hệ thống giao dịch điện tử của HoSE được Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan hỗ trợ từ 20 năm trước, từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam mới khai sinh, qui mô giao dịch có phiên chỉ vài ngàn lệnh. Cho tới thời điểm này, qua 20 năm, qui mô giao dịch trên sàn HoSE đã quá khác. Sức chịu tải 900.000 lệnh mỗi phiên còn không đáp ứng nổi, cùng với đó có đến hàng triệu nhà đầu tư tham gia thị trường,; thanh khoản trên sàn HoSE phiên cao nhất vượt mức 22.700 tỉ đồng.

Trong hơn một năm qua, khi thế giới và Việt Nam phải chống chọi với dịch COVID-19 hoành hành, thị trường chứng khoán lại bất ngờ tăng trưởng ngoài dự báo, từ mức bình quân hơn 3.600 tỉ đồng mỗi phiên thời điểm tháng 2-3/2020, đến tháng 10-11 mức thanh khoản bình quân mỗi phiên đã xấp xỉ 8.600 tỉ đồng, và từ tháng 12/2020-1/2021 lại tiếp tục tăng lên đạt hơn 14.850 tỉ đồng/phiên.

Thanh khoản tăng theo năm, có những lộ trình có thể tính toán được. Nhưng sự gia tăng đột biến của thanh khoản thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19, không riêng gì thị trường chứng khoán mà nhiều lĩnh vực khác cũng khó có thể lường trước.

Nhưng điều đó, cũng mới chỉ thuần túy là tính toán về mặt thị trường, bị dịch COVID-19 làm thay đổi theo hướng khó lường, dẫn đến sự ứng phó bị động theo. Trong trường hợp này, hệ thống giao dịch điện tử của HoSE bị quá tải trong diễn biến gia tăng đột biến của thanh khoản chỉ trong vài tháng hoàn toàn có thể hiểu được và chia sẻ với biện pháp được sở này áp dụng là bóp thanh khoản nhằm phòng thủ để tránh gây tê liệt hệ thống dẫn đến sụp đổ thị trường.

2.

Thế nhưng, vấn đề bị dư luận chất vấn, đặt ra với ban lãnh đạo HoSE cũng như Ủy ban chứng khoán Nhà nước, chính là tầm nhìn công nghệ. Tầm nhìn công nghệ như thế nào mà một hệ thống sử dụng suốt 20 năm không nâng cấp, cải tiến, thay thế?

Chỉ so sánh 2 sàn giao dịch của TP.HCM và Hà Nội đã thấy rõ sự tụt hậu về khả năng chịu tải của sàn HoSE. Sàn HoSE đáp ứng tối đa được 900.000 lệnh giao dịch mỗi phiên, trong khi sàn HNX thì tối đa đáp ứng từ 20-30 triệu lệnh giao dịch mỗi phiên.

Một hệ thống công nghệ già cỗi và cũ kĩ như vậy bị quá tải là điều dễ hiểu. Nhưng điều khó hiểu là, những người có trách nhiệm về quản lí, vận hành hệ thống đó tại HoSE lại có thể nghĩ rằng hệ thống công nghệ này "20 năm vẫn chạy tốt".

Mới đây, trong một văn bản gửi Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã đưa ra kiến nghị thay thế vị trí CEO của sàn HoSE, và cho rằng ban lãnh đạo HoSE đã thể hiện sự yếu kém trong công tác điều hành.

Trên thực tế, tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán cứ vào mỗi phiên giao dịch buổi chiều trên sàn HoSE hiện không chỉ gây bức xúc mà còn khiến nhà đầu tư ám ảnh và chán chường. Bởi mỗi phiên chiều cứ từ 13 giờ 30 hay 14 giờ trở đi sàn HoSE lại rơi vào trạng thái nghẽn lệnh giao dịch nghiêm trọng khiến khiến cho hoạt động của nhà đầu tư dường như bị tê liệt, bất đắc dĩ đành phải "ngồi chơi xơi nước".   

3.

Song nói đi cũng cần nói lại. Trên thực tế từ năm 2012, HoSE đã kí kết với Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) để trang bị hệ thống công nghệ mới. Thế nhưng, tới thời điểm giữa tháng 12/2020 sàn HoSE xảy ra tình trạng nghẽn lệnh giao dịch và sang gần hết quí I/2021, hệ thống công nghệ mới được nhắc đến cũng chỉ ở tiến độ "sắp" và "sắp" chứ chưa thể chốt được ngày đưa vào thử nghiệm và dự kiến thời điểm chính thức đưa vào vận hành.

Một hệ thống chạy suốt 20 năm cho một thị trường đã tăng gấp hàng chục lần về qui mô giao dịch và số lượng nhà đầu tư. Một hệ thống công nghệ mới được triển khai đầu tư hứa hẹn hoàn tất trong vòng 5 năm nhưng đến nay đã hơn 8 năm vẫn chưa thấy ló dạng.

Và còn đáng nói hơn, những người điều hành một hệ thống như vậy, ngay trong lúc tình trạng nghẽn lệnh diễn ra trầm trọng, vẫn được bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn, và còn đầy tinh thần AQ và tô vẽ trong các phát ngôn trên phương tiện truyền thông.

Chung qui lại vì các doanh nghiệp quản lí, điều hành các sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam hiện nay vẫn thuộc độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, hiện mỗi phiên thu về vài tỉ đồng phí giao dịch, với lợi nhuận mỗi năm lên đến vài trăm tỉ đồng (năm 2018 và 2019 lần lượt đạt lợi nhuận 522 tỉ đồng và 379 tỉ đồng).

Đặc biệt, nhờ cơ chế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực quản lí điều hành sàn giao dịch chứng khoán cho nên HoSE "ngồi mát ăn bát vàng" với biên lợi nhuận gộp rất cao (lên đến 92% trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ bỏ ra 1 đồng vốn thu về hơn 11 đồng). Cho thấy, HoSE có chậm thay đổi thì vẫn "no cơm ấm cật", có chăng chỉ các công ty chứng khoán và nhà đầu tư bị ảnh hưởng đến lợi nhuận và thu nhập mà thôi.

Chính vì được cơ chế độc quyền bảo đảm cho mức độ "no cơm ấm cật" cao như thế cho nên HoSE mất dần đi động lực thay đổi trong tầm nhìn đổi mới công nghệ để bắt kịp xu hướng và nhu cầu của thị trường, để đón đầu xu thế chuyển đổi số đang lan tỏa khắp mọi lĩnh vực. Chuyển đổi số, không chỉ là chuyển từ thủ công, bán thủ công sang số hóa hoàn toàn, mà còn thể hiện ở chính sự nhanh nhạy và kịp thời bắt nhịp giải pháp công nghệ mới đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của thị trường qua đó khẳng định sự hiệu quả từ quá trình chuyển đổi số mang lại.

Thế nhưng trong khi đó, ban lãnh đạo HoSE lại thể hiện ra một tầm nhìn công nghệ ì ạch.

Dạ Thảo

Chủ đề khác