VnReview
Hà Nội

Tiền ảo, cần một cái nhìn… không ảo!

Thị trường tiền ảo (hay còn gọi là tiền điện tử, tiền kĩ thuật số, tiền mã hóa) vẫn đang gây ra những đánh giá trái chiều, thậm chí gây tranh cãi ở những cấp độ quản lí cao cấp tại nhiều quốc gia. Nhưng ở góc độ đầu tư, thị trường tiền ảo vẫn tiếp tục thu hút không ít người.

Đã trở thành một xu thế?

Tiền; ảo đã là một xu thế hay chưa, với người viết bài này, vẫn chưa thể khẳng định hay trả lời được dù chỉ cho chính sự băn khoăn của bản thân mình.

Tuy nhiên với những gì đang diễn ra trên thế giới, đặc biệt là thị trường tiền ảo từ khoảng tháng 4/2020 tới nay, có thể nói đã xuất hiện thêm nhiều tín hiệu, mà cả ở cấp độ quản lí thị trường tiền tệ hay dù chỉ là nhà đầu tư, cái nhìn về tiền ảo không thể cứ còn khư khư như 2-3 năm trước nữa.

Thứ nhất, với tốc độ tăng giá mạnh mẽ trong những tháng qua, đồng Bitcoin đã không quá khó khăn để đạt giá trị vốn hóa 1.000 tỉ USD, mức giá trị mà số doanh nghiệp trên toàn cầu đạt được chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Và theo đó, giá trị vốn hóa trên thị trường tiền ảo cũng vượt qua ngưỡng 2.000 tỉ USD, được cho rằng đã bằng khoảng 20% giá trị vốn hóa của thị trường vàng thế giới.

Thứ hai, trong thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chấp nhận giao dịch, thanh toán bằng tiền ảo mà cụ thể là đồng Bitcoin và một số đồng tiền kĩ thuật số mạnh khác. Thậm chí, một số tỉ phú công nghệ hàng đầu thế giới như Elon Musk cũng đầu tư vào Bitcoin, mang tới thêm sự hưng phấn cho thị trường này.

Còn gần đây, 9 tổ chức và doanh nghiệp đang trình hồ sơ, thủ tục đăng kí thành lập quĩ Bitcoin ETF lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và đang chờ được phê duyệt. Trong đó, có một số tên tuổi lớn và uy tín trên thị trường tài chính như Goldman Sachs, Morgan Stanley/NYDIG… Trên thực tế, cách đây chừng 2 năm, ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) cũng đã cho ra đời thử nghiệm đồng tiền ảo JPM Coin.

Vẫn chưa dừng lại, từ tháng 10/2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ra mắt thử nghiệm 10 triệu Nhân dân tệ kĩ thuật số (tương đương khoảng 1,5 triệu USD). Đây là một thông tin rất đáng quan tâm vì cho tới thời điểm này, Trung Quốc vẫn đang là quốc gia không chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán trên thị trường, nói nôm na là cấm.

Và cũng không thể bỏ qua sự kiện sàn giao dịch tiền ảo Coinbase IPO tại Mỹ ngày 14/4 (giờ Mỹ) với giá trị vốn hóa lên đến gần 86 tỉ USD. Chính việc niêm yết trên sàn Nasdaq của Coinbase đã tạo hưng phấn cho đồng Bitcoin tăng chạm ngưỡng 65.000USD.

Mới nhất, theo Bloomberg đưa tin, thống kê từ Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) cho biết đã có hơn 60 ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang cân nhắc phát hành tiền kĩ thuật số, trong đó các dự án tiền kĩ thuật số bán lẻ (dùng làm phương tiện thanh toán cho người tiêu dùng) chiếm đại đa số tại những nền kinh tế mới nổi. Trong khi các dự án tiền kĩ thuật số bán buôn (dùng cho thanh toán liên ngân hàng, giữa các tổ chức), chủ yếu ở các nền kinh tế phát triển.

Cần tư duy mở về tiền ảo

Còn nhớ mấy năm trước, khi Trường Đại học FPT thông tin rằng sẽ chấp nhận thu học phí bằng đồng Bitcoin, như một cơn địa chấn dư luận, vì cho rằng tổ chức này vượt rào, vi phạm các qui định về phương tiện thanh toán hiện hành. Đại học FPT sau đó phải thu hồi quyết định trên.

Nhưng tới thời điểm hiện tại, nhận thức, tư duy về tiền kĩ thuật số đã có những diễn tiến rất khác với 2-3 năm trước. Không chỉ số tổ chức, doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo nhiều hơn, mà số người đầu tư vào tiền ảo cũng tăng lên chóng mặt.

Theo Khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của Statista năm 2020 được công bố gần đây, Việt Nam (mỗi quốc gia có từ 1.000-1.400 người tham gia khảo sát) có mức độ phổ biến tiền ảo là 21%, chỉ đứng sau Nigeria (32%); nhưng đứng trên Trung Quốc (7%), Mỹ (6%), Đức (5%), Nhật Bản (4%).

Như đề cập ở trên, Trung Quốc là quốc gia chưa chấp nhận sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trên thị trường, nhưng ngân hàng trung ương của nước này đã thử nghiệm ra mắt tiền ảo. Đáng chú ý hơn, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) còn thành lập một viện chuyên nghiên cứu về tiền kĩ thuật số. Vừa mới đây trung tuần tháng 4.2021, tại một hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn Bác Ngao (Trung Quốc), một phó thống đốc của PBoC cho dù vẫn không xem tiền ảo là tiền tệ, nhưng lại xem nó là tài sản kĩ thuật số, là kênh đầu tư thay thế.

Như vậy có thể thấy, so với 3-4 năm về trước, cơ quan cao nhất về điều hành chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã thay đổi cách nhìn và tư duy về tiền ảo. Với sự thay đổi tư duy này, họ chẳng mất gì, mà ngược lại sẽ được, là đón đầu tương lai.

Nếu có thể xem đó là "đi tắt, đón đầu" thì có thể thấy, Trung Quốc đã có bước đi khá mạnh dạn trong lĩnh vực tiền ảo để không quá chậm chân so với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ.

Mỹ, từ thời chính quyền Trump trước đây cho tới chính quyền Biden hiện tại vẫn chưa công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán chính thức trên thị trường. Thị trường tiền ảo mới đây còn bị chao đảo bởi một phát ngôn của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Tuy nhiên, bà bộ trưởng quyền lực này nhấn mạnh đến khía cạnh tăng cường kiểm soát thị trường tiền ảo trong giao dịch cho các hoạt động tội phạm, tài trợ khủng bố, rửa tiền… 

Chính quyền Mỹ không chấp nhận dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán, không khuyến khích nhưng cũng không cấm đoán, mà cứ để thị trường tiền ảo diễn ra theo xu thế của nó. Và trên thực tế, số quĩ Bitcoin ETF nộp hồ sơ đăng kí thành lập tại Mỹ vẫn nhiều nhất thế giới, các sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất vẫn tập trung ở Mỹ…

Dạ Thảo

Chủ đề khác