VnReview
Hà Nội

Từ logo hơn 7 tỉ đồng của Xiaomi: Đo tiền hay đo tư tưởng?

Khá lâu rồi, mới xảy ra một câu chuyện có chút khôi hài, gây cười. Đó là bộ nhận diện thương hiệu mới (logo) của Xiaomi bị dư luận cho rằng chẳng có thay đổi gì so với mẫu logo cũ.

Dư luận đánh giá từ bên ngoài

Mô tả một cách khái quát thì, logo cũ với chữ MI cách điệu và đơn sắc (trắng) trên nền hình vuông màu cam.

Hẳn là logo Xiaomi đã quá quen thuộc với MiFans và nhiều người tiêu dùng. Cho nên khi logo mới vừa được công bố, cũng vẫn là chữ MI trên nền màu cam, nhưng thay vì hình vuông góc cạnh cứng nhắc trước đây lại là một hình vuông bo tròn nhìn mềm mại hơn, đã gặp ngay dư luận đàm tiếu.

Vấn đề khiến cho không ít người khi nghe qua phì cười và thậm chí chê bai, là chỉ có một thay đổi như vậy mà Xiaomi phải tốn đến 2 triệu Nhân dân tệ, tương đương hơn 7 tỉ đồng. Ý là tiền tỉ để làm logo mới mà chẳng có gì mới.

Người viết bài này đã từng nghe nhiều câu chuyện, thậm chí đã từng đưa ra chất vấn về những bộ nhận diện thương hiệu mới của một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Và thú thật, với đại đa số trường hợp, khi người ta (chủ yếu là người tiêu dùng) đã quen với bộ nhận diện thương hiệu cũ, thường thì khi bộ nhận diện thương hiệu mới ra đời bị "ăn đòn" nhiều hơn là được tán dương, khen ngợi.

Gần đây nhất là trường hợp bộ nhận diện thương hiệu mới của Viettel, với kiểu chữ thay đổi hoàn toàn, và màu sắc thì chuyển từ xanh sang đỏ. Trong một cuộc gặp gỡ báo giới cuối năm tại TP.HCM, vấn đề này đã được nêu ra chất vấn ông quyền Chủ tịch Viettel Lê Đăng Dũng. Tất nhiên khi doanh nghiệp đã chọn logo mới thì cũng có lí do, lập luận để dư sức trả lời các câu hỏi cho dù cắc cớ hay hóc búa, thậm chí đằng sau còn có cả một câu chuyện và triết lí về logo mới.

Nhưng mặc cho doanh nghiệp có thuyết minh, giải thích thế nào thì cũng chưa chắc giải tỏa được sự không đồng cảm từ nhiều người. Khi đó, người viết bài này cũng được nghe một câu bình luận ở bên dưới: "Nhiều tiền thì làm thôi, chứ logo mới chẳng có gì đẹp".

Sự thật là quan điểm nhìn nhận, đánh giá các bộ nhận diện xưa nay vốn dĩ 9 người 10 ý. Bởi nó hoàn toàn phụ thuộc vào nhận xét chủ quan của mỗi người. Hơn nữa về quan niệm đẹp – xấu, thích – không thích là cả một chuyện dài bàn mãi cũng chưa chắc nhất trí được.

Trở lại trường hợp bộ nhận diện thương hiệu mới của Xiaomi, cũng rơi vào tình huống, câu chuyện thường tình mà các bộ nhận diện thương hiệu mới của doanh nghiệp hay gặp phải. Và vẫn là những nhận xét muôn thuở: Chẳng có gì mới và cũng chẳng đẹp hơn logo cũng, số tiền hàng triệu Nhân dân tệ bỏ ra là bất hợp lí, phí tiền.v.v…

Nhưng doanh nghiệp thì lí giải từ câu chuyện bên trong

Thú thật là, nếu đặt 2 logo cũ và mới của Xiaomi bên cạnh nhau, thoạt nhìn thì người viết bài này cũng có thể đưa ra nhận xét chẳng có gì mới hơn những gì dư luận đã nhận xét ngay từ ban đầu theo hướng chê bai nhiều hơn là đồng tình.

Nhưng sau khi đọc, nghe về câu chuyện từ nhà thiết kế người Nhật Bản là Kenya Hara, từ phía nhà sáng lập Xiaomi – ông Lei Jun, và chịu khó ngắm đi ngắm lại 2 logo một hồi, người viết bài này có phần nào sự đồng cảm chứ không còn nghĩ rằng logo mới chỉ lãng phí tiền, là khoản chi phí bất hợp lí và chẳng có gì mới…

Và tôi cho rằng, logo Xiaomi từ hình vuông nền cam chuyển sang hình vuông góc bo tròn màu cam là một sự thay đổi theo hướng mềm mại hơn, trông uyển chuyển và linh hoạt hơn. Còn về chữ MI bên trong, có thể về đại thể phía Xiaomi chưa muốn thay đổi quá nhiều. Song nếu nhìn kĩ cũng có thể thấy, góc trên ở nét cuối của chữ M đã được "gọt" tròn mềm mại hơn nhằm "uốn" theo hình khối vuông bo tròn 4 góc.

Nhưng quan trọng hơn chính là tư tưởng, triết lí doanh nghiệp mà đặc biệt là từ người đứng đầu muốn gửi gắm vào logo mới và đã được họa sĩ thiết kế chuyển tải vào trong hình khối và màu sắc của logo Xiaomi mới.;

Công bằng mà nói, dù nhiều người cho rằng logo mới của Xiaomi không mới gì mấy so với logo cũ, nhưng 2 logo đặt cạnh nhau vẫn cho người viết bài này cảm nhận được một điều: Logo sau mang đến cảm xúc tươi mới hơn, cảm giác mềm mại, uyển chuyển và linh hoạt hơn. Có thể phía doanh nghiệp chỉ cần có vậy để truyền tải tư tưởng kinh doanh của họ. Mà phàm thứ gì thuộc về tư tưởng thì cần có thời gian để cảm nhận và để hiểu.

Việc thiết kế logo theo hướng hoàn toàn mới nhiều khi dễ hơn là đổi mới từ mẫu logo cũ, như trường hợp Xiaomi vừa mới đây hay cách đây chưa lâu là Viettel, thường là khó tránh được những nhận xét chê bai.

Nhưng cũng có một thực tế, logo mới được sử dụng trong một thời gian đủ dài, khiến người tiêu dùng dần quen, khi đó thậm chí họ còn nghĩ ngược lại với trước đây, lại thấy logo mới đẹp hơn, có những điểm ưu việt hơn logo cũ.

Logo hiện nay của FPT, cách đây nhiều năm khi được công bố cũng đã từng hứng chịu chỉ trích như thói thường các logo mới phải hứng chịu.

Còn nhìn chung là, nhìn lâu rồi cũng quen mắt. Đó chính là yếu tố cứu tinh đối với không ít những bộ nhận diện thương hiệu mới của nhiều doanh nghiệp.

Bởi suy cho cùng, logo cũng chỉ là logo, là những hình vẽ, hình khối đồ họa cùng với câu chuyện được thổi vào, không thể nào quan trọng hơn thực tế hoạt động của chính doanh nghiệp.

Thậm chí, thực tế hoạt động của doanh nghiệp còn quyết định đến sự sống còn của bộ nhận diện thương hiệu, logo…

Dạ Thảo

Chủ đề khác