VnReview
Hà Nội

VinGroup: Đóng lại cánh cửa này, cơ hội khác mở ra…

Quyết định đóng cửa mảng sản xuất điện thoại và tivi của VinSmart vẫn chưa hết gây bất ngờ. Bất ngờ vì VinSmart, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và tiềm lực hùng mạnh từ Vingroup, được kì vọng là thương hiệu Việt hiếm hoi; có khả năng cạnh tranh được với các "ông lớn" điện thoại và tivi trên thị trường hiện nay như Samsung, OPPO, Xiaomi, Vivo, LG, Sony…

1.

Nhiều ý kiến đề cập đến quyết định VinGroup đóng mảng sản xuất điện thoại và tivi của VinSmart chỉ thuần đề cập đến những khó khăn trong cạnh tranh giành giật thị phần của mảng điện thoại VinSmart, việc phải liên tục bù lỗ rất nhiều tiền tính từ tháng 6/2018 trở lại đây, và cuối cùng là thể hiện sự nuối tiếc...

Tôi lại nghĩ khác. Việc chặt đứt một nguy cơ lỗ lã kéo dài và ít có điểm sáng khả quan trở thành người dẫn dắt cuộc chơi thì càng chấm dứt sớm sủa càng tốt.

Ở một góc độ khác, nếu VinGroup phải đầu tư 10 phần nguồn lực vào mảng điện thoại và tivi của VinSmart nhưng hiệu quả mang lại chỉ 1-2 so với đầu tư vào VinFast 10 song hiệu quả mang về 4-5, nếu tính về tiềm năng thị trường tương lai có thể là 10, thậm chí 20, thì đáp án quá rõ mà chính VinGroup cũng đã có thể nhìn thấy.

Trong thông cáo phát đi về quyết định của mình, VinGroup dẫn lời CEO của tập đoàn – ông Nguyễn Việt Quang: "Việc sản xuất điện thoại hoặc tivi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng. Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh... sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội cho nhân loại. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này".

Có thể thấy đây là những lời giải thích về nguyên nhân đóng mảng sản xuất tivi và điện thoại của VinSmart một cách rõ ràng và không hề ngại ngần. Chia tay sớm, bớt khổ đau. Hạn chế sự lỗ lã kéo dài làm mệt mỏi và vắt kiệt nguồn lực. Quyết định dứt khoát, mạnh mẽ và kịp thời để tập trung nguồn lực cho mảng tiềm năng hơn, có thể đưa đến hiệu quả sớm sủa hơn.

Tôi đánh giá rất cao sự xoay chuyển này của VinGroup. Mà trọng tâm đưa ra quyết định này không ai khác chính là ông chủ tịch tập đoàn Phạm Nhật Vượng.

Ngược dòng thời gian một chút, VinGroup đã từng xin được giấy phép mở hãng hàng không Vinpearl Air vào tháng 4/2019. Nhưng để dồn nguồn lực xoay trục sang mảng công nghiệp và công nghệ, họ đã nhanh chóng dừng cuộc chơi Vinpearl Air vào tháng 1/2020.

Cũng trong đợt đó, Vin rút khỏi mảng bán lẻ, ngay cả đối với hệ thống bán lẻ điện thoại và sản phẩm kĩ thuật số mà họ đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để mua lại trước đó là Viễn Thông A.

Nhiều ý kiến khi đó bàn tán rằng Vin lãng phí quá. Nhưng dựa trên thực tế cho thấy, Vin dừng hai mảng hàng không và bán lẻ là sáng suốt. Bởi nếu không, Vin sau đó có thể càng lỗ lã nhiều hơn khi từ đầu năm 2020 đến nay đại dịch COVID-19 khiến rất nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là ngành hàng không, và ngành bán lẻ cũng không ngoài cuộc.

2.

Tính đến nay, VinGroup đã thực hiện ít nhất 2 cuộc chuyển hướng chiến lược mạnh mẽ xoay sang công nghiệp và công nghệ.

Lần thứ nhất, họ đi vào lĩnh vực sản xuất ôtô với sự ra đời VinFast, sau đó tới smartphone và sản phẩm điện tử với VinSmart. Để tập trung cho chiến lược này, VinGroup tái cơ cấu và "chặt đứt không thương tiếc" một số mảng như bán lẻ, nông nghiệp và hàng không.

Lần thứ hai, họ tiếp tục mạnh tay đến lạnh lùng khi bất ngờ đóng mảng sản xuất điện thoại và tivi, chuyển nguồn lực tập trung cho ôtô VinFast, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, thiết bị tiện ích cho xe điện thông minh, nhà thông minh, đô thị thông minh, và tất nhiên còn có một thế giới rộng mở các sản phẩm, thiết bị IoT (kết nối Internet of Things).

Điều mà tôi đánh giá rất cao VinGroup trong 2 lần chuyển hướng chiến lược mạnh mẽ trên, là họ đều trong thế chủ động, với tâm thế đóng lại cánh cửa này để mở ra cơ hội khác; hoàn toàn khác với tình huống đã quá lỗ lã, nguy cấp sắp chết đến nơi mới phải bán đi hay dừng sản xuất như trường hợp mới đây là LG dừng sản xuất smartphone, Toshiba muốn bán lại mảng sản xuất tivi...

Trong khi đó, 3 mảng mà VinGroup hướng đến tập trung thêm nguồn lực là xe điện thông minh, nhà thông minh và đô thị thông minh, đều đang còn rất nhiều tiềm năng.

Thiết bị, giải pháp nhà thông minh bổ sung thêm hệ sinh thái cho mảng bất động sản của VinGroup một cách rất thiết thực. Xe điện thông minh lại là một thị trường mang tầm toàn cầu, có thể giúp VinFast trở thành một trong những cái tên khẳng định trên thị trường thế giới. Không phải bỗng dưng cả Reuters và Bloomberg đều đưa ra thông tin VinFast có kế hoạch IPO ở ở với mục tiêu gọi vốn khoảng 3 tỉ USD, còn giá trị VinFast có thể lên tới 50-60 tỉ USD.

Trong thị trường xe điện thông minh, có 2 nguồn thu lớn ngoài nguồn thu bán xe: Thứ nhất là nguồn thu từ pin, không chỉ cho xe điện mà còn cho các thiết bị thông minh khác. Thứ hai là bán hạn ngạch phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide (CO2).

Công ty xe điện thông minh có giá trị vốn hóa lớn nhất ngành ôtô trên thế giới hiện nay đã thu về tổng cộng 3,3 tỉ USD trong 5 năm qua từ việc bán phát thải khí CO2. Trong đó riêng năm 2020, Tesla đã thu về 1,6 tỉ USD, giúp startup này thoát lỗ và chuyển sang lãi ròng hơn 700 triệu USD.

Một doanh nghiệp khác liên quan tới xe điện là công ty chuyên nghiên cứu, phát triển và sản xuất pin xe điện Contemporary Amperex Technology (CATL) của Trung Quốc. Công ty này có tới 9 tỉ phú USD (với tổng tài sản 72 tỉ USD), nhiều hơn bất kì tập đoàn toàn cầu nào khác như Google, Facebook, Walmart, Amazon, Apple...

Tính từ năm 2019 tới nay, mỗi năm doanh số xe điện tại thị trường ôtô lớn nhất toàn cầu là Trung Quốc chiếm tỉ trọng ít nhất là 10% doanh số xe mới bán ra, và đang có xu hướng không ngừng tăng. Đó cũng chính là lí do các công ty sản xuất xe điện tại quốc gia này đang ăn nên làm ra, giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua.

Các startup xe điện thông minh và liên quan tới xe điện thông minh đang tạo trend trên thị trường chứng khoán. Đơn cử Tesla, dù lợi nhuận vẫn nhờ chủ yếu vào nguồn thu bán phát thải hay Bitcoin, nhưng mới đây đã trở thành doanh nghiệp có giá trị xếp thứ 5 toàn cầu. Còn ông chủ Elon Musk của nó, có thời điểm đã vượt qua Jeff Bezos trở thành tỉ phú giàu số 1 thế giới.

Và theo tôi, cánh cửa mà VinGroup mở ra khi chuyển hướng ưu tiên tập trung nguồn lực mạnh hơn cho xe điện thông minh còn mở ra một cơ may hiếm hoi để thương hiệu VinFast/VinGroup trở thành một trong những thương hiệu đáng chú ý trên thị trường toàn cầu. Điều này, dường như là không thể nếu dựa vào mảng điện thoại và tivi.

Dạ Thảo

Chủ đề khác