VnReview
Hà Nội

Mặt trái của “quyền lực triệu fan”

Vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn đã qua rồi. Người làm sai đã nhận sai và hành vi không đúng mực cũng đã bị xử phạt. Tôi không thích quan điểm và những hành động phê phán người khác cứ như truy sát. Tuy nhiên qua vụ Thơ Nguyễn, một vấn đề phát sinh rất đáng quan ngại, đó chính là những fan quá khích của một số Facebooker và YouTuber.

1.

Các Facebooker hay YouTuber có lượng người theo dõi khủng như Thơ Nguyễn hay một số người khác đều dường như tự nhiên mà có được thứ "quyền lực triệu fan". Đó trước hết là những người theo dõi kênh/trang, và xem, rồi từ thích đi đến hâm mộ, bênh vực, và bảo vệ bằng mọi giá.

Trong trường hợp của Thơ Nguyễn, cách đây một, hai năm, YouTuber này từng bị một số trang báo điện tử phê phán mấy cái clip của cô là phản cảm, khiến trẻ nhận thức lệch chuẩn và bắt chước theo có thể gặp nguy hiểm.v.v…

Sau đó Thơ Nguyễn "lên sóng" với kênh YouTube triệu người theo dõi của mình để giải thích, phản bác. Thực ra đó là quyền của cô, và cũng là để rộng đường dư luận. Nhưng tới mức cô bắt đầu qui chụp những tờ báo đó là "lá cải", "hết sức vớ vẩn", "câu view rẻ tiền" thì hơi quá. Và còn quá hơn khi cô kêu gọi cộng đồng triệu fan chia sẻ video phản bác của mình, và tẩy chay các trang báo điện tử trên. Tất nhiên sau đó Thơ Nguyễn đã gặp phản ứng ngược lại từ báo chí và dư luận còn mạnh mẽ hơn, nên cuối cùng cô đã phải ẩn các video đó.

Nhắc lại chuyện cũ để cho thấy rằng, các Facebooker và YouTuber như Thơ Nguyễn không chỉ có triệu fan với sức mạnh của người hâm mộ mình, mà còn rất ý thức được sức mạnh đó, xem nó như một thứ quyền lực, có thể sử dụng vào những việc theo ý muốn của mình.

Trên thực tế, những lời kêu gọi viết thành status đăng trên trang cá nhân hay dưới dạng video đăng tải trên kênh YouTube đều có thể trở thành bằng chứng chống lại chính những Facebooker và YouTuber đó, vì bị xem là hành vi xúi giục, kích động.

Trong vụ việc clip "Xin vía học giỏi" vừa mới đây gây phản ứng dữ dội trong dư luận đặc biệt là trong cộng đồng các bậc phụ huynh, Thơ Nguyễn chưa lên tiếng "kêu gọi". Thế nhưng, fan của Thơ Nguyễn lần này "không phải dạng vừa đâu", đã ngay lập tức lên Facebook lập hẳn "Hội những người đấu tranh đòi lại công bằng cho Thơ Nguyễn", và còn kêu gọi quyên góp 1 tỉ đồng để đấu tranh cho Thơ Nguyễn.

Một số bình luận trên trang Facebook của "hội" này được chia sẻ lại trên mạng, cho thấy "Hội những người đấu tranh đòi lại công bằng cho Thơ Nguyễn" tập hợp hầu hết những người còn rất trẻ, tuổi teen ngôn từ cũng rất teen, sẵn sàng chửi bới, văng tục…

Đám trẻ này, tất nhiên là không nhận thức được cái sai của Thơ Nguyễn hoặc thậm chí cũng không muốn tìm hiểu, phân tích phải trái trong vụ việc của Thơ Nguyễn, mà chỉ một màu bênh chằm chặp. Họ nào cho là nhiều kẻ "ghen ăn tức ở với Thơ Nguyễn", nào là "có ai làm được như chị Thơ không"…

Với một đám đông còn trẻ con như vậy, và có thể cũng rất manh động, nếu có thêm lời "kêu gọi" của "thần tượng" thì chuyện gì sẽ xảy ra?...

2.

Fanpage của một tờ báo từng phải hứng chịu ào ạt báo cáo xấu từ người dùng sau một số bài viết đề cập về cách hành xử của YouTuber triệu view Khoa Pug tại một resort ở Phan Thiết cách đây chừng 2 năm. Những báo cáo xấu này không chỉ gây ra nhận thức không đúng từ phía mạng xã hội từ đó đưa ra quyết định không chính xác, mà còn tạo ra con sóng ngầm của một sự kích động, gây phiền lụy, tổn thương, và thậm chí có thể dẫn tới phá hoại.

Một trường hợp khác là ứng dụng AirVisual, cũng từng bị thầy giáo dạy hóa học Vũ Khắc Ngọc và cũng là một Facebooker có đến vài trăm ngàn người theo dõi, kêu gọi fan của mình đánh giá 1 sao đối với ứng dụng này khiến AirVisual phải ẩn vài ngày đối với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên khác nhiều influencer (những người dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội) khác, thầy giáo Ngọc sau đó nhận sai và xin lỗi, và AirVisual mới xuất hiện trở lại.

Thêm một điển hình nữa là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, một người đương nhiên là có nhiều fan cả ở ngoài đời thực và trên trang cá nhân Facebook và kênh YouTube. Mr.Đàm vào tháng 10/2019 từng viết status kêu gọi fan của mình kéo nhau xuống tận Tiền Giang xử một người đàn ông vì "tội" hành hạ đứa con trai nhỏ của mình. Tuy nhiên, đây là vụ việc ca sĩ Đàm nhầm lẫn nặng do thiếu kiểm chứng thông tin. Việc người đàn ông bị cho là đi nhậu say về đánh con đã diễn ra cách đó chừng 2 năm, nhưng clip ghi hình được tung lên mạng sau chừng 2 năm đó lại được Mr.Đàm tưởng là mới xảy ra. Hậu quả là người đàn ông kia bị hàng trăm fan của Đàm Vĩnh hưng kéo tới nơi trọ vả đến bê bết máu miệng.; 

Dù nhầm lẫn hay không nhầm lẫn thì những trường hợp "kêu gọi" fan làm điều sai quấy đều là không đúng, thậm chí là vi phạm pháp luật và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như gây thiệt hại về kinh tế, gây tổn thương danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của các cá nhân, tổ chức.

Sức mạnh triệu fan mang đến quyền lực cho các influencer là có thực. Trong động thái thiết thực và có lợi nhất, họ hoàn toàn có thể sử dụng lợi thế đó vào công việc kiếm tiền thay vì xúi giục, kích động đám đông dẫn đến các hệ lụy xấu. Còn hay hơn và tốt hơn, "quyền lực triệu fan" nên được tận dụng vào những việc tốt, như làm điều thiện nghĩa cho cộng đồng, xã hội. Điều này không phải mới mẻ gì mà đã có rất nhiều người nổi tiếng thực hiện, mang tới những thành công cho bản thân họ và lợi ích cho cộng đồng.

Dạ Thảo

Chủ đề khác